Lắng nghe để thay đổi
Ngày 13-12, tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022 trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) cho 128 tác giả, đồng tác giả; trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về VHNT, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền VHNT nước nhà. 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay đều là những tên tuổi lớn: lĩnh vực âm nhạc có nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký); điện ảnh có đồng tác giả, NSƯT Phan Thế Dõng; mỹ thuật có họa sĩ Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) - người thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam; sân khấu có 3 tác giả là Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Trình và Nguyễn Xuân Đức; văn học có 2 tác giả là nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhà văn Bùi Hiển. Cùng đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 có 5/8 tác giả, đồng tác giả thuộc lĩnh vực múa - con số áp đảo so với các lĩnh vực khác như nhiếp ảnh có 2 tác giả; và Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc được trao tặng cố nhạc sĩ Hồng Đăng.
Dù được cho là một mùa giải ít “lùm xùm”, song việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT theo nhận định của những người trong cuộc là vẫn còn nhiều tiêu chí được cho là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Như việc quy định tác phẩm đã sử dụng để xét Giải thưởng Nhà nước không được tiếp tục sử dụng để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, hoặc các giải thưởng phải xét lần lượt là chưa phù hợp. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong văn học, các nhà văn được xét tặng Giải thưởng Nhà nước hầu hết đã qua thời kỳ sung sức của sáng tạo, thường trên 50 hoặc 60, 70 tuổi. Những thăng hoa, đột phá trong sáng tạo sau giai đoạn này rất hiếm. Do vậy, sẽ khó có thể có tác phẩm xuất sắc hơn những tác phẩm đã được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước. “Giải thưởng Hồ Chí Minh là một giải thưởng danh giá, kiêu hãnh, cần xem đó là giải ghi nhận đóng góp cả cuộc đời sáng tác của mỗi tác giả, hơn là trao cho một tác phẩm cụ thể”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu ý kiến.
Hay như lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và múa cần xác định ai là tác giả chính trong một tập thể sáng tạo để tránh được những tranh chấp kéo dài… Cùng đó, việc yêu cầu nộp bản sao tác phẩm như trong lĩnh vực điện ảnh cũng gặp nhiều khó khăn do vướng vấn đề bản quyền. Chính bởi vậy, để việc tôn vinh tác giả được chính xác, không bỏ sót tác phẩm xuất sắc, cần nhiều hơn nữa sự lắng nghe thấu đáo, tham mưu kịp thời để giải thưởng thực sự mang tính khích lệ, động viên, cổ vũ các văn nghệ sĩ trong việc sáng tạo nghệ thuật, để mỗi mùa giải thực sự sẽ là một mùa vui.
Theo sggp.org.vn