Độc đáo Đình Đôi Hội Sơn
Xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 2 ngôi đình: Đình Xuân Sơn, tục gọi Miếu Ngói và đình Hội Sơn, còn gọi là Đình Đôi Hội Sơn, tọa lạc ở ấp Hội Nghĩa bên vàm sông Ba Rài. Nơi đây có nhiều giai thoại thời khẩn hoang; đồng thời, cũng là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử của địa phương.
Vàm Ba Rài xưa là nơi hội tụ của người đi khẩn hoang, cho nên Hội Sơn là ngôi làng lập đầu tiên trong hệ thống các tên làng mang chữ Sơn theo tuyến sông Ba Rài như Phú Sơn, Cẩm Sơn, Hòa Sơn, Thanh Sơn… Làng Hội Sơn tồn tại khá lâu, sau này gọi là xã, năm 1979 được nhập với xã Xuân Sơn thành xã Hội Xuân.
TẠI SAO GỌI LÀ ĐÌNH ĐÔI?
Chuyện kể rằng, ngày xưa quan khâm sứ mang sắc thần đi cấp cho các làng, ghé làng Hội Sơn cấp trước. Sau khi đi một vòng, thấy còn dư 1 lá sắc nên trở lại cấp luôn cho làng Hội Sơn. Do được hai lần cấp sắc nên hương chức làng bàn nhau cất thêm một ngôi đình kế bên để thờ lá sắc thứ hai. Từ đó có tên là Đình Đôi.
Lại có thuyết rằng, làng Xuân Sơn bấy giờ rất giàu, đình làng lợp ngói (nên có tên là Miếu Ngói) trong khi các làng lân cận đều lợp lá. Con gà tức nhau tiếng gáy, dân Hội Sơn muốn tranh đua nên cất một lúc hai ngôi đình cho bỏ ghét.
Thật ra, việc xây dựng Đình Đôi ở làng Hội Sơn xuất phát từ việc thờ cúng có từ thời di dân vào khẩn hoang lập làng. Dân làng Hội Sơn có nguồn gốc từ xứ Nghệ khi vào đây họ mang theo tín ngưỡng thờ cúng hai vị thần danh hiệu là Đông Chinh vương và Dực Thánh vương, tôn hai vị này làm Thành hoàng trước khi nhà Nguyễn cấp sắc phong thần cho các làng.
SỰ TÍCH HAI VỊ THẦN
Vào năm 1026, vua Lý Thái Tổ băng hà, quan tài còn quàn trong cung. Thái tử Phật Mã lên ngôi. Nội bộ hoàng tộc tranh giành. Ba ông hoàng Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức vương kéo quân bao vây cung cấm.
Lê Phụng Hiểu vâng mạng Tân vương đem quân ngăn chặn chém chết Vũ Đức vương, hai ông Hoàng còn lại phải quy hàng. Sau đó, hằng năm, vua Lý Thái Tông bắt bá quan văn võ và hoàng thân quốc thích họp ở đền thờ Đông Cổ thề: “Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, ai bất trung, bất hiếu thì trời tru đất diệt”. Hai ông hoàng nổi loạn bị đày vào vùng trong, với danh nghĩa “cắt đất phân phong”.
Dù mang tội bất hiếu, bất trung nhưng với nhân dân vùng phía Nam, Đông Chinh vương và Dực Thánh vương được xem là thủy tổ của những người đi khai hoang nên đã lập đền thờ tự, mặc dù không được triều đình chấp nhận.
Từ đó nảy sinh tục lệ: Nơi nào thờ Đông Chinh vương và Dực Thánh vương thì không được hát bội trong Lễ Kỳ Yên. Có lẽ vì hát bội hay nhắc đến những tuồng tích nhấn mạnh chữ “Trung”, chữ “Hiếu”. Tục lệ này về sau không được tuân thủ cho lắm, bởi lẽ đình mà không hát bội thì không thu hút người dự, cho nên có nơi cũng “xé rào” bằng cách không tổ chức hát bội tại đình mà có thể hát tại miếu hay những nơi gần đình.
Đình làng Hội Sơn được triều đình nhà Nguyễn cấp 6 đạo sắc phong, nhưng rất tiếc do chiến tranh nên đã bị thất lạc. Căn cứ tờ khai của làng vào tháng 12-1938, đình Hội Sơn được cấp sắc Bổn cảnh thành hoàng và sắc Đại Càn Thánh Nương vương lần đầu tiên vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Nghe ông bà xưa kể lại, thần Đại Càn ngày xưa có miếu thờ riêng, tục gọi miếu Bà ở gần chợ Ba Rài.
Đến năm nào không rõ, dân làng rước sắc phong về đình làng rồi cất thêm nơi thờ tự, từ đó mới có tên Đình Đôi. Quan sát kiến trúc ngôi đình hiện tại có tới 3 cơ sở thờ tự chính đều có bàn thờ viết chữ Thần thì cũng có thể gọi Đình Đôi Hội Sơn là “Đình Tam”.
Nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử địa phương Đình Đôi Hội Sơn là cơ sở hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Đây là nơi tập họp lực lượng trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa tháng 11-1940, trong đó có số người bị bắt đày đi Côn Đảo. Trong kháng chiến chống Pháp, Đình Đôi là nơi tổ chức các cuộc mít tinh vận động phong trào kháng chiến và mở các lớp bình dân học vụ… Đặc biệt sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, cuối tháng 10-1954, nơi đây là điểm tập kết gần một trăm người con ưu tú của huyện Cai Lậy xuống ghe lên đường tập kết ra miền Bắc theo điều khoản quy định của Hiệp định Genève. |
NGUYỄN NGỌC PHAN