Nhà văn Sơn Nam: 15 năm chưa bao giờ xa vắng
Tròn 15 năm nhà văn Sơn Nam đi xa, nhưng dường như hình ảnh “ông già Nam bộ” chưa bao giờ vắng bóng trong tâm trí những người ở lại. Sách của ông vẫn đều đặn đến với bạn đọc, vẫn được nhắc nhớ trong những cuộc gặp gỡ văn chương.
Người thân, bạn bè, người viết và người đọc yêu mến Sơn Nam đã tới tham dự chương trình tưởng nhớ 15 năm ngày mất của “ông già Nam bộ” |
Có một Sơn Nam đời thường
Tưởng nhớ 15 năm nhà văn Sơn Nam đi xa, NXB Trẻ vừa ra mắt hai tác phẩm mới. Trong đó, tập Đi và ghi nhớ là những bài viết của Sơn Nam từng in trên Tạp chí Xưa & Nay, được tái bản từ ấn phẩm ra đời gần 10 năm trước, do NXB Hồng Đức ấn hành. Còn tập Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ là những bài viết của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp viết về ông.
Lâu nay, ngoài những tác phẩm, bạn đọc ít biết đến nhà văn Sơn Nam trong cuộc sống đời thường. Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ phần nào đó giải đáp thắc mắc này. Bởi ngoài những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp thì lần đầu tiên có góc nhìn của con gái nhà văn Sơn Nam - chị Đào Thúy Hằng, viết về cha mình.
Theo chia sẻ của chị Đào Thúy Hằng, 16 bài viết ở phần 1 - Nhớ ba tôi là những kỷ niệm về nhà văn Sơn Nam hoặc là những người có liên quan. Tất cả đều được viết đúng với “tinh thần Sơn Nam”, rất giản dị, mộc mạc để mang đến một Sơn Nam rất đời thường đằng sau ánh hào quang văn nghiệp. Bạn đọc được biết đến cách mà nhà văn Sơn Nam tự mình đi hỏi vợ; rồi lúc thấy vợ nằm cữ mà không có than, đã cầm cái thúng đi mấy cây số từ Cái Bầu vô chợ Cả Nai để mua than về cho vợ; hay như cách mà ông đã nỗ lực kiếm tiền và nghĩ về đồng tiền như thế nào…
Dẫu 15 năm đã trôi qua, nhưng với chị Đào Thúy Hằng, nhà văn Sơn Nam chưa bao giờ đi vắng. Ông vẫn còn ở lại trong những trang sách, trong những hồi ức của chị. “Tôi may mắn là con đầu lòng nên được ba mẹ dành nhiều tình cảm nhất. Khi tôi hơn 2 tuổi một chút, ông đi đâu cũng ẵm tôi đi theo. Thậm chí, trong những cuộc họp ấp, rồi họp xã, ông cũng ẵm theo. Ông là người đàn ông duy nhất ẵm con theo khi đi họp ấp”, chị Đào Thúy Hằng rưng rưng nhớ lại kỷ niệm với cha mình.
Tấm gương cho hậu thế
Từ Đồng Nai, hay tin có chương trình tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, nhà văn Trần Thu Hằng đã chạy xe lên TPHCM để tham dự. Theo chị, những người cầm bút ở phía Nam đều ít nhiều đã đọc Sơn Nam. Và tuy ông đã ngừng đi, ngừng viết 15 năm, nhưng trang viết và nhân cách sống của ông vẫn có sức lan tỏa đặc biệt. “Trong cách viết của thế hệ mình, vốn chịu ảnh hưởng bởi đời sống công nghệ, quen nghĩ nhanh, viết nhanh, sống vội thì khi nhớ đến Sơn Nam, tôi lại tập sống chậm lại, nghiền ngẫm ý tưởng, câu chữ sao cho tác phẩm của mình có chất lượng hơn, sống được lâu hơn trong lòng người đọc”, nhà văn Trần Thu Hằng chia sẻ.
Có mối giao tình với nhà văn Sơn Nam lúc ông còn sống, từng gặp gỡ, trò chuyện với ông nhiều lần, nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, bên cạnh là một nhà văn, Sơn Nam còn là một nhà văn hóa, một nhân cách lớn không chỉ của Nam bộ mà còn của cả nước.
Đặc biệt, theo nhà thơ Phan Hoàng, điều khiến cho văn chương Sơn Nam độc đáo và khác biệt với nhiều người chính là ở sự giản dị. Nhà thơ Phan Hoàng lý giải: “Văn chương đạt đến độ giản dị mà ai cũng đọc được là cực kỳ khó. Tôi cho rằng, sự giản dị trong văn chương Sơn Nam là một sự lựa chọn độc đáo. Ông đủ sức “làm xiếc” ngôn ngữ nhưng ông đã không làm”.
Không chỉ là tấm gương cho những người viết, nhà văn Sơn Nam còn là nguồn cảm hứng quý giá cho người đọc, bất kể người đó là ai, bao nhiêu tuổi. Bạn đọc Huỳnh Công Dự (30 tuổi, sống và làm việc tại TPHCM) là một trường hợp như vậy. Bắt đầu đọc sách của Sơn Nam từ 4 năm nay, yêu mến “ông già Nam bộ”, Huỳnh Công Dự cất công sưu tầm, đến nay anh đã có hơn 50 cuốn sách, có những cuốn có tuổi đời hơn 50 năm. “Quê tôi ở Gò Công, Tiền Giang, đọc sách của “ông già Nam bộ” giúp tôi khám phá nhiều điều thú vị về cách sống, lời ăn tiếng nói của ông bà mình ngày trước, giúp tôi yêu thêm quê hương mình”, Huỳnh Công Dự bày tỏ.
Nhân dịp ra mắt 2 cuốn sách, Quỹ Sơn Nam đã trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em nhỏ là con nuôi và con đỡ đầu của Đồn Biên phòng Lũng Cú (tỉnh Hà Giang). Trước đó, vào năm 2018, NXB Trẻ dành nhuận bút để trao học bổng cho học sinh ở Kiên Giang - quê hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 2021, NXB Trẻ dành phần quà gần 200 triệu đồng từ số tiền nhuận bút của nhà văn Sơn Nam cùng một số nhà văn khác để tặng cho con em trong gia đình bị Covid-19 gặp khó khăn ở TPHCM. |
Theo sggp.org.vn