.

Vài suy nghĩ khi đọc Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm

Cập nhật: 09:56, 19/06/2023 (GMT+7)

Ngày 26-3-2023, tôi may mắn được dự buổi ra mắt quyển sách có tựa đề Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là một quyển sách tập hợp nhiều tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học viết về nhà thơ Trần Đỗ Liêm. Tất cả những bài viết đều tiếp cận tác phẩm của nhà thơ Trần Đỗ Liêm từ nhiều góc độ khác nhau.

Tôi biết đến nhà thơ Trần Đỗ Liêm trên 20 năm nay. Ban đầu chỉ nghĩ đơn thuần ông là một doanh nhân, đến khi đọc và tiếp cận các tác phẩm của nhà thơ này, tôi mới biết ông là một nhà thơ nhiều suy tư, gắn bó với con người, cuộc sống.

Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà thơ Hồ Thế Hà trong lời mở đầu của bài “Quan niệm về thơ và công việc làm thơ của Trần Đỗ Liêm”: “Trần Đỗ Liêm đến với văn chương có hơi muộn so với các đồng nghiệp khác, nhưng đến nay, anh đã cho xuất bản 7 tập thơ, 2 tập văn và 2 tập tiểu luận, phê bình. Chừng ấy cũng đã cho thấy tinh thần sáng tạo và sự đam mê của anh đối với văn học - một lĩnh vực phải lao tâm, khổ tứ và nhiều hệ lụy nhưng cao sang và nhân ái”.

Mỗi tác phẩm của nhà thơ Trần Đỗ Liêm đều mang dấu ấn về một thời kỳ trong lịch sử đất nước và mỗi con người Việt Nam, hàm chứa nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang Trương Trọng Nghĩa tặng hoa cho nhà thơ Trần Đỗ Liêm trong buổi ra mắt tác phẩm “Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm”.
Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang Trương Trọng Nghĩa tặng hoa cho nhà thơ Trần Đỗ Liêm trong buổi ra mắt tác phẩm “Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm”.

38 bài viết là 38 cách tiếp cận khác nhau về tác phẩm của Trần Đỗ Liêm. Hầu hết các tác giả là nhà thơ khai thác các khía cạnh về nghệ thuật trong thơ của anh, nhà văn, nhà sử học khai thác yếu tố lịch sử trong tập “Đi dọc Việt Nam”, nhà báo thì viết về con người, cuộc sống đời thường…

Tất cả những bài viết ấy đều cho thấy rằng, các tác phẩm của nhà thơ Trần Đỗ Liêm đều bắt nguồn từ những cảm hứng nghệ thuật vô tận, những cảm hứng ấy được tác giả đúc kết từ chính hiện thực cuộc sống của con người. Nếu như nhà thơ chỉ ngồi yên một chỗ thì chẳng thể nào tạo nên một tác phẩm hay, ghi dấu trong lòng người đọc.

Nhà thơ Trần Đỗ Liêm làm ở lĩnh vực giao thông vận tải nên có điều kiện đi đây đó, cảm nhận được cái đẹp của quê hương, tiếp xúc với nhiều người, mà mỗi người lại có số phận khác nhau. Vì thế, các tác phẩm của ông chính là những sáng tạo dựa trên nền tảng hiện thực và thể hiện tư tưởng thẩm mỹ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

Là một người đến với văn chương muộn, nhà thơ Trần Đỗ Liêm luôn phải tự học tập, tự đi tìm kiếm cảm hứng cho bản thân, tạo ra những chất riêng cho mình cũng như tác phẩm, để không nhầm lẫn đi đâu được. Bất kỳ sự thành công nào bao giờ cũng bắt đầu cần đến sự học, vì học tập nhân lên khả năng vốn có của con người. Nhưng thành công của người sáng tác còn có yếu tố bẩm sinh và năng khiếu.

Có những người thời trẻ làm thơ, viết văn hay hơn cả lúc “chín” về độ tuổi và bề dày chiêm nghiệm như nhà thơ Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Nhưng với Trần Đỗ Liêm như người xưa đã nói“gừng càng già càng cay”, đến với văn chương muộn nhưng ông “chín” về độ tuổi và bề dày chiêm nghiệm thể hiện qua tác phẩm, nên đó chính là đề tài để nhiều tác giả trong Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm khai thác.

Các tác giả trong quyển sách Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm không chỉ căn cứ vào những phẩm chất hiện hữu của tác phẩm văn chương cụ thể, mà còn soi chiếu tất cả những phẩm chất đó dưới ánh sáng của học thuật, của những nguyên lý sáng tạo, được đúc rút qua thực tiễn. Những phát hiện được các tác giả thường nêu đúng bản chất vấn đề, gọi đúng tên những phẩm chất đặc sắc của tác phẩm.

Ví dụ trong bài viết Đi cùng Con - thuyền - thơ, nhà thơ, nhà phê bình văn học Võ Tấn Cường đã phát hiện khá độc đáo: Con - thuyền - thơ của Trần Đỗ Liêm neo đậu ở bến đỗ sông Tiền. Thế nhưng hồn thơ của anh lại phiêu bạt khắp nơi trên mọi miền đất nước và những vùng đất của cái đẹp…

Hay như bài viết “Nét thú vị” của nhà thơ Ngô Xuân Hội nói về bài thơ “Bến đò chùa” của Trần Đỗ Liêm. Bên cạnh việc phân tích hình ảnh của một bến đò ven sông Tiền, tác giả dường như thích thú ở câu “Ba cô gánh nước làm vơi sông Tiền” nên có lời kết rất hay “… Hình tượng “Ba cô gánh nước làm vơi sông Tiền” của anh đã tạo nên một sự liên tưởng thú vị giữa xưa và nay, giữa trang sách với cuộc đời… làm sinh động hẳn lên cái bến đò đìu hiu xưa cũ trong đời và trong thơ”.

Nhìn chung, những bài viết trong Ngân vang yêu thương trong thơ Trần Đỗ Liêm giúp bạn đọc hiểu sâu thêm những đóng góp trên lĩnh vực văn học hiện nay. Đó cũng là một cách nhìn riêng qua việc tiếp nhận đa dạng hiện nay, bạn đọc có khi cần những thông tin chọn lọc, tiêu biểu để nắm bắt nhà thơ và tác phẩm.

LÊ QUANG HUY

.
.
.