Cảm nhận với "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi
Nhà văn (NV) Đoàn Giỏi được biết đến là một trong những NV với nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nam bộ. Có tình yêu sâu đậm với vùng đất phương Nam và tài quan sát tỉ mỉ tinh tế, NV Đoàn Giỏi đã đưa độc giả ở mọi lứa tuổi cảm nhận được hương vị của quê hương qua thơ, ký, truyện ngắn và truyện dài cùng nhiều thể loại khác. Ông là người đã biến vùng đất phương Nam trở thành nơi thân thuộc và đã đi vào lòng không biết bao nhiêu thế hệ độc giả.
NV Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành các khóa I, II, III. Ông mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm “Đất rừng phương Nam”. |
NHÀ VĂN LỚN CỦA VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM
Sinh thời, NV Đoàn Giỏi lớn lên trong gia đình đại điền chủ ở Tiền Giang. Sau khi có bằng Thành chung của Trường Collège de Mytho, ông lên Sài Gòn học hội họa tại Trường Mