Thứ Tư, 12/10/2022, 10:11 (GMT+7)
.

Chuyện về anh em dũng tướng nhà họ Lê

Lịch sử Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XIX ghi nhận đất Tiền Giang là quê hương của 2 viên quan cao cấp của triều Nguyễn, là anh em ruột, có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Đó là Lê Văn Duyệt và Lê Văn Phong.

Tượng Lê Văn Duyệt.
Tượng Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt

Ông sinh năm 1764, tại thôn Long Hưng, huyện Kiến Hưng, đạo Trường Đồn (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Năm 1780, ông  theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, được phong chức Cai cơ. Năm 1788, ông góp công lớn trong việc giúp Nguyễn Phúc Ánh làm chủ vùng đất Gia Định. Năm 1802, ông được vua Gia Long (tức Nguyễn Phúc Ánh) phong Khâm sai Chưởng tả quân dinh Bình Tây tướng quân, tước Quận công.

Sau đó, ông cùng với Trung  quân Nguyễn Văn Thành và Hậu quân Lê Chất được lệnh mang quân bình định miền Bắc; rồi lãnh chức Kinh lược sứ Thanh - Nghệ. Năm 1813, ông được vua Gia Long cử làm Tổng trấn Gia Định thành, trông coi mọi việc ở vùng đất Nam bộ, gồm 5 trấn Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long và Hà Tiên. Năm 1815, ông được triệu về Kinh. Năm 1820, ông được vua Minh Mạng cử làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ 2; và tại vị cho đến lúc mất vào năm 1832, thọ 69 tuổi.

Trong thời gian trấn nhậm Nam bộ, ông có công lao to lớn trên các phương diện: Giữ vững an ninh vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc; tổ chức đào kinh Vĩnh Tế - một con kinh có giá trị về nhiều mặt ở miền Tây Nam bộ; khuyến khích dân chúng đẩy mạnh việc khẩn hoang để mở mang diện tích ruộng đất canh tác nông nghiệp; trọng dụng nhân tài; kiên quyết trừng trị bọn tham quan ô lại; mở cửa, thông thương với bên ngoài, nhất là đối với một số nước phương Tây; có chính sách đối ngoại khôn khéo, vừa mềm dẻo, vừa cương quyết… Nhìn chung, ông là viên quan cao cấp của triều Nguyễn có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong buổi “Tọa đàm về  nhân vật Lê Văn Duyệt”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 7-8-2000, đã có nhận xét: “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế và quân sự” (Trích từ Tạp chí Xưa và Nay số 78B, tháng 8-2000).

Năm 1833, người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã khởi binh chống lại triều đình. 2 năm sau, cuộc khởi binh bị đàn áp đẫm máu. Vốn có tị hiềm với ông, vua Minh Mạng ra lệnh san bằng phần mộ của ông và dựng lên đó tấm bia có ghi 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Đây là nơi tên yêm hoạn Lê Văn Duyệt chịu phép nước). Nỗi oan khuất của ông mãi đến năm 1848 mới được vua Tự Đức giải tỏa.

Lăng mộ của ông mà nhân dân quen gọi là Lăng Thượng công, Lăng Đức Tả quân, tọa lạc tại phường 1, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1988.

Từ khi ông mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần. Hằng năm, đến ngày giỗ của ông (30 tháng 7 âm lịch), nhân dân thường đến đây lễ bái rất đông.

Lễ giỗ thực hiện theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, gồm: Nhạc lễ, lễ sanh, đào thái và ban tế. Lễ phẩm cúng giỗ là trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa, cùng các vật phẩm trái cây Nam bộ.

Năm 2022, Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Thượng công / Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ở xã Long Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng có phần mộ của ông và được nhân dân quanh năm hương khói. Về sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường viết: “Lê Văn Duyệt được nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam bộ thờ phụng, đó chính là sự đánh giá công bằng về một con người đã mang lại nhiều điều tốt lành cho họ”.

Hiện nay, 10 tỉnh, thành phố có con đường được mang tên Lê Văn Duyệt, gồm: TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, An Giang.

Lê Văn Phong

Lê Văn Phong khỏe mạnh và giỏi võ, theo anh mình là Lê Văn Duyệt phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công trạng. Năm 1802, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, xưng đế hiệu Gia Long. Là một công thần khai sáng nhà Nguyễn, ông được nhà vua phong chức Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách, tước Phong Đăng hầu.

Sau đó, nhận lệnh của vua Gia Long, ông chỉ huy một đội quân lên thu phục và bình định vùng đất biên viễn Lạng Sơn. Năm 1810, ông được thuyên chuyển vào Gia Định. Tại đây, ông cùng với Ký lục trấn Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) là Minh Đức hầu Bùi Văn Minh chỉ huy 3.000 quân và thuyền chiến đến trấn đóng ở vùng Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) để giữ vững an ninh - quốc phòng vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Mộ Lê Văn Phong.
Mộ Lê Văn Phong.

Sau khi tình hình biên giới phía Tây Nam được ổn định, năm 1818 ông được cử ra miền Bắc giữ chức Phó Tổng trấn Bắc thành, cùng với Lê Chất là Tổng trấn trông coi một vùng đất rộng lớn từ Ninh Bình ra đến tận biên giới Việt - Trung, bao gồm vùng Đồng bằng Bắc bộ, tây bắc và đông bắc Bắc bộ hiện nay. Lúc này, anh của ông là Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, bao gồm toàn bộ vùng đất Nam bộ hiện nay. Cho nên, trong dân gian có lời truyền tụng:

Huynh Nam, đệ Bắc oai danh chấn.
Tử hiếu, thần trung tiết nghĩa cao
.

Nghĩa là:

Anh trấn trong Nam, em trấn ngoài Bắc, lừng lẫy uy danh.
Con tròn đạo hiếu, tôi vẹn lòng trung, nêu cao tiết nghĩa.

Năm 1824, ông về Nam thăm quê thì bị bệnh mất, hưởng dương 55 tuổi. Vua Minh Mạng vô cùng thương tiếc, nói với bộ Lễ: “Phong là em ruột của Lê Văn Duyệt, buổi đầu trung hưng đánh giặc có công, kịp khi cầm cờ tiết trấn biên cương, hay trừ trộm cướp để yên dân.

Người ấy có tiết tháo, độ lượng nên ngày thêm quý mến, mong cho anh em một nhà được vẻ vang lâu dài, nay vội bỏ đi trước (anh), thật đáng buồn” và cử quan vào tận Gia Định cúng tế, cấp cho 5 cây gấm Tống, 50 tấm lụa, 100 tấm vải, 2.000 quan tiền, 3 người mộ phu, cho con trai thứ là Lê Văn Tề chức Phó Vệ úy dinh Tả quân. Do từng giữ chức Tả dinh, nên ông thường được gọi là “ông Tả dinh”.

Mộ của ông, sau nhiều năm lưu lạc do những biến cố của lịch sử, hiện tọa lạc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

MINH TUỆ

.
.
.