Nhạc Việt chưa hết "sạn"
Sự xuất hiện của các bài hát có ca từ vô nghĩa, MV nhảm nhí, không hề mới. Tuy nhiên, mặc kệ khán giả gọi những ca khúc vô nghĩa như thế là “rác”, “sạn” thì chúng vẫn tràn lan trên mạng xã hội.
MV Người rất tốt không gặp sẽ tốt hơn nhận nhiều ý kiến trái chiều. |
“Nhạc rác” vẫn nóng
Thời gian qua, khá nhiều nghệ sĩ ồ ạt giới thiệu sản phẩm nhưng chưa nhiều sản phẩm tạo dấu ấn, khiến khán giả nhớ lâu. Trong khi đó, những sản phẩm thu về nhiều lượt nghe, xem lại là các sản phẩm “có sạn”, gây tranh cãi. Đáng buồn, thứ nhạc này lại được một bộ phận người trẻ yêu thích, nghe hàng ngày nên một số nghệ sĩ cũng đua theo xu hướng này.
Cách đây không lâu, rapper t’linh cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, mang tên ghệ iu dấu của em ơi. Tuy nhiên, MV này nhận về nhiều ý kiến như, ca từ sáo rỗng, hình ảnh phản cảm gây ảnh hưởng xấu đến tư duy của giới trẻ. Sau khi gây ồn ào, MV được đưa về trạng thái “giới hạn độ tuổi”. “Bài này không là nhạc rác thì gọi là gì nữa? Lời bài hát chẳng ra sao, khó hiểu, sáo rỗng, chẳng truyền tải điều gì hay ho. Ghệ là từ địa phương, thường được nam giới dùng để nói về bạn gái và thường mang ý đùa cợt, thiếu nghiêm túc, thiếu sự tôn trọng về phụ nữ. Cái gì mà “Ghệ iu dấu của em ơi/Ghệ có bik (biết) em cần ghệ/Ghệ có muốn mình cặp kè?/Oki hăm? (đồng ý không)”, hay “Tình iu ghệ ngày ngày cứ bự hơn/Ghệ có muốn qua em quấn quít tít mù ôm nhau”…, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (38 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) ngán ngẩm nói.
Trong khi đó, anh Lê Minh Nhật (42 tuổi, ngụ phường Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, cháu gái mới học lớp 6 suốt ngày nghêu ngao ghệ iu dấu của em ơi. “Con bé xem trên Tiktok rồi hát theo, không biết có hiểu gì không. Lời hát nhí nha nhí nhố. Đã vậy, trong MV, có cảnh ở hồ bơi, nữ ca sĩ khoe thân hình trong trang phục táo bạo với những động tác quá gợi cảm”, anh Nhật ngao ngán.
MV Người rất tốt không gặp sẽ tốt hơn của Hiền Hồ cũng gây nhiều tranh cãi. Đây là sản phẩm âm nhạc để cô trở lại làng giải trí sau hơn 1 năm “im hơi lặng tiếng” vì ồn ào đời tư tình ái. Ngoài việc MV bị chê nội dung khó hiểu, phần hình ảnh bị khán giả tố có một số nét tương đồng với một bộ phim, rất đông người kêu gọi tẩy chay, không nghe sản phẩm của một nghệ sĩ trẻ có đời tư bê bối.
Trước đó, nhiều ca sĩ trẻ đã bị gọi tên đích danh kèm theo cụm từ “nhạc rác” khi tung sản phẩm là Chi Pu (MV Black Hickey, Sashimi); Phí Phương Anh (Cắm sừng ai đừng cắm sừng em)… Ca khúc Ừ! Thì em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi mới đây cũng bị phần lớn khán giả chỉ trích là nhảm nhí.
Để khán giả quyết định
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, trước đây từng bức xúc, lên tiếng về vấn nạn “nhạc rác” với mong muốn đóng góp cho sự phát triển âm nhạc, nhưng cảm thấy việc lên tiếng cũng không thay đổi được gì, vì thật ra âm nhạc dù phát triển ở thời kỳ nào cũng sẽ có thể loại âm nhạc này, bởi có nhiều người làm âm nhạc với nền tảng văn hóa khác nhau. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc được đón nhận hay đào thải sẽ do khán giả đánh giá, quyết định.
Nam nhạc sĩ bày tỏ, vì sao lúc trước, muốn phát hành một bài hát, một album phải nộp hồ sơ văn bản bài hát với nốt nhạc và lời, kèm hình ảnh bìa album để được xét duyệt rồi mới được phép phát hành, còn bây giờ mọi thứ quá dễ dàng. “Nhưng rồi, tôi cũng thấy thật khó khăn cho những người làm quản lý văn hóa, khi các nền tảng mạng xã hội phát triển quá nhanh. Và tiêu chuẩn nào, điều luật nào để đánh giá, phạt, cấm một bài hát “nhạc rác”, trừ khi nó bị cả xã hội lên án kịch liệt vì vi phạm rõ ràng thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội? Tôi nghĩ, nếu phải lên án thì hãy lên án những bảng xếp hạng âm nhạc mà hội đồng nghệ thuật có thể dũng cảm trao giải hoặc vinh danh những “sản phẩm nghệ thuật” này thôi”, nam nhạc sĩ chia sẻ.
Trong khi đó, theo khán giả Đào Hồng Ngọc (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM): “Điều đáng ngại, mặc dù chất lượng tệ vẫn nhiều bạn trẻ chia sẻ, thích thú nghe đi nghe lại để giải trí. Nếu đợi chờ chính khán giả tự tẩy chay thì thật sự… còn lâu”. Đợi chờ cơ quan chức năng, nhà quản lý văn hóa, đợi chờ thái độ làm nghề của nghệ sĩ, hay trông chờ vào sự điều tiết của thị hiếu công chúng? Dù đợi gì thì “nhạc rác” cần sớm được sàng lọc và những gì là nghệ thuật, đáng nghe, đáng xem nên được lan tỏa.
(Theo www.sggp.org.vn)