Văn hóa như phù sa bồi đắp hằng ngày
Tới dự Hội nghị triển khai công tác văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) năm 2023, sáng 22-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn ngành VH-TT&DL, những người làm công tác văn hóa tiếp tục "lấy công, làm lãi', chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì trong thực hiện các nhiệm vụ của mình, "như phù sa bồi đắp hằng ngày".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không chỉ Bộ VH-TT&DL mà cả các bộ, ngành cần quan tâm thực sự, thực chất đến giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hoá - Ảnh: VGP |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực rất lớn cũng như những thành tích rất toàn diện của ngành VH-TT&DL.
Trong năm 2022, Bộ VH-TT&DL đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (tháng 11/2021), một hội nghị mà từ nhiều năm, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá trong toàn Đảng, toàn xã hội lên một tầm mức mới.
Điều này rất đúng với xu thế phát triển bền vững hiện nay, đó là không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phải hết sức chú ý đến các vấn đề văn hoá, xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, nếu một đất nước chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất nhiều chục năm thì mới khắc phục được các hệ lụy. Nhưng đã chú ý đến môi trường rồi mà không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được và thậm chí là sụp đổ.
Trong từng giai đoạn, Đảng, Nhà nước đều chú trọng phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá, xã hội, văn hoá trong từng giai đoạn. Việt Nam là một quốc gia tiên phong trong phát triển bền vững (đứng thứ 51 trên thế giới), trong đó có vấn đề môi trường, văn hoá, xã hội, dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp so với nhiều nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận kết quả thực hiện các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hoá xã hội trên thực tế còn khoảng cách khá xa.
Ba "khó khăn đặc trưng" của ngành VH-TT&DL trong những năm qua được đã được Phó Thủ tướng chỉ ra.
Thứ nhất, lĩnh vực văn hóa, xã hội trước mắt, trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế.
Thứ hai, văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, "không phải là việc cháy nhà, chết người", nếu làm tốt thì cũng phải nhiều chục năm mới thấy thành quả, nếu xấu thì hậu quả cũng sau nhiều năm mới bộc lộ ra mà phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng thế hệ để khắc phục.
Thứ ba là các ngành kinh tế kỹ thuật thì đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới nói được, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục dường như ai cũng cảm thấy mình biết. Nhiều khi, ý kiến của các chuyên gia, của những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm không được tôn trọng. Một mặt là những người có trách nhiệm đưa ra quyết định thực ra là không đúng mà không biết là mình không đúng, mặt khác đội ngũ chuyên gia và những người làm thực tiễn có kinh nghiệm vì không được trọng dụng dần dần bị mai một và dẫn đến bị hụt hẫng lực lượng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư, xây dựng các công trình văn hoá mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ - Ảnh: VGP |
Trong năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành VH-TT&DL, những người làm công tác tiếp tục "lấy công, làm lãi', chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì trong thực hiện các nhiệm vụ của mình, "như phù sa bồi đắp hằng ngày".
Ngành văn hoá phải mạnh mẽ, sáng tạo hơn. "Làm theo kiểu cũ cùng tốt nhưng có những việc nếu không làm theo lối mới thì không bao giờ làm được", Phó Thủ tướng nói và lấy ví dụ trong thực hiện chuyển đổi số, số hoá toàn bộ di sản, bảo vật quốc gia, tư liệu quý… để nhân dân được chiêm ngưỡng, tiếp cận.
"Thời gian tới, các đồng chí phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư, xây dựng các công trình văn hoá mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ như: Các bảo tàng, thư viện có đủ điều kiện trưng bày các hiện vật, tư liệu, tác phẩm nghệ thuật quý... Đây phải là những di sản về kiến trúc văn hoá. Tinh thần này cũng phải lan toả xuống các địa phương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ VH-TT&DL cần chủ động hơn nữa, tăng cường phối hợp ngày càng chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các hoạt động quản lý chuyên ngành dưới góc độ văn hoá như: Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chăm sóc người có công, bảo vệ trẻ em, xây dựng nông thôn mới… "Bộ phải coi đây là trách nhiệm của mình".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị không chỉ Bộ VH-TT&DL mà cả các bộ, ngành cần quan tâm thực sự, thực chất đến giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hoá.
Trong đó, cần đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về đặt hàng sáng tác, đào tạo trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; hết sức quan tâm đến tính đặc thù của các ngành biểu diễn nghệ thuật khi thực hiện tinh giản, sáp nhập các đoàn nghệ thuật thay vì sáp nhập cơ học những chuyên ngành nghệ thuật rất khác nhau vào trong một đoàn nghệ thuật sẽ dẫn đến nguy cơ mai một; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào văn hoá, nghệ thuật.
Về du lịch, Phó Thủ tướng lưu ý, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần các giải pháp, chính sách thật đột phá, với sự ủng hộ của các bộ, ngành, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực hiện có, trong đó dựa vào con người, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên.
Theo baochinhphu.vn