Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học và làm theo Bác
Trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hoạt động quảng bá đã phát huy tương đối hiệu quả vai trò “thiết chế văn hóa” trong việc tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiêu biểu, tài liệu, ấn phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên.
Chương trình nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. (Ảnh minh họa) |
Hoạt động quảng bá là một trong hai việc trực tiếp tuyên truyền về kết quả học tập và làm theo Bác. Gần 15 năm qua, trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư chỉ đạo, hoạt động quảng bá đã phát huy tương đối hiệu quả vai trò “thiết chế văn hóa” trong việc tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiêu biểu, tài liệu, ấn phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên.
Nhìn lại mỗi lần tổng kết, trao giải thưởng, khen thưởng do Trung ương tổ chức có thể thấy những số liệu rất đáng khuyến khích, đó là: Nhiệm kỳ X (2006- 2011) Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã tặng thưởng đối với 24 đơn vị báo chí, xuất bản, 19 đơn vị nghệ thuật, đội chiếu phim. Nhiệm kỳ XI (2011- 2015) khen thưởng đối với 21 tập thể và cá nhân. Nhiệm kỳ XII (2016- 2020) khen thưởng đối với 48 tập thể và cá nhân, chưa có kết quả xét khen thưởng đợt I (2021- 2023) của Nhiệm kỳ XIII (2021- 2025).
Chỉ tính trong ba nhiệm kỳ (X, XI, XII) toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 06, 03, 05 của Bộ Chính trị có thể thấy kết quả “học tập”, kết quả “làm theo” (nhất là làm theo) là vô cùng lớn ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước, ở nước ngoài, ở mọi lứa tuổi, trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên các phương tiện truyền thông, báo chí, sân khấu biểu diễn ca múa nhạc, chiếu phim, bảo tàng, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao…đã làm khá tốt và thường xuyên việc quảng bá, giới thiệu người tốt, việc tốt, công trình, tác phẩm, ấn phẩm có chất lượng.
Nhiều chương trình, chuyên mục đã trở thành “thương hiệu” của cơ quan, đơn vị truyền thông, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với mỗi người, mỗi gia đình, như: Học Bác mỗi ngày; Học và làm theo Bác; Đảng trong cuộc sống hôm nay; Tuổi cao- gương sáng; Nâng bước em đến trường; Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó; Giúp nhau làm giàu; Việc tử tế; Bàn tròn âm nhạc; Những bài ca đi cùng năm tháng…
Tuy nhiên, nếu so với lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá hùng hậu trong hệ thống quản lý về mặt nhà nước của chúng ta thì những kết quả bước đầu nêu trên có thể nói là còn rất khiêm tốn. Chỉ thống kê một cách tương đối (chưa chính xác) số lượng các cơ quan, đơn vị nói trên đối với cấp quận, huyện, thị xã trong cả nước đã có: khoảng hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện, cũng là từng đó Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao, mỗi trung tâm đều có các tổ văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền và các trang thiết bị đi kèm để tổ chức hoạt động (có thể nói đó là một thiết chế văn hóa đồng bộ, chính quy); cùng đồng hành với nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá còn có 127 cơ quan báo, 72 tạp chí văn học nghệ thuật, 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Kết quả học và làm theo Bác là rất nhiều, ở các lĩnh vực, đa dạng và vô cùng phong phú. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà cao hơn là cần những người tốt, việc tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả phải được nhiều nơi, nhiều người soi chiếu, áp dụng. Do vậy, cần và rất cần sự chỉ đạo cụ thể, thường xuyên của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị truyền thông, văn hóa để ngày càng nhiều tập thể, cá nhân hoạt động quảng bá thật sự sáng tạo, hiệu quả, hấp dẫn.
(Theo dangcongsan.vn)