.

Quản lý không thể trông chờ vào khuyến nghị

Cập nhật: 09:35, 15/08/2023 (GMT+7)

Hai năm sau khi ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, Bộ VH-TT-DL lại xin ý kiến các đơn vị, tổ chức liên quan để xây dựng quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ bộ quy tắc trên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Góp ý trong xây dựng dự thảo, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL lưu ý, quy trình này cần đảm bảo việc thống nhất trong phối hợp phát hiện, đánh giá, áp dụng biện pháp kiểm soát… theo trình tự, đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan.

Về quy trình tiếp nhận thông tin và xử lý, vị này cũng cho rằng, ngoài các nguồn chính thống, cần chọn lọc, tiếp nhận thông tin từ quần chúng, mạng xã hội… để phát hiện một cách kịp thời, đảm bảo tính răn đe, góp phần gìn giữ chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định vai trò, trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Ngoài quy trình chung, các đài truyền hình, cơ quan quản lý có thể dựa trên quy trình riêng để xử lý hoặc theo khuyến cáo của Bộ VH-TT-DL.

Thực tế, khi ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” cách đây 2 năm, có đưa khá chi tiết về các quy tắc ứng xử chung của người làm nghệ thuật, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp với đồng nghiệp, với công chúng, khán giả; quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng… Và đã là quy tắc ứng xử thì chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị điều chỉnh hành vi chứ không mang nặng tính răn đe với các hình phạt tương thích đi cùng.

Tất nhiên, với những người làm nghệ thuật chân chính và sống gắn bó với nghệ thuật thì chế tài ghê gớm nhất chính là bị khán giả quay lưng, xã hội lên án. Tuy nhiên, không phải người nào hoạt động trong lĩnh vực này cũng có được đạo đức và ý thức giữ gìn nhân phẩm, hình ảnh… Bởi thế, xây dựng quy trình thí điểm được xem là bước tiến mạnh mẽ hơn trong việc chấn chỉnh các trường hợp “lệch chuẩn”.

Sau khi nhận được sự góp ý của nhiều bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan, dự thảo quy trình thí điểm dần định hình và có thể được ban hành thời gian tới. Song, dường như đây chỉ là giải pháp tình thế và liệu rằng sau khi được ban hành, vài năm tới cơ quan chức năng có phải tiếp tục xây dựng các quy trình mới để xử lý, kiểm soát trường hợp vi phạm?

Liệu đây có phải là bước đệm để tiến đến việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn? Vẫn biết nghệ thuật biểu diễn là môi trường hoạt động nặng tính cảm xúc, cần có sự rung động và thăng hoa… song, thay vì chỉ đưa ra văn bản có tính khuyến nghị, ngành chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này để có thể “gạn đục khơi trong”, tạo ra môi trường lành mạnh cho nghệ thuật chân chính phát triển.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.