.

Vụ tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Khu du lịch Hồ Mây: Không phải là hình ảnh sao chép tượng Quan Vân Trường

Cập nhật: 17:15, 10/05/2022 (GMT+7)

Hội đồng nghệ thuật kết luận bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại Khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép tượng Quan Vân Trường.

Ngày 10-5, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có báo cáo về kết quả kiểm tra tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại khu du lịch Hồ Mây, TP Vũng Tàu.

a
Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại Khu du lịch Hồ Mây

Trước đó, khoảng giữa tháng 4-2022, dư luận xôn xao về bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tay cầm trường đao, cưỡi trên lưng ngựa đặt tại Khu du lịch Hồ Mây (Hồ Mây Park, TP Vũng Tàu) có nhiều điểm giống với vị tướng Quan Vân Trường (Trung Quốc) nên yêu cầu tháo dỡ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đoàn kiểm tra của Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với đơn vị liên quan làm việc với chủ đầu tư công trình là Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu. Theo chủ đầu tư, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo do nhóm nghệ nhân Quảng Nam chế tác và hoàn thành năm 2018. Công trình này nằm trong quy hoạch 1/500 được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ UBND ngày 12-4-2018.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đều khẳng định bức tượng có nhiều chi tiết không giống với tượng Quan Văn Trường như phản ánh trên mạng xã hội và để khách quan hơn, ngày 15-4-2022 Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật bao gồm: đại diện Lãnh đạo Sở VH-TT , Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học – lịch sử tỉnh, Sở Xây dựng, các họa sĩ, nhà điêu khắc là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh xác định tính mỹ thuật của bức tượng.

Sau khi kiểm tra thực tế, Hội đồng nghệ thuật kết luận bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại Khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép tướng Quan Vân Trường nhưng do chi tiết tư thế cưỡi ngựa, cầm đao nên có người liên tưởng tới hình ảnh Quan Văn Trường.

Tuy nhiên, bức tượng chưa thể hiện nổi bật được thần thái của vị tướng, có một số chi tiết chưa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ (các bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo hầu hết đều lấy tư thế, vóc dáng danh tướng đứng thẳng, đeo kiếm, chỉ tay ra xa hoặc cầm cuốn binh thư yếu lược chứ không sử dụng tư thế cưỡi ngựa). Qua tra cứu và liên hệ nắm thông tin từ Bộ VH-TT-DL và một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng quy ước nào về văn hóa tượng đài danh nhân cưỡi ngựa như ý kiến phản ánh.

“Các chi tiết Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa mà cưỡi hắc tượng (voi đen) và dùng kiếm chứ không dùng trường long đạo hiện nay chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định. Sở VH-TT đã có văn bản tham vấn các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh và đang đợi ý kiến phản hồi”- công văn nêu rõ.

Từ kết quả kiểm tra, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu rà soát toàn bộ các tượng được xây dựng trên khu du lịch Hồ Mây (14 bức tượng danh nhân) và một bức phù điêu chiến thắng Điện Biên Phủ.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.