Nhớ mãi đêm Trung thu
(ABO) Mới đó mà đã đến Trung thu. Đêm Trung thu ở xóm quê hẻo lánh vùng sông nước này cũng chỉ lao xao đôi chút rồi lại lặng ngắt. Nhưng để có một chút lao xao ngắn ngủi ấy, chúng tôi phải chuẩn bị trước đó hàng tuần với tâm trạng nao nao khó tả.
Xóm tôi được nhiều người gọi là xóm bưng vì đây là vùng trũng nhất, kinh, rạch chia cắt chằng chịt. Mấy đời bà con nơi đây sống bằng nghề trồng lúa 2 vụ rồi 3 vụ nhưng cũng không ai khá lên. Chỉ có điều nghèo thì nghèo nhưng Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu đều tổ chức tươm tất, coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất.
Mỗi lần đến Tết Trung thu, ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, ai nấy đều tranh thủ thu hoạch lúa vụ 3 để đón nước lũ mang phù sa về các mảnh ruộng của mình. Đó cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi chuẩn bị dụng cụ để làm đèn đón Trung thu.
Trong đám trẻ con ngày ấy phải thành thật công nhận rằng thằng Tân rất khéo tay. Ngay từ nhỏ nó đã biết tự tay xếp những chiếc đèn bằng giấy hình chiếc quạt với những đường viền trang trí thật đẹp, bà con trong xóm ai cũng khen. Là con nít tuổi mới lớn, nghe mấy chú trong xóm tâng bốc rồi giao làm chiếc lồng đèn ngôi sao lớn để treo ở cột cờ điểm trường học của ấp, nó vừa hãnh diện lại vừa lo. Thằng Tân sang nhà rủ tôi đi đốn tre rồi cùng làm. Mất gần một tuần lễ hai đứa hì hục vót tre, làm khung, trang trí… chiếc lồng đèn ngôi sao thuộc dạng Guinnes của xóm cũng hoàn thành. Nhưng để đảm bảo tính bí mật, hai đứa quyết định để đến chiều 14 âm lịch mới đem ra trình mấy chú xong là treo lên.
Đêm Trung thu năm đó may mắn cho chúng tôi là trời không mưa. Đám con nít trong xóm mỗi đứa xách chiếc lồng đèn nhỏ làm bằng giấy tập, lon sửa bò, ống tre xanh… tụ tập tại điểm trường học. Chúng bi bô với nhau chuyện làm lồng đèn, bình phẩm lồng đèn ai lạ, đẹp nhất. Tụi nó sẵn sàng cắt làm đôi chiếc đèn cầy để san sẻ cho đứa nào không có rồi lặng lẽ ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng tròn vừa qua khỏi ngọn tre, tôi và thằng Tân mới khệ nệ mang chiếc lồng đèn to tướng ra cho mấy chú trong xóm treo lên. Ngọn nến trong lồng đèn vừa thắp lên cũng là lúc vang lên tiếng xuýt xoa “Ồ, đẹp quá!”, “Ai làm vậy ta?”… từ trẻ con đến người lớn. Hàng chục trẻ con trong xóm ùa ra, tất cả phải “ngả mũ” trước chiếc đèn ngôi sao 5 cánh “khổng lồ” của tôi và thằng Tân.
Bỗng tiếng trống múa lân vang lên. Cả đám ùa sang khoảng đất trống gần đó để xem. Chỉ là con lân nhỏ do đám thiếu nhi trong xóm tự hùn tiền mua và tự tập luyện. Thằng Tân làm ông Địa nhảy nhót cũng ra hồn lắm. Hôm nay nó múa thật hăng nên đón nhận nhiều tràng pháo tay cũng như những tiếng cười động viên từ trẻ con đến người lớn.
Có lẽ nó hưng phấn khi chiếc lồng đèn được mọi người khen nên múa hết mình. Tiếng trống múa lân lại dồn dập. Con Lân nhảy chồm lên, ông Địa cũng không vừa, vừa thụt lùi vừa nhảy sang một bên né tránh. Có tiếng ai đó vang lên: “Ông Địa coi chừng”. Vừa dứt liếng la, ông Địa bị sụp chân lọt ngay xuống mương. Đám con nít lập tức la lên “Ông Địa té mương, ông Địa té mương!”. May mà mương cạn, thằng Tân lại biết bơi nên trở thành một màn vui khó quên cho đêm Trung thu.
Gỡ mặt ông Địa ra, thằng Tân nhoẻn miệng cười: “Nãy giờ đổ mồ hôi, rớt xuống mương mát thiệt!”. Thằng Lâm chộp ngay mặt nạ ông Địa, bước ra múa tiếp. Tiếng trống lân lại nổi lên giòn giã thu hút nhiều người từ trong nhà bước ra xem. Kết thúc đêm Trung thu là màn rước đèn trên kinh thật thú vị. Hàng chục chiếc xuồng, ghe lớn nhỏ chở trẻ em trong xóm tay cầm lồng đèn “diễu hành” khắp nơi trong xóm, miệng hát vang “Tết Trung thu em xách đèn đi chơi…” thật thú vị. Trên bờ, người lớn cùng những em nhỏ trông ra vẫy tay chào tạo nên khung cảnh vừa náo nhiệt, vừa nên thơ.
Rồi chúng tôi lớn lên đi học đại học xa nhà và sau đó mưu sinh lập nghiệp ở thành thị. Trung thu bây giờ ở quê cũ trẻ con có những niềm vui mới như được ăn bánh trung thu, có lồng đèn điện tử, hay được các mạnh thường quân kết hợp với chính quyền tổ chức. Nhưng chắc chắn trong ký ức của những người lớn không quên được không khí háo hức, tự tay làm chiếc lồng đèn đơn sơ, tham gia múa lân và được rước đèn trên kinh dù những ngày ấy đã xa!
LÊ QUANG HUY