Tưng bừng Ngày hội 'Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc'
Ngày 11/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2023 - Ảnh: Đăng Khoa |
Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số ban, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức, là hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão, nhằm mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu xuân năm mới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, cùng toàn thể nhân dân và du khách những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Quyền Chủ tịch nước cho biết, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Đến nay, công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện, trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Nhân ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", Quyền Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Khoa |
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, đó là "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà và tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta".
Cụ thể, văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, bà con các dân tộc đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực bền bỉ duy trì và phát triển hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong suốt 13 năm qua. Các hoạt động có ý nghĩa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần tích cực thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Quyền Chủ tịch nước mong muốn các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục là hạt nhân quy tụ, đoàn kết, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nỗ lực giữ gìn, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp đến nhân dân cả nước, đến bạn bè quốc tế và trao truyền cho thế hệ trẻ, góp phần bồi đắp sức mạnh và giá trị Việt Nam, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc - Ảnh: Đăng Khoa |
Tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu nhấn mạnh, trải qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống, văn hoá tốt đẹp. Tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, nhân nghĩa, bao dung, cần cù, sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất là "mạch nguồn" của sức mạnh Việt Nam.
Trong chặng đường đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, văn hoá luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương văn hoá năm 1943, Đảng ta đã xác định: Văn hoá là một trong ba mặt trận trọng tâm (kinh tế - chính trị - văn hoá), thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá theo hướng dân tộc – khoa học - đại chúng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bằng văn hoá và từ văn hoá, thông qua các sự kiện lớn được tổ chức thường niên cùng các hoạt động hằng ngày của cộng đồng các dân tộc, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng được nhân dân và du khách biết đến nhiều hơn như là một địa chỉ đỏ về bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc là dịp để đồng bào các dân tộc chia sẻ tình cảm gắn bó keo sơn một nhà; cùng ước vọng về một năm mới may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc đến với cộng đồng 54 dân tộc anh em, cho đất nước phát triển ngày càng phồn vinh.
Với sự đổi mới về hình thức và nội dung qua từng năm, Ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của những người thực hành văn hoá, đồng bào từng dân tộc đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết, đồng thời là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chương trình biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội - Ảnh: Đăng Khoa |
Nhân ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà cho đại diện 25 dân tộc và dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
(Theo baochinhphu.vn)