.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật: 09:24, 05/09/2022 (GMT+7)

Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hiện có 10 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng công nhận. Các di tích không chỉ là “địa chỉ đỏ” góp phần  giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến của nhiều du khách đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế.

NHIỀU DI TÍCH XUỐNG CẤP

Được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, đình Phú Sơn gắn với lịch sử thành lập làng Phú Sơn (xã Phú An, huyện Cai Lậy ngày nay). Đình thờ Thành Hoàng, các vị “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ”, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng.

 Di tích Chiến thắng Ba Rài.
Di tích Chiến thắng Ba Rài.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình Phú Sơn là cơ sở cách mạng quan trọng của địa phương. Năm 2017, đình được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, đình đang xuống cấp nghiêm trọng: Nền sụp lún, bong tróc; các cột gỗ trong đình bị mối mọt đục khoét; mái ngói âm dương bị xô lệch, dột nát.

“3 năm qua, Ban Hội hương đình đã vận động nguồn xã hội hóa trùng tu, sửa chữa đình với kinh phí hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đình đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc, mỹ quan của đình” - Trưởng ban Hội hương Đình Phú Sơn Võ Hoàng Ân cho biết.

Khu di tích Chiến thắng Ba Rài (ấp 4, xã Cẩm Sơn) có diện tích hơn 9.000 m2, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hằng năm, khu di tích đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về trận đánh đập tan chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” mà đế quốc Mỹ thử nghiệm để triển khai trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, một số hạng mục của di tích đã xuống cấp. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Cai Lậy đã phân bổ kinh phí trùng tu tượng đài, sơn sửa hàng rào, hệ thống đèn chiếu sáng.

“Khu di tích Chiến thắng Ba Rài là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Cẩm Sơn. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là, ngoài những đợt sửa chữa, trùng tu từ ngân sách tỉnh, huyện, thì nguồn kinh phí hằng năm phục vụ công tác quản lý, chăm sóc di tích khá thấp" - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Trần Văn Chín thông tin.

Huyện Cai Lậy hiện có 10 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Trong đó, đình Long Trung được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, 9 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và di tích lịch sử - cách mạng cấp tỉnh.

Hệ thống di tích liên quan đến đình làng, thiết chế thờ cúng tín ngưỡng dân gian vẫn duy trì các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích đã xuống cấp, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH

Thực hiện Luật Di sản văn hóa và Quyết định 2010, ngày 25-7-2018 của UBND tỉnh Tiền Giang quy định phân công quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, huyện Cai Lậy đẩy mạnh công tác tuyên truyền những văn bản quy định, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục lập và hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xếp hạng các di tích.

Các xã có di tích đều đã thành lập ban quản lý di tích, quản lý, điều hành việc tổ chức các lễ hội, quản lý đất đai, hiện vật, hồ sơ, lý lịch di tích. Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh huyện phối hợp các các cơ quan chức năng cấp xã khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích, đề xuất phương án bảo quản, trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp, hư hỏng.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa còn nhiều hạn chế, do kinh phí trùng tu từ ngân sách hạn hẹp, chỉ một vài di tích được phân bổ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Một số di tích hiện xuống cấp nghiêm trọng, việc trùng tu đồng bộ gặp nhiều khó khăn...  

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, huyện Cai Lậy sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, giá trị của di tích nhằm nâng cao trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng; khảo sát hiện trạng để kịp thời tham mưu kế hoạch trùng tu, tôn tạo hằng năm; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn di tích, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình về nguồn, giáo dục truyền thống, kết nối việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa với hoạt động du lịch…

TRƯỜNG GIANG

.
.
.