.

Những dấu xưa đáng nhớ ở huyện Gò Công Tây

Cập nhật: 09:29, 02/11/2022 (GMT+7)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công nói chung, huyện Gò Công Tây nói riêng, nhiều người vẫn còn nghĩ đến những dấu tích cũ với nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa và tinh thần: Đình Đồng Thạnh, đình Vĩnh Bình, chợ Giồng, chợ Dinh…

ĐÌNH ĐỒNG THẠNH - DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA

Đình Đồng Thạnh có tên gọi dân gian là đình Rạch Lá, tên chữ là Đồng Sơn Đình Trung, tọa lạc trên địa bàn ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh. Tên gọi Đồng Sơn Đình Trung kéo dài đến năm 1975. Đến năm 1979, xã Đồng Thạnh được thành lập do sáp nhập một phần của xã Thạnh Trị và một phần của xã Đồng Sơn; và tên đình cũng được đổi thành đình Đồng Thạnh cho đến ngày nay.

Đình Đồng Thạnh được khởi công xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời và quy mô xây dựng lớn tại Nam bộ. Với lối kiến trúc độc đáo, năm 2009, đình Đồng Thạnh được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Khi mới xây dựng, đình Đồng Thạnh có quy mô nhỏ, bằng tranh và tre lá. Về sau, do cuộc sống của nhân dân trong vùng khá giả nhờ ruộng đất phì nhiêu và liên tục trúng mùa, đã góp tiền xây dựng lại đình bằng gỗ, lợp mái ngói.

Đến đầu thế kỷ XX, ông Huỳnh Chung và Huỳnh Đình Khiêm là những điền chủ giàu có trong vùng, đã đóng góp 60 ha ruộng và huy động nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng lại ngôi đình to lớn bằng cột căm xe, bao gồm vỏ ca, chánh điện và nhà khách, kéo dài từ năm 1900 đến 1914 mới hoàn thành. Nét đặc sắc nhất của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường, tượng gốm… cả ở bên trong và bên ngoài đình.

Di tích đình Đồng Thạnh hiện tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh. Hằng năm, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Kỳ yên vào ngày 16-3 và 16-11 âm lịch.

LỄ HỘI KỲ YÊN ĐÌNH VĨNH BÌNH - NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN ĐÁNG TRÂN TRỌNG VÀ GIỮ GÌN

Ngày nay, lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Bình là lễ hội Kỳ yên lớn nhất tỉnh. Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Chạp (âm lịch), dân làng rất hân hoan với lễ hội này.

Ảnh: Lập Đức
Ảnh: Lập Đức

Khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 người dân đến đây lập nghiệp, đã tích cực khai hoang những vùng đất cao. Ông Huê còn biết hốt thuốc, sống đức độ, được bà con trong vùng quý mến.

Năm Mậu Thìn 1808 lập làng Vĩnh Lợi (lúc đó thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường), ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miếu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi. Năm Ất Hợi 1815, ông Huê lập chợ Vĩnh Lợi, dân trong vùng quen gọi là chợ Giồng. Khi ông Huê qua đời, giồng đất này được gọi là giồng Ông Huê và chợ Vĩnh Lợi cũng được gọi là chợ Giồng Ông Huê.

Trong những ngày lễ hội Kỳ yên, đường phố thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước “sắc thần”. Dân làng dâng lễ vật xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái, thậm chí cả heo quay đến cúng đình.

Ảnh: Lập Đức
Ảnh: Lập Đức

Các trò chơi dân gian được tổ chức kéo dài suốt 3 ngày (đẩy cây, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, ra câu hò, câu đối…). Đội múa lân, múa rồng liên tục trổ tài rất vui nhộn; các đêm có diễn tuồng hát bội… Suốt mấy ngày đêm diễn ra lễ hội, dân làng lũ lượt ra đình cúng bái, chiêm ngưỡng, vui chơi.

