.

Tôn vinh Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022

Cập nhật: 08:16, 02/12/2022 (GMT+7)

Sau 4 lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã trở thành thương hiệu trong đời sống văn hóa, cho hoạt động khuyến đọc, được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Chiều 1/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, là một trong những hoạt động nhằm triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cuộc thi đã trở thành thương hiệu cho hoạt động khuyến đọc được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Hai thí sinh xuất sắc nhận danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022. 
Hai thí sinh xuất sắc nhận danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022. 

Sau 5 tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút 1.271.935 học sinh, sinh viên từ 7.869 cơ sở giáo dục thuộc 57 tỉnh, thành phố và Hội Người mù Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, các trường đại học, học viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng 28 trường cao đẳng, đại học, học viện trên cả nước tham gia.

Cuộc thi được tổ chức theo hai vòng. Vòng sơ khảo tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Người mù Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, các địa phương và trường đại học, học viện. Vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội với 1.364 bài dự thi từ các địa phương, đơn vị chọn lựa gửi về.

Phát biểu tổng kết cuộc thi, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Quỳnh Dung khẳng định, sau 4 lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã trở thành thương hiệu trong đời sống văn hóa, cho hoạt động khuyến đọc, được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Năm 2022, cuộc thi hướng người đọc tới việc lựa chọn những cuốn sách tạo động lực thúc đẩy trách nhiệm của mỗi cá nhân với đất nước. Đây là lần đầu tiên chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” được đưa vào cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.

Trao giải A cho các thí sinh tham gia cuộc thi. 
Trao giải A cho các thí sinh tham gia cuộc thi. 

Theo bà Đoàn Quỳnh Dung, nhiều bài thi đã thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo. Các mô hình, kế hoạch, phương pháp hình thành, hoàn thiện kỹ năng đọc cho cá nhân, xây dựng môi trường và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong các bài dự thi đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Nhiều bài dự thi trình bày rất công phu, trang trọng và đẹp mắt.

Đại diện Ban Giám khảo cuộc thi, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá, chủ đề này mang đến một tầm vóc mới, diện mạo mới, không khí mới cho cuộc thi, và theo đó đã đạt được những kết quả mới đáng trân trọng và tiếp tục là tiền đề cho những hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách kế tiếp.

Thành công của cuộc thi còn thể hiện sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều địa phương đã thực sự quan tâm, sáng tạo trong tổ chức và có chính sách động viên, khích lệ thí sinh dự thi. Ý nghĩa hơn cả, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để các em chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả.

Kết thúc cuộc thi, Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022 được trao cho hai thí sinh: Nguyễn Thanh Mai (lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định) và Huỳnh Thị Kim Thư (lớp 11B3, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang).

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba và 180 giải Khuyến khích cho các tác giả có bài dự thi chất lượng cao; trao giải Chuyên đề cho tác giả có bài chia sẻ cảm tưởng hay nhất, truyện ngắn khuyến đọc hay nhất, bài thơ khuyến đọc hay nhất, tranh vẽ khuyến đọc ấn tượng nhất, bài dự thi có phần minh họa ấn tượng nhất, bài dự thi thể hiện chủ đề cuộc thi ấn tượng nhất, kế hoạch - sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất…

Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho người khiếm thị có Bài dự thi của xuất sắc nhất; giải thưởng cho clip dự thi được nhiều người bình chọn nhất; các giải tập thể cho đơn vị có thí sinh đạt giải nhiều nhất, giải cho đơn vị có thí sinh tham gia nhiều nhất; giải thưởng cho các đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo.

(Theo dangcongsan.vn)


 

 

.
.
.