Thiệt… như người miền Tây
Nhỏ đó ngó bộ mà thiệt tình hen bây; Em nói thiệt; Có phải thiệt không cưng?... Không phải “thật”, mà người miền Tây thường dùng “thiệt” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Đất và người miền Tây chân chất, thiệt hơn cả thật |
Thiệt ở đây đâu chỉ nói về sự thật. Nó còn bao hàm cả sự thiệt lòng thiệt dạ, thiệt tình. Là trong nhiều câu chuyện phải cân tính thiệt hơn, người ở vùng này thường nhận phần thiệt thòi về mình như một lẽ tự nhiên.
Đa phần bản tính người vùng này là vậy, không biết nói lời hoa mỹ hay dùng sự khách sáo để đối đãi nhau, họ xuề xòa trong lời ăn tiếng nói nhưng cũng du di mọi chuyện trên đường đời, ít tính toán thiệt hơn. Điều này hiển hiện không chỉ trong lời nói, mà cả trong cung cách đối nhân xử thế, lối sống thường nhật vẫn trước sau như một.
Ở vùng đất phù sa trù phú này, người dân từ xưa đã không lo đói lo no, bởi con cá con mắm đầy ra đó. Có miệt cũng bị nước lũ từ thượng nguồn đổ về mỗi bận tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Lũ về, bà con không lo, không sợ, mà ngược lại còn trúng mùa đặc sản nước nổi. Hễ năm nào đến mùa mà nước lũ không về, bà con lại thấy buồn, thấy nhớ... Có lẽ, từ trong tâm thức cảm nhận được sự ưu đãi của mẹ thiên nhiên nên người ở xứ này cũng dùng cách đó để đáp lại với đời, với người. Người miền Tây hay nói: “Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết”. Không phải họ dại, mà hàm ý dạy con cháu trong nhà không được ích kỷ, co cụm chỉ biết có mình, mở cái bụng ra để sống, biết dang tay giúp đỡ người khó khăn, cần kíp.
Lời dạy giản đơn này trở thành nếp rồi ăn sâu vào người miệt này lúc nào không hay, dù tháng năm thay đổi cũng chẳng mất đi. Về miền Tây, nếu bạn bị lạc đường cũng đừng lo, dù nhà đang đăng đăng đê đê công chuyện thì người ở đây cũng xách xe dẫn bạn tới chỗ. Đến đây cũng không cần lo đói, nếu có lỡ hết tiền, chỉ cần thấy bạn dễ thương dễ gần thì họ không ngại ngần mời vị khách phương xa một bữa cơm no bụng, nhà có gì đãi nấy. Tất cả hành động đó đều tự nhiên xuất phát từ quan niệm trước lạ sau quen, gặp khó giữa đàng dang tay giúp đỡ.
Cũng vì đặc trưng bản địa mà người miền Tây nổi tiếng ăn ngọt và giọng nói cũng vì thế mà ngọt xớt. Họ có cái kiểu xưng hô rất “lệch lạc” mà người nơi khác mới đến vùng này sẽ thấy lạ, thậm chí khó chịu: cưng (để gọi người nhỏ hơn); chú - con (thay vì chú - cháu)… Đằng sau những thứ chệch choạc, thiếu chuẩn đó là cả bài học mà ông bà xưa truyền dạy người sau: Dù không thân thích ruột rà nhưng phải lấy đạo tử tế mà đối đãi nhau, đặt mình vào vị trí của người, đặt người vào vị trí người thân trong nhà mà đối đãi chân thành, hết bụng…
Bởi thế, người ta có thể cười người miền Tây quá lành, nói năng thẳng đuột; cũng có thể chê người miền Tây thiếu chí tiến thủ… nhưng không ai ghét được họ bao giờ. Bởi, tuy họ nói chuyện không hay, quê mùa nhưng chân chất, lời họ nói ra thiệt hơn cả thật. Lối sống này đã theo chân những người miền Tây đến bao miền đất lạ và “lôi kéo” theo những con người tứ xứ… thiệt như người miền Tây.
Theo sggp.org.vn