Lễ hội Kỳ yên ở Gò Công Tây mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay. Việc nhân dân tổ chức lễ hội nhằm đánh dấu một năm mưa thuận gió hòa; đồng thời, cùng nhau cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu...

CHỢ GIỒNG VÀ BÁNH GIÁ CHỢ GIỒNG

Chợ Giồng là tên cũ của chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây hiện nay. Chợ Giồng nằm trên giồng Ông Huê, liên kết với các giồng khác trong khu vực xã Vĩnh Hựu và thị trấn Vĩnh Bình. Trung tâm giồng hiện tại nằm trên thị trấn Vĩnh Bình. Lúc xưa, chợ nằm trên giồng đất của nhà phú hộ tên Huê, và ông đã lập ra chợ này, nên còn có tên gọi là chợ Giồng Ông Huê.

Bánh vá Chợ Giồng là đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đến huyện Gò Công Tây.
Bánh vá Chợ Giồng là đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đến huyện Gò Công Tây.

Kế bên chợ có ngọn rạch chảy lên rạch Vàm Giồng. Vàm Giồng thuở xưa rất cạn, hai bên là vườn dừa, cau... Hiện nay, rạch Vàm Giồng là một trong những con rạch lớn của huyện Gò Công Tây, nối rạch Gò Công với sông Cửa Tiểu. Xưa nay chợ Giồng nổi tiếng với món bánh giá Chợ Giồng. Nếu ai đã từng có dịp đặt chân tới Gò Công, thì chắc hẳn không còn xa lạ với đặc sản bánh giá chợ Giồng.

Theo lời truyền miệng của cư dân, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt ở vùng đất này vào thế kỷ XVII; và loại bánh này có sức ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa vùng Chợ Giồng nói riêng và vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang nói chung.

Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân, mà còn được sử dụng một cách trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn và nghiêm túc, như cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp... Nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh thường nhắc đến món ăn này trong các quyển tiểu thuyết của mình. Và trong dân gian có câu ca dao đề cập tới bánh giá này: “Một mai em gái theo chồng / Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh”.

CHỢ DINH -  MỘT THỜI VÀNG SON

Chợ Dinh tọa lạc ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây. Tên Chợ Dinh có từ khoảng năm 1831 - 1841, vì lúc bấy giờ có dinh của tri phủ, tri huyện đóng gần đó. Vùng Đồng Sơn là một trong những vùng đất tổ tiên ta khai phá sớm ở Tiền Giang.

Chợ Dinh, ngôi chợ của làng Đồng Sơn.
Chợ Dinh, ngôi chợ của làng Đồng Sơn.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1841, Vua Thiệu Trị cho tách phần phía tây của huyện Tân Hòa (nguyên cả vùng Gò Công) để thành lập huyện mới, đặt tên  huyện Tân Thạnh (tức là Gò Công phía tây). Huyện Tân Hòa (lúc này chỉ là Gò Công ở phía đông), cùng với huyện Tân Thạnh thành lập phủ Hòa Thạnh. Dinh của phủ Hòa Thạnh đặt tại Đồng Sơn, nên thường được gọi là Chợ Dinh.

Ngày trước, vùng Đồng Sơn có rạch Lá, thông với sông Tra, rạch này sâu và rộng. Lúc chưa khai phá vùng đất hoang sơ này, loài cá sấu khuấy động nơi đây. Khi người dân đến định canh, định cư vùng đất này, họ khai khẩn đất hoang, cấy lúa tươi tốt, dần dần dân chúng đến đông hơn, họ dựng ngay cái chợ gần rạch bên sông gọi là chợ Rạch Lá.

Năm 1852, toàn phủ Hòa Thạnh là huyện Tân Hòa, do đó chợ Dinh tạm gác lại sứ mạng lịch sử, không còn là dinh phủ nữa, nhưng dân gian vùng Gò Công vẫn còn ghi nhớ một thời vàng son rực rỡ của nơi đây, vì nó có vai trò lịch sử rất đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử nhất định, trước cả chợ Gò Công sau này.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.