.

Cổ Cò - chiến tích oai hùng và hương bưởi thơm ngon

Cập nhật: 15:37, 21/09/2022 (GMT+7)

Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được biết đến không chỉ là vùng đất phù sa với những vườn trái cây sum suê mà còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi… Đặc biệt, Cái Bè còn là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử nổi tiếng, ghi dấu những chiến công lẫy lừng của quân và dân Tiền Giang.

Tượng đài Chiến thắng Cổ Cò tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.  Ảnh: mytiengiang.vn
Tượng đài Chiến thắng Cổ Cò tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. Ảnh: mytiengiang.vn

Trong đó, Cổ Cò là một địa danh thuộc xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. Tại đây, có rạch Cổ Cò với hình thế quanh co như cổ của con cò nên được gọi là Cổ Cò. Vùng đất Cổ Cò còn được biết đến với chiến thắng Cổ Cò, một chiến thắng vô cùng quan trọng trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp.

TỪ TRẬN CỔ CÒ… NHỚ ĐẾN QUANG TRUNG

Những ngày đầu năm 1947, qua trinh sát theo dõi nắm chắc tình hình Tiểu đoàn Né-on của Pháp đang cùng quân địa phương càn quét dài ngày ở Chợ Mới, Long Châu Tiền (nay thuộc tỉnh An Giang), sắp kết thúc hành quân rút về Sài Gòn. Để tiêu diệt tiểu đoàn này, Chi đội 18 (Sa Ðéc) do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy, Chi đội 17 (Mỹ Tho) do đồng chí Nguyễn Văn Ty và Đại đội học viên Trường Quân chính Khu 8 tổ chức trận địa phục kích từ cầu Bà Tồn (Cai Lậy) đến cách bến phà Mỹ Thuận (Cái Bè) 1 km. Khu vực chính từ cầu Hòa Khánh đến An Hữu, quyết chiến điểm từ Bà Lâm đến Cổ Cò. Lực lượng tham gia trận đánh ngoài các đơn vị trên, còn có lực lượng Quốc vệ đội và du kích các xã An Thái Đông, Hòa Khánh, An Hữu, Hậu Mỹ, Thiên Hộ, Mỹ Thuận của Cái Bè tham gia.

Đêm 30 Tết Đinh Hợi, trong tiếng pháo mừng xuân của nhân dân, tất cả lực lượng bí mật vào chiếm lĩnh trận địa. 10 giờ 30 phút ngày 22-1-1947, đoàn xe quân sự chở đầy lính, có xe thiết giáp bảo vệ đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Phía cầu Rạch Miễu, tiếng mìn khóa đầu đã nổ, diệt ngay chiếc xe đi đầu. Đoàn xe phía sau tiếp tục dồn tới, đậu kín cả đoạn lộ tại Cổ Cò, xã An Thái Trung. Các đơn vị nổ súng xung phong mãnh liệt, bọn địch bị đánh bất ngờ nên chống trả yếu ớt và bỏ chạy tán loạn, chỉ còn chiếc xe cuối cùng tiếp tục chống trả quyết liệt. Ta làm chủ trận địa, thu dọn chiến trường.

Trên hướng Mỹ Thuận, đến 12 giờ cùng ngày, ta diệt gần hết số địch tháo chạy trở về hướng này. 13 giờ, Chi đội 17 chặn đánh gây thiệt hại nặng 1 đại đội địch từ Mỹ Tho đến cứu viện. Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt tiểu đoàn cơ giới của Pháp, diệt 170 tên, bắt 15 tên, phá hủy toàn bộ 8 xe thiết giáp, 6 xe vận tải chở quân lương và thực phẩm, thu hơn 100 tiểu liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn.

Chiến thắng Cổ Cò có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân Khu 8 nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho về trình độ tổ chức chỉ huy, hợp đồng tác chiến đồng bộ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương còn non trẻ; quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương ngày càng phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó, chiến thắng Cổ Cò đã củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy đấu tranh của nhân dân trên toàn Nam bộ vào đầu mùa xuân năm 1947. Thắng lợi của trận Cổ Cò đã gây chấn động trên toàn chiến trường Nam bộ.

Chiến thắng Cổ Cò làm cho nhân dân ta liên tưởng đến chiến thắng Ngọc Hồi - Đóng Đa của Hoàng đế Quang Trung nên có một lão nông sáng tác 4 câu thơ để ca ngợi:

“Trận Cổ Cò tưởng nhớ đến Quang Trung
Việt Nam xưa nay lắm anh hùng
Mùng một Tết thắng quân xâm lược
Trên đất này xuất hiện Quang Trung”.      

