Thứ Bảy, 29/07/2023, 22:00 (GMT+7)
.

Lợi mình, cũng phải lợi người

Xét cho cùng, trong bất cứ trường hợp nào, đừng chỉ nghĩ phần lợi luôn thuộc về mình. Sự nổi tiếng luôn là “con dao hai lưỡi”, chơi không khéo có ngày đứt tay.

Thay vì nôn nóng kiếm tiền ngay và luôn bằng việc xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên các mạng xã hội, không ít người trẻ quyết định đi chậm mà chắc. Họ chọn cách biến mình trở thành nhà sáng tạo nội dung thông qua việc đầu tư vào các clip ngắn trên mạng xã hội. Và khi đã có lượng người theo dõi cao, lúc này họ mới… xuất chiêu.

Thực tế, con đường đi này không mới đối với nhiều người trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Lựa chọn đi theo con đường nhà sáng tạo nội dung đồng nghĩa họ chấp nhận phải đầu tư vào việc lập kênh, xây dựng nội dung cho các video clip.

Đó có thể là những clip ngắn bắt nhịp các xu hướng đang nổi bật trên mạng xã hội, hoặc ghi lại các hoạt động thường nhật của bản thân, nghề nghiệp của gia đình, giới thiệu đặc sản địa phương... Nhiều người lại chọn làm thành phim ngắn, series phim ngắn có câu chuyện, nội dung đang được quan tâm, trong đó có lồng ghép các sản phẩm, thương hiệu được đặt hàng quảng cáo hay do chính chủ nhân kênh làm ra.

Có thể kể đến Nguyệt Fake - từ việc làm các video nhái theo nhân vật Nguyệt trong phim Phía trước là bầu trời đã phát triển thành kênh bán hàng với rất nhiều sản phẩm từ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, thời trang. Tạ Công Bằng - chủ thương hiệu TACOBA FOOD, kinh doanh chính đặc sản bánh phồng tôm của quê hương Cà Mau. Khánh Còi Vlog thông qua series phim ngắn để giới thiệu món cơm cháy do vợ chồng mình tự sản xuất…

Trên thực tế, xu hướng này đã và đang ngày càng bùng nổ. Nhiều nội dung được đông đảo khán giả ủng hộ bởi sự đầu tư nghiêm túc hay tính chân thật trong câu chuyện truyền tải. Và rõ ràng, nó đã phát huy tác dụng khi góp phần giúp các chủ kênh thu hút lượng lớn người theo dõi, qua đó góp phần thúc đẩy việc kinh doanh, có thêm nhiều lời mời quảng cáo sản phẩm, livestream bán hàng…

Tuy nhiên, trong câu chuyện này cũng có những hệ lụy. Thời gian qua, một số cái tên đình đám trên mạng xã hội từng bị khán giả tẩy chay vì bán hàng giả, hàng kém chất lượng hay có những nội dung đánh giá (review) sai sự thật… Điều này, xét cho cùng vẫn nằm ở nhận thức, ý thức của người làm sáng tạo nội dung.

Họ luôn cần tỉnh táo để biết đâu là điểm dừng. Khán giả có thể ủng hộ họ bằng cách nhấn theo dõi (follow), mua hàng… Nhưng khán giả hiện tại cũng là những người rất thông minh, nhất là họ nắm trong tay quyền lực mềm, có thể kêu gọi làn sóng tẩy chay, khi đó hậu quả rất khó lường.

Vậy nên, xét cho cùng, trong bất cứ trường hợp nào, đừng chỉ nghĩ phần lợi luôn thuộc về mình. Sự nổi tiếng luôn là “con dao hai lưỡi”, chơi không khéo có ngày đứt tay.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

.
.
.