Thứ Ba, 17/05/2022, 16:27 (GMT+7)
.

Ra mắt bộ tiểu thuyết và vở diễn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

a
Tác giả, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ cùng với các nghệ sĩ tham gia vở diễn.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” với tập 1 “Nợ nước non” của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ vừa ra mắt sáng 16-5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Cùng với bộ tiểu thuyết, vở diễn kết hợp cải lương và ví dặm “Nợ nước non” cũng đang gấp rút được dàn dựng để kịp ra mắt khán giả trong tháng 5 này.

Cuốn tiểu thuyết của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, là tập 1 của bộ “Nước non vạn dặm”, do Nhà xuất bản Văn học và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt liên kết xuất bản, phát hành.

Cuốn sách đi theo những bước chân từ thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở quê nhà, và lúc theo cha mẹ những lần quẩy gánh đi bộ từ Nghệ An vào Huế sinh sống.

TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cho biết, không chỉ nhấn vào nhân vật trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn tiểu thuyết còn xây dựng những nhân vật đã góp phần làm nên tính cách, con người của Người, như Mẹ, Bà ngoại, những người thân trong gia đình Người như Út Huệ, Phúc, Út Tâm…, những người thân thiết với gia đình Người, như chí sĩ Phan Bội Châu, họa sĩ, thầy giáo Lê Văn Miến, các danh nhân Phan Đình Phùng. Vương Thúc Quý, Đào Tấn…

Tác giả không nhằm mô tả tiểu sử nhân vật, mà quan trọng nhất, ông đã khắc họa sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới, các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân.

a
 

TS Nguyễn Anh Vũ cũng cho biết, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã tạo dựng nên bộ tiểu thuyết bằng những nghiên cứu công phu, dày dặn về lịch sử, văn hóa, bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác. Ông xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Nhà văn Bùi Việt Thắng nhận xét, dựa trên tư liệu có thật nhưng đậm chất văn chương, tác giả khiến người đọc không có cảm giác đó là sách về tiểu sử nhân vật.

Hai tập tiếp theo, “Lênh đênh bốn biển” và “Người về” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ dự kiến tiếp tục ra mắt vào năm 2023, 2024, sẽ lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, sức cảm hóa, lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân và bạn bè quốc tế…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thách thức vô cùng lớn. Từ trước đến nay đã có rất nhiều tác giả viết về Người, ngay cả về thời thơ ấu của Bác cũng đã có tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Hơn nữa, tình yêu rất lớn dành cho Bác của người Việt nói chung và của chính tác giả nói riêng lại là thách thức lớn nhất, bởi người viết sẽ mang cảm giác sợ hãi khi chạm vào sự thiêng liêng ấy, còn người đọc sẽ dựa trên rất nhiều dữ liệu, cứ liệu, nhiều lý do và nhiều thái độ để đánh giá, soi xét.

Nhà thơ chia sẻ, bản thân ông cũng đã từng muốn viết một trường ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông sợ không vượt qua được thách thức đó. “Nhưng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết, tôi đã trút bỏ được nỗi sợ hãi đó. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc”, nhà thơ nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã bước vào một tình yêu, sự kính trọng một nhân vật lịch sử đến tận cùng: “Khi người ta đã có tình yêu với một ai đó, họ sẽ viết được đến tận cùng điều họ muốn. Ông đã xây dựng được hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung bình dị như mọi cậu bé khác, chứng kiến những thay đổi của gia đình, xã hội và lịch sử, từ đó dẫn đến những thay đổi đối với bản thân mình”.

a
 Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày một đoạn trích trong vở diễn "Nợ nước non".

“Nợ nước non” là kịch bản sân khấu thứ ba của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ được đưa lên sân khấu cải lương, sau “Chuyện tình Khau Vai” và “Ngàn năm mây trắng”, với sự phối hợp của các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Việt Nam.

Đạo diễn, TS, NSND Triệu Trung Kiên nhận xét, bản thân cuốn tiểu thuyết đã đầy ắp chất điện ảnh, vì thế cuốn sách rất gần gũi với vở diễn. “Chúng tôi có thể hình dung từng con đường, từng khúc quanh, cảnh vật, cho đến thời tiết… ở nhiều đoạn trong cuốn sách”. Anh cho biết, với thời lượng 2 giờ đồng hồ, vở diễn chỉ có thể chọn những lát cắt, khoảnh khắc lịch sử liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng như “Ngàn năm mây trắng”, lần này đạo diễn, TS, NSND Triệu Trung Kiên đưa vào vở diễn nghệ thuật cải lương cùng với một số loại hình nghệ thuật dân gian khác, tiêu biểu là ví dặm. Vở diễn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như NSƯT Mạnh Hùng, các nghệ sĩ Như Quỳnh, Xuân Thông, Văn Dương, Thiêu Kiều, Lệ Hằng, Minh Phương… Đặc biệt, nghệ sĩ Minh Hải vào vai Bác Hồ khi trưởng thành và con trai anh là bé Anh Đức vào vai Người thuở nhỏ. Hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở diễn này, đang ráo riết tập luyện để kịp ra mắt khán giả vào đúng dịp sinh nhật Người.

Theo nhandan.vn


 

.
.
Liên kết hữu ích
.