.

Đầu tư cho văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển

Cập nhật: 08:34, 01/05/2023 (GMT+7)

Quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đã được chỉ rõ trong các Nghị quyết của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tròn một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022 đã đề cập những vấn đề quan trọng: “Thể chế, chính sách và phát triển nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Câu chuyện đầu tư cho văn hóa, yếu tố then chốt đã được “cởi trói”, khơi thông để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có những quyết sách đúng đắn để phát triển văn hóa phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, Đảng ta luôn khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa: “Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Theo đó, văn hóa cần phải được chú ý, ưu tiên đi trước, tác động tích cực, thường xuyên đến sự phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước.

UBND TX. Gò Công đã khởi công công trình trùng tu Di tích kiến trúc Dinh tỉnh Gò Công vào đầu năm 2023.
UBND TX. Gò Công đã khởi công công trình trùng tu Di tích kiến trúc Dinh tỉnh Gò Công vào đầu năm 2023.

Và mới đây tại TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra sự kiện khánh thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe tại ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, có tổng mức đầu tư của dự án hơn 20 tỷ đồng. Sự kiện này không chỉ là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, mà còn của đông đảo nhân dân tỉnh nhà.

Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe không chỉ là công trình ghi nhớ công ơn của đồng chí Phan Văn Khỏe, một người con của quê hương Tiền Giang, một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của Đảng và nhân dân ta, mà còn là sự đầu tư cho văn hóa, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển tỉnh nhà. Trong quá trình xây dựng Khu tưởng niệm, UBND TX. Cai Lậy lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh Tiền Giang và đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Khu tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe. Đây là niềm vinh dự và tự hào của xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã đề nghị TX. Cai Lậy làm tốt việc quản lý, khai thác công trình đảm bảo phát huy hiệu quả, thiết thực; có kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy công trình này một cách tốt nhất, nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan công trình và khu vực xung quanh; bổ sung các dịch vụ tiện ích, kết nối du lịch về nguồn gắn kết với Di tích Quốc gia đặc biệt Ấp Bắc và các địa danh trong khu vực trên địa bàn tỉnh...

Hay vừa qua, UBND TX. Gò Công cũng đã khởi công công trình trùng tu Di tích kiến trúc Dinh tỉnh Gò Công, tọa lạc phường 2, TX. Gò Công. Tổng mức đầu tư trên 31,9 tỷ đồng thuộc vốn ngân sách TX. Gò Công. Việc đầu tư công trình trùng tu Di tích kiến trúc Dinh tỉnh Gò Công đảm bảo khang trang, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của tỉnh Tiền Giang; bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần của công trình di tích kiến trúc nghệ thuật cho phố cổ Gò Công.

Qua đó cho thấy, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, nhằm giữ gìn và tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; đồng thời, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ thế, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa; đặc biệt tập trung thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và thực hiện Luật Di sản văn hóa, nên công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới ở tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện các đề án về văn hóa như: “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025”; “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021”…

Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích, làm nền tảng tinh thần trong nhân dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn như Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp; Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đường hoa Xuân và các hoạt động vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng lãm của nhân dân, vừa góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tiền Giang. Đồng thời, góp phần giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc; bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Toàn tỉnh có 439.637/464.764 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94,59%; 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; 163/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng được triển khai từ năm 2006, đến nay, đã có 11/11 huyện, thành, thị xây dựng và đã công nhận 65 chợ văn hóa; 17 công viên văn hóa; 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa. Có 185 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 163 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Công tác trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm các hiện vật bảo tàng cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Rạp hát Thầy Năm Tú và Nhà Bạch Công Tử (TP. Mỹ Tho) là 2 di tích văn hóa nổi tiếng một thời của vùng đất lục tỉnh xưa nay đã được trùng tu, khai thác. Từ năm 2015 đến nay, Rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức hơn 600 chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương miễn phí, thu hút nhiều tài tử, khán giả mộ điệu đến dự xem và tham gia biểu diễn.

Có thể nói, công tác giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để khơi dậy sức mạnh nội sinh luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tỉnh Tiền Giang quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

HỮU NGHỊ

.
.
.