.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022

Quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch và sản vật địa phương

Cập nhật: 08:20, 02/11/2022 (GMT+7)

Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 (gọi tắt là Lễ hội) chính thức diễn ra vào ngày 7-11 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Đây được xem là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của Tiền Giang, nhất là sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Lễ hội lần này cũng nhằm hướng đến mục tiêu giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của Làng cổ Đông Hòa Hiệp cũng như những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của huyện Cái Bè nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung; bởi Làng cổ Đông Hòa Hiệp có nhiều nét đặc trưng riêng cần phải bảo tồn và phát huy.

Khách du lịch quốc tế đến tham quan  Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Khách du lịch quốc tế đến tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, có tất cả 6 ấp với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái và các nghề thủ công truyền thống. Nơi đây lưu giữ 36 ngôi nhà cổ với kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ giao thoa với kiến trúc phương Tây có tuổi đời từ 80 đến 220 năm.

Những ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum sê và làng nghề truyền thống, bên bờ chợ nổi, không khí trong lành, thiên nhiên mát mẻ, sông nước hiền hòa đã tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và cuốn hút khách du lịch.

Cùng với Làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và Làng cổ Phước Tích ở Huế, Làng cổ Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định 2080 năm 2017.

Với hàng trăm năm tồn tại, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đi cùng với chiều dài lịch sử và vẫn giữ cho mình một nét văn hóa độc đáo riêng. Tham quan thực tế mới thấy, nhiều ngôi nhà ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp được cất bằng gỗ, mái lợp ngói, cao, rộng, cất ba gian theo kiến trúc phương Đông pha lẫn phương Tây.

Đến nay, một số nhà cổ còn tồn tại ở xã Đông Hòa Hiệp như: Nhà ông Bái Lâu được cất từ thế kỷ XIX (Trần Văn Lâu - là một trong những điền chủ giàu có) nay là nhà ông Kiệt, nhà ông Phan Văn Đức, nhà ông Lê Văn Xoát, nhà ông Võ Văn Võ và một số nhà cổ tọa lạc tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Điều này đã góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan khó nơi nào có được của Đông Hòa Hiệp so với các địa phương khác từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Lễ hội là sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua 4 lần tổ chức, lễ hội đã tạo điểm nhấn quan trọng trong công tác giới thiệu, quảng bá về hình ảnh văn hóa, du lịch và các sản vật của địa phương đến với du khách trong nước và ngoài nước.

Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Hòa Hiệp, góp phần phục hồi và phát triển hoạt động du lịch, tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ hội với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Lễ hội, Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả” cũng sẽ được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng và là điểm nhấn của Lễ hội lần thứ V năm 2022.

Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Hòa Hiệp, phục vụ cho phát triển du lịch, hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại tỉnh Quảng Nam và tiếp tục khẳng định sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Tiền Giang, tạo điểm nhấn quan trọng trong công tác giới thiệu, quảng bá về hình ảnh văn hóa, du lịch và các sản vật của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

T.A

.
.
.