Thứ Ba, 22/11/2022, 09:41 (GMT+7)
.

Biên đạo múa Lê Trâm: Những thành công và khát khao vươn xa

Biên đạo múa Lê Trâm tên thật Lê Thái Phương Trâm, cử nhân quản trị kinh doanh, năm 2016 tốt nghiệp trung cấp múa loại Xuất sắc, năm 2012 lãnh giải thưởng Diễn viên múa xuất sắc, trong 4 năm liền (2017 - 2021) lãnh 3 giải thưởng: Biên đạo múa xuất sắc và dàn dựng nhiều tiết mục đoạt giải cao. Năm 2017, chị được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.
 
SINH RA ĐỂ… MÚA

Gia đình không ai làm nghệ thuật, thế nhưng vừa vào mẫu giáo, bé Trâm đã nổi bật trong nhóm thể dục nhịp điệu của lớp, rồi được chọn múa cho lớp, cho trường… Học lên tiểu học, trung học cơ sở, mẹ cho Trâm vào học lớp múa thiếu nhi ở Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang, do Biên đạo múa Thu Thủy giảng dạy. Nơi đây, Trâm đã bộc lộ rõ nét năng khiếu múa.

 

Lần đầu tiên được cô Thu Thủy chọn tham gia Chương trình “Búp sen hồng”, Trâm vui sướng vô cùng; và cô bé dần trưởng thành qua 4 mùa làm diễn viên múa cho chương trình này, được diễn ở Lâm Đông, Cần Thơ, Nha Trang…

Những năm học trung học phổ thông, ba mẹ không cho Trâm đi múa nữa, khuyên hãy chuyên tâm học vấn, thi đậu vào khoa Kinh tế, lớp Quản trị kinh doanh khóa 7 của Trường Đại học Tiền Giang, là một trong những sinh viên năng nổ và tình yêu nghệ thuật múa lớn dần, dàn dựng ca múa cho lớp tham gia hội diễn văn nghệ của trường và được tuyển chọn vào Đội Văn nghệ của trường.

Như cái duyên của nghiệp múa, Trâm được gặp lại Biên đạo Thu Thủy và được chọn làm cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh, tham gia múa cho nhiều chương trình nghệ thuật của khu vực, như “Hò hẹn 9 dòng sông”, Hội thi “Múa không chuyên”…

Dấu ấn đọng lại trong nghề múa của Trâm là lần đầu nhận vai múa chính, “hóa thân” đồng chí Nguyễn Thị Thập (Mười Thập), tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tiền Giang năm 2012. Trâm chia sẻ: “Lúc đó Trâm vẫn còn non nớt với nghề. Lúc đầu, cô Thu Thủy chưa hài lòng, nên bản thân càng phải nỗ lực, bởi múa không chỉ đơn thuần về động tác đúng và đẹp, mà còn phải diễn xuất cho hay.

Diễn một cô tiên nữ hay cô gái thôn quê thì không khó, nhưng làm thế nào thể hiện cho được “thần thái” của nhân vật nữ cán bộ cách mạng kiên trung Mười Thập không phải dễ...”. Cuối cùng, mọi cố gắng của Trâm đã được đền đáp: Nhận giải Diễn viên múa xuất sắc.

DIỄN VIÊN MÚA CHUYÊN NGHIỆP VÀ VƯƠN TỚI NGHỀ BIÊN ĐẠO

Tốt nghiệp đại học kinh tế, không thể xin vào làm việc ở một cơ quan nghệ thuật, Trâm đành đi theo hướng chuyên môn đã học là làm việc văn phòng ở một công ty kinh doanh. Hơn 6 tháng ngồi trong phòng máy lạnh, đối diện với máy tính, Trâm da diết nhớ những lúc khổ luyện mồ hôi đổ dài trên sàn tập ở Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang; không quên những lần sơ suất đã để lại những vết bầm trên tay, chân, nhưng Trâm rất vui, vì đó là nghề Trâm yêu thích.

Tiết mục “Hoa dâng đời”, Lê Trâm đoạt giải Biên đạo xuất sắc.
Tiết mục “Hoa dâng đời”, Lê Trâm đoạt giải Biên đạo xuất sắc.

Thực hiện lời khuyên của đồng nghiệp, Trâm làm hồ sơ xin thi tuyển vào Trường Múa TP. Hồ Chí Minh. “Vào Trường Múa, Trâm được học những thầy cô đã tốt nghiệp ở nước ngoài, nhiều thầy cô dạn dày kinh nghiệm. May mắn hơn, ngoài chương trình của bộ môn múa, Trâm được trải nghiệm chương trình thử nghiệm của trường về múa đương đại và khiêu vũ; rồi được các thầy cô, anh chị đồng nghiệp giới thiệu múa cho các vũ đoàn: REX, Rạng Đông…để trang trải chi phí học tập và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, nuôi ước mơ trở thành biên đạo chuyên nghiệp trong tương lai.

Thế nhưng, học múa được 1 năm, Trâm bị di chứng rách sụn chân do chơi bóng rổ. Được trường cho bảo lưu kết quả 1 năm học để điều trị, ở nhà với nỗi lo nếu chân không ổn thì không được trở lại với nghề múa bằng những bước chân uyển chuyển, những bước bật tung người tạo dáng trên không…  1 năm dưỡng sức cũng là thử thách tinh thần, Trâm trở lại lớp học và tốt nghiệp bằng trung cấp múa loại xuất sắc năm 2016. Trung tâm Văn hóa TP. Mỹ Tho mở rộng vòng tay đón nhận và tạo cơ hội cho Trâm trưởng thành...” - Trâm bộc bạch.

