.

Nhiếp ảnh phải mang hơi thở cuộc sống, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng

Cập nhật: 21:58, 15/03/2023 (GMT+7)

Chiều 15-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15-3-1953 – 15-3-2023).

a
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan triển lãm các bức ảnh quý ghi lại chặng đường 70 năm Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đến tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định… và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các ban ngành liên quan, văn nghệ sĩ và giới nhiếp ảnh Việt Nam.

Có thể nói rằng, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã tạo nên một pho sử bằng vàng, bằng hình ảnh vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu và trong lao động sản xuất.

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã có những phát biểu ghi nhận và chỉ đạo: 70 năm hình thành và phát triển, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển rất ấn tượng và có nhiều đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói rằng, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã tạo nên một pho sử bằng vàng, bằng hình ảnh vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, không chỉ trong đất nước ta mà còn lan tỏa ra cả thế giới.

a
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt là các thế hệ nhiếp ảnh kháng chiến, những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra mặt trận như các chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên các chiến trường, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta. Tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự thống nhất của đất nước.

Trong kháng chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn máy móc, hoá chất, phim, giấy ảnh, các nhà nhiếp ảnh vẫn chụp, in phóng được nhiều bức ảnh quý, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng và để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị sống mãi với thời gian.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: Khi chúng ta thực hiện cuộc cách mạng 4.0, thông tin rộng rãi thì nhiếp ảnh quần chúng cũng đóng góp rất lớn trong công tác quản lý, tôn vinh những nét đẹp của văn hoá, chân-thiện-mỹ, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, phát huy truyền thống 70 năm Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, củng cố phong trào, xây dựng Hội theo hướng tích cực-hiệu quả-chuyên nghiệp. Nhiếp ảnh phải đi sâu, đi sát với đời sống, phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhiếp ảnh phải mang hơi thở cuộc sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

a
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: Trong lịch sử phát triển của mình, Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Nhận rõ giá trị, sức mạnh của việc tuyên truyền bằng hình ảnh trong giai đoạn chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 15-3-1953, tại Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam.

Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh nước nhà, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam.

Nhìn lại 70 năm qua, đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Đến nay Hội đã có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt ở hầu hết khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; hàng chục ngàn nhà nhiếp ảnh không chuyên, người yêu nhiếp ảnh. Cùng với hoạt động sáng tác và triển lãm trong nước, Nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn xa, hội nhập với nhiếp ảnh thế giới hoạt động trong hàng trăm câu lạc bộ ảnh…

Hàng chục tác giả đã được trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh. Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời xác lập vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhiếp ảnh phải mang hơi thở cuộc sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Tại lễ kỷ niệm, qua trình chiếu phóng sự “Nhiếp ảnh Việt Nam – 70 năm đồng hành cùng đất nước”, các đại biểu cũng có dịp ôn lại chặng đường vẻ vang của nhiếp ảnh, tri ân các thế hệ những nhà nhiếp ảnh đi trước, đồng thời chứng kiến những bước tiến dài vượt bậc khi mà vị thế của nền nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị lịch sử vô giá, đã đóng góp rất lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng là những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trên “mặt trận” văn hoá, nghệ thuật, sẵn sàng dấn thân để ghi lại những khoảnh khắc quan trọng và đáng nhớ, như các nhiếp ảnh gia: Lê Chí Hải, Nguyễn Đình Ưu, Minh Trường, Lương Nghĩa Dũng, Văn Sắc, Văn Thính, Ngọc Thông, Đoàn Công Tính, Phan Thoan, Võ An Khánh, Lâm Hồng Long, Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Tiến Lợi, Triệu Đại, Vũ Ba, Trịnh Hải, Chu Chí Thành, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Minh Lộc, Nguyễn Đức Chính,…

a
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh được trao Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thay mặt các nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ Việt Nam đã có nhiều chia sẻ chân thành, xúc động về nghề nhiếp ảnh, về chặng đường gian nan nhưng đầy tự hào đã qua. Tiếp đó, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền (Hà Nội), một hội viên trẻ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với nhiều thành tích cũng đại diện cho thế hệ nhiếp ảnh trẻ chia sẻ tiếng nói của mình.

Trong dịp này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng tổ chức tri ân các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng lập, nghệ sĩ nhiếp ảnh trên 40 năm tuổi Hội, các nhà nhiếp ảnh tham gia 2 cuộc kháng chiến; đồng thời trao Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022 cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã và đang tích cực hoạt động vì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.