BƯỞI LÔNG CỔ CÒ - VỊ NGỌT CỦA VÙNG ĐẤT ANH HÙNG

Năm 2015, tại xã An Thái Đông (huyện Cái Bè), tỉnh Tiền Giang tổ chức khánh thành tượng đài và đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Chiến thắng Cổ Cò - một trong những chiến thắng nổi tiếng của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam bộ. Tượng đài được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 3.000 m2 gồm các hạng mục chính, như: Cụm tượng đài hợp kim đồng cao 3 m thể hiện 3 lực lượng gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; bệ tượng đài có diện tích gần 150 m, các công trình phụ trợ, hàng rào, cây xanh, hoa cảnh…

Vùng đất Cái Bè được phù sa bồi đắp quanh năm, giúp các loại cây trái tạo nên hương vị ngon ngọt, đặc trưng, như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành, quýt đường… Trong các loại trái cây thì bưởi lông Cổ Cò gắn liền với mảnh đất An Thái Đông anh hùng và trở thành loại trái cây đặc sản, giúp nhiều người dân nơi đây thoát nghèo và khá lên.

Theo các nguồn tư liệu thì bưởi lông Cổ Cò có nguồn gốc từ một cây bưởi hiếm được trồng sau nhà một tá điền của ông Cai Huỳnh ở rạch Cổ Cò (thuộc địa phận 2 ấp Đông Thạnh và An Lạc - nay là xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè). Tên “bưởi lông” là do mọi người thấy bên ngoài trái bưởi có lớp lông tơ mịn bao phủ. Sau đó, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lập hồ sơ xác định cây đầu dòng của giống bưởi lông Cổ Cò 47 năm tuổi có chu vi gốc 1,3 m, bán kính tán cây 11 m tại nhà ông Nguyễn Văn Tôn (còn gọi là Hai Tôn) ở xã An Thái Đông.

Trước đây, bưởi lông Cổ Cò là giống bưởi thương phẩm được trồng phổ biến ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), cụ thể tập trung tại các xã Mỹ Lương, An Thái Đông, An Thái Trung, Hòa Hưng, An Hữu, Hòa Khánh và dần phổ biến ở một số xã tại huyện Châu Thành. Vào năm 2006, diện tích cây có múi trên địa bàn huyện Cái Bè khoảng 5.889 ha, trong đó diện tích cây bưởi chiếm khoảng 1.970 ha. Theo đó, bưởi lông Cổ Cò có 2 loại, bưởi ruột trắng và ruột hồng. Thời điểm này, bưởi lông ruột hồng được người tiêu dùng ưa thích, tiêu thụ phổ biến ở thị trường trong nước và được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Đức…

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè Nguyễn Thị Đông Thúy  luôn tâm huyết với cây bưởi lông Cổ Cò.
Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè Nguyễn Thị Đông Thúy luôn tâm huyết với cây bưởi lông Cổ Cò.

Để phát triển đồng nhất về hình dạng, chất lượng mang lại tính ổn định phục vụ thị trường trong và ngoài nước, các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, tuyển chọn các dòng bưởi lông Cổ Cò không hạt hoặc ít hạt, chất lượng cao làm cây đầu dòng phục vụ cho công tác nhân giống, tạo nguồn nông sản hàng hóa đồng nhất, chất lượng ổn định trên thị trường.

Nhiều hộ dân xã An Thái Đông chia sẻ, vào trước năm 2000, đa số người dân nơi đây ăn nên làm ra nhờ cây bưởi lông Cổ Cò, thời điểm này bưởi lông rất có giá và ít tốn kém chi phí sản xuất, nên diện tích trồng trên địa bàn xã tăng đều qua mỗi năm. Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng đã giảm, nhiều người dân phá bỏ cây bưởi lông và chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế hơn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè Nguyễn Thị Đông Thúy, những năm vừa qua, diện tích bưởi lông Cổ Cò đã giảm. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Khánh luôn nỗ lực duy trì sản xuất, tạo ra nhiều cây giống bưởi lông Cổ Cò chất lượng, hy vọng đến một ngày loại bưởi này có thể trở lại thời hoàng kim vốn có của nó. Cũng nói thêm là ở Cái Bè ngoài bưởi lông Cổ Cò còn có xoài cát Hòa Lộc, giống xoài nổi tiếng ngon của Nam bộ. Loại xoài cát này được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Được biết, giống xoài này bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1939 - 1940. Sau khi đoạt giải cao trong các cuộc đấu xảo, giống xoài cát này đã trở thành đặc sản quý, được dâng lên tế lễ nơi đình thần, mà di tích ngày nay là Đình thần Hòa Lộc.

QUANG MINH - HÀ ANH

.
.
.