Được giao dàn dựng chương trình cho TP. Mỹ Tho tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tiền Giang năm 2017 là một cơ hội, nhưng cũng là thử thách đầy áp lực với Trâm, bởi lẽ Trâm mới vào cơ quan làm việc (tuy đã có một số thành công trước đó)…

Trong lúc đang trăn trở về việc chọn chủ đề sao cho phù hợp với đề tài “Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ” của ban tổ chức hội diễn đưa ra, Trâm nhớ lại hình ảnh những nông dân vất vả trên cánh đồng hoa Mỹ Phong ở quê mình; và hình ảnh anh thương binh trên cánh đồng hoa ra đời, với tiết mục múa “ Hoa dâng đời”,  đã nhận được 4 giải thưởng: Giải A tiết mục, giải diễn viên xuất sắc cho bạn múa vai anh thương binh, giải tiết mục hay nhất và  giải thưởng biên đạo múa xuất sắc, đã giúp Trâm thêm tự tin cho bước đầu vào nghề biên đạo múa.

Và sau đó, “Hoa dâng đời” do Trâm dàn dựng cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh đã ghi dấu ấn trong Hội thi Thông tin tuyên truyền toàn quốc với chiếc Huy chương Bạc cho tiết mục. Tiếp theo là “Bến Xuân chờ”, giải A tiết mục và giải Biên đạo xuất sắc cho Lê Trâm trong Hội thi Dân ca tỉnh Tiền Giang năm 2018.

Năm 2019, một cơ hội nữa cho Lê Trâm là tham gia Hội thi Múa không chuyên tỉnh Tiền Giang, với 2 tiết mục của Lê Trâm dàn dựng đã đoạt giải Nhất bài múa “Ảo” và giải Ba múa “Vết xước”. Nối tiếp thành công giải thưởng Biên đạo múa xuất sắc của năm 2020 trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tiền Giang là tiết mục múa “Ký ức 14 ngày”.

Nếu như ở “Ảo” phản ảnh cuộc sống của con người ở thời bùng nổ thông tin mạng bị lệ thuộc điện thoại với những thú vui sống ảo, thiếu vắng sự kết nối giữa yêu thương trong cuộc sống đời thường; hay “Vết xước” là nỗi đau của vết thương khó lành khi trẻ em bị xâm hại; thì “Ký ức 14 ngày” là hình ảnh của những người “Chiến sĩ áo trắng” đã hy sinh tất cả cho việc chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.

Với Lê Trâm, nội dung tác phẩm phải mang tính thời sự, thông điệp ca ngợi và giáo dục kịp thời, tránh nội dung vô thưởng vô phạt... Ngoài ra, có cả sự pha trộn giữa các thể loại múa đương đại ba lê, đương đại dân gian và nhạc phải hay, bởi nhạc là linh hồn của múa, tạo cảm hứng thăng hoa cho diễn viên…

Ngoài việc dàn dựng cho đơn vị mình đang công tác, Lê Trâm còn nhận dàn dựng cho các sở, ngành và các địa phương trong những mùa hội diễn. Ước mơ của Biên đạo múa Lê Trâm là được vươn xa, được tiếp cận những cuộc thi chuyên nghiệp và không chuyên ở  khu vực, toàn quốc để thử sức mình.

Nỗi băn khoăn của Lê Trâm là lực lượng diễn viên múa kế thừa của TP. Mỹ Tho nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung đang đi dần đến sự thiếu vắng. Trước đây, nếu ai được chọn múa cho một chương trình hội diễn là vui sướng lắm, nhận lời và tập luyện vô tư; những ai không được mời tham gia sự kiện, chương trình là buồn lắm vì nghĩ rằng mình múa dở nên không được mời.

Ngày nay, nhiều người làm nghề múa nặng về kinh tế, khi được mời tham gia sự kiện, chương trình, đa phần diễn viên, biên đạo thường hỏi giá cát xê trước, nếu trả cao thì mới phục vụ hết mình. Mặt khác, có những lớp múa thiếu nhi, giáo viên chưa qua trường lớp múa, mục đích mở lớp không phải tìm kiếm và đào tạo nhân tài, mà vì thu nhập. Có lúc Trâm nghĩ đến việc mở lớp dạy múa để tạo nguồn diễn viên múa cho TP. Mỹ Tho, nhưng ngoài nghề múa, Trâm còn kinh doanh cửa hàng nên dự định còn bỏ ngỏ.

Sản phẩm múa của Lê Trâm có công lao của những người thầy của mình. Khi nhắc về điều này, Trâm đã xúc động và bày tỏ lòng chân thành  biết ơn Biên đạo múa Thu Thủy đã cho Trâm những trải nghiệm thực tế trong nghề khi đi dàn dựng cùng cô, được cô góp ý nội dung tác phẩm cho Trâm, nên Trâm gặt hái được nhiều thành công trong những lần hội diễn.

Với Lê Trâm,  múa giỏi, yêu nghề, dàn dựng hay chưa đủ, mà phải có cái tâm với nghề, luôn rèn luyện thể chất (hiện tại Trâm học yoga được 5 năm), luôn quý trọng, yêu thương cuộc sống thì mới đi đến thành công và thành công đầy ý nghĩa.

     NGỌC LỆ       

.
.
.