.

Hoài Quốc công Võ Tánh - người có nhiều đóng góp cho vùng đất Gò Công

Cập nhật: 14:31, 29/03/2023 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, nhiều di tích lịch sử - văn hóa được phục hồi, đã góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đền thờ Võ Tánh (xin được gọi là cụ Võ Tánh) tại ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công là một trong những di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn thị xã.  Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của ông, có hàng ngàn người dân Gò Công và nhân dân các vùng lân cận đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật ở vùng Gò Công trong hơn một thế kỷ qua.

VỊ TƯỚNG TRUNG NGHĨA

Từ năm 1783 đến năm 1788, ông dấy binh ở Phù Viên (Vườn Trầu, nay thuộc vùng Bà Điểm - Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó ông nhận thấy nơi đây không thích hợp cho việc dụng võ, nên di chuyển đến Gò Tre thuộc huyện Kiến Hòa, dinh Trấn Định (nay thuộc xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Tại căn cứ mới, ông tự xưng Tổng nhung, xây thành Vạn Thắng, tiếp tục chiêu mộ quân lính, tổ chức thành 5 đạo, gọi là đạo quân Kiến Hòa và khai phá đất đai, mở mang ruộng đất, tích trữ quân lương, thanh thế ngày càng lừng lẫy. Người bấy giờ xưng tụng ông là một trong “Gia Định tam hùng” (hai người còn lại là Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp).

Đền thờ cụ Võ Tánh ngày nay tại xã Long Thuận, TX. Gò Công.
Đền thờ cụ Võ Tánh ngày nay tại xã Long Thuận, TX. Gò Công.

Năm 1788, chúa Nguyễn Phúc Ánh cử người đến Gò Tre mời ông hợp tác. Ông nhận lời, mang các tướng thuộc quyền cùng toàn bộ binh lính theo về với chúa Nguyễn Phúc Ánh, được phong làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiền quân và còn được chúa Nguyễn Phúc Ánh gả em gái là Trưởng công chúa Ngọc Du và ông trở thành phò mã của nhà Nguyễn.

Năm 1790, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông mang quân đánh chiếm thành Diên Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Năm 1793, ông được thăng Khâm sai Chưởng hậu quân, Bình Tây tham thắng tướng quân hộ giá. Năm 1794 ông được thăng Đại tướng quân, tước Quận công. Năm 1797, ông theo chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bại đô đốc Nguyễn Văn Giáp tại sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi). Thừa thắng, ông tiến quân đến tận Quảng Nam. Tháng 5-1799, chúa Nguyễn Phúc Ánh mang quân đánh chiếm thành Quy Nhơn, đổi tên thành Bình Định và giao cho ông cùng với Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu giữ thành này.

Trước tình hình đó, tháng 2-1800, hai tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân từ Phú Xuân vào tấn công thành Bình Định, trong đó Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân bao vây bốn mặt trên bộ, còn Võ Văn Dũng thì chỉ huy thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Chúa Nguyễn Phúc Ánh mang thủy và bộ binh ra cứu viện, bị quân Tây Sơn chặn đánh không tiếp cứu nhau được, đành phải đóng quân tại chỗ, tới tháng 12 cùng năm rút quân về Gia Định. Tháng 2-1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh lại kéo quân ra nhằm giải nguy cho thành Bình Định, tuy nhiên vẫn không giải vây được thành.

 

Trước tình hình đó, cụ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư ra cho chúa Nguyễn Phúc Ánh khuyên nên kéo quân ra đánh Phú Xuân sẽ dễ dàng giành được thắng lợi, vì đại bộ phận quân Tây Sơn đang tập trung tại mặt trận Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất yếu. Nghe theo lời khuyên hợp lý của cụ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho quân tấn công và chiếm được Phú Xuân vào tháng 6-1801. Hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân mất về tay Chúa Nguyễn liền chia quân ra cứu nhưng không thành. Không còn cách nào khác, tướng Trần Quang Diệu ra lệnh cho quân lính ráo riết công kích thành Bình Định.

Trước nguy cơ thành bị thất thủ, có người khuyên cụ Võ Tánh nên lẻn trốn ra ngoài, nhưng ông đã cự tuyệt, cương quyết ở lại với thành, biết không thể giữ thành lâu hơn được nữa, cụ Võ Tánh viết thư cho tướng Trần Quang Diệu đề nghị sau khi chiếm được thành thì viên tướng này không giết hại binh lính của ông.  Sau đó, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Ngày 7-7-1801 (nhằm ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu) cụ Võ Tánh tự thiêu tại lầu bát giác. Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, rất xúc động trước cái chết trung dũng, đầy khí phách của cụ Võ Tánh nên cho quân lính mai táng tử tế thi hài của ông; đồng thời vị tướng này cũng không giết hại bất cứ người lính nào trong thành.

Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, truy tặng ông là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm 1831, Vua Minh Mạng truy phong ông là Hoài Quốc công. Vua Gia Long cũng cho xây lăng mộ ông tại nơi ông tuẫn tiết là thành Bình Định. Ngoài ra, nhà vua còn sai lập một khu lăng mộ cho ông ở Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, nay tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Cảm động trước tấm lòng trung nghĩa của một vị võ tướng, năm 1956 nhân dân Gò Công đã xây dựng miếu thờ ông ở Gò Tre, nơi ông dấy binh thuở xưa (nay thuộc xã Long Thuận, TX. Gò Công) với tên gọi là Võ Quốc Công Miếu.

NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI VÙNG ĐẤT GÒ CÔNG

Đối với Tiền Giang nói chung và vùng đất Gò Công nói riêng, cụ Võ Tánh có nhiều đóng góp quan trọng, giúp người dân cải thiện cuộc sống lúc bấy giờ như: Tập hợp lực lượng tuyển mộ quân, xây đồn đắp lũy trừ bọn cướp, giúp người dân khai phá ruộng đất, canh tác trồng trọt yên ổn. Cụ còn cho quân đào ao Đồn Binh lấy nước ngọt, giúp bà con trong vùng không còn tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng… Vì vậy, nhân dân Gò Công nhớ ơn cụ, nhiều nơi lập miếu thờ khi hay tin cụ mất.

 

Ngoài ra, người Gò Công còn tôn thờ cụ Võ Tánh bởi trong số quân sĩ theo ông trấn thành Bình Định, đã có đến hàng ngàn thanh niên Gò Công vốn thuộc đạo quân Kiến Hòa xưa. Chính nhờ sự hy sinh đầy nghĩa khí của vị chủ tướng mà hàng ngàn thanh niên Gò Công đã được giải cứu khỏi cái chết và bình yên trở về cùng gia đình. Ơn cứu mạng này đã được người dân Gò Công ghi tạc và cụ thể hóa bằng việc lập các cơ sở thờ tự. Không chỉ vậy, người mẹ nuôi của cụ Võ Tánh cũng nhận được sự tôn kính, trọng thị.

Đền thờ (hay còn gọi là Miếu Võ Quốc Công) nằm trong khuôn viên 5.000 m2 trên đường Nguyễn Thìn (ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công) được lập sau khi cụ Võ Tánh mất vào năm 1801. Năm 1956, Đền thờ mới được nhân dân xây dựng lại theo kiểu nhà rường, ba gian mái lợp ngói âm dương, cột gỗ. Năm 2005, Đền thờ được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ có giá trị về mặt lịch sử và truyền thống nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá, di tích này đã bị mất khá nhiều hiện vật và xuống cấp trầm trọng.

Năm 2014, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII”. Hội thảo nhằm làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Võ Tánh, nhất là giai đoạn ông sinh sống trên đất Gò Công. Qua đó, làm cơ sở khoa học để trùng tu tôn tạo những di tích liên quan đến nhân vật Võ Tánh. Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều bài tham luận thiết thực gắn với chủ đề như: Danh tướng Võ Tánh - một con người trung nghĩa trong lịch sử dân tộc; Võ Tánh, con người của một thời nghịch lý; Võ Tánh trong ghi chép của Bộ Đại Nam Liệt truyện; Việc tôn thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh…

Năm 2016, Đền thờ được khởi công tu bổ và hoàn thành vào năm 2017 với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình gồm các hạng mục: Chính điện, nhà hội, sân đường, nhà vệ sinh, hàng rào, cổng tam quan, tường kè, hệ thống cấp thoát nước tổng thể. Có thể nói di tích Đền thờ cụ Võ Tánh là một công trình văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tình cảm, lòng tri ân đặc biệt của nhân dân Gò Công xưa và nhân dân Tiền Giang ngày nay đối với cụ.

Ông Phạm Hồng Hiếu, người đang trông coi đền thờ cụ Võ Tánh cho biết: “Khu Đền thờ gồm 2 công trình chính là gian nhà thờ (Võ Quốc Công Miếu) và nhà hội, hằ̀ng năm tại đền thờ này bà con tổ chức cúng lệ 2 kỳ. Lần thứ nhất vào ngày 24, 25 tháng 5 (âm lịch) là giỗ cụ Võ Tánh và vào ngày 11, 12-2 (dương lịch) là cúng lệ Kỳ yên. Trải qua hơn 200 năm (1802 đến ngày nay), kể từ khi lập ngôi Miếu đầu tiên thờ ông cho đến nay, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân Gò Tre - Long Thuận nói riêng, người dân Gò Công nói chung vẫn luôn thờ phượng, tổ chức cúng giỗ cho ông hàng năm theo nghi thức truyền thống của dân tộc, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách xa gần đến cúng viếng.

KHÁNH AN – HÀ ANH
 

.
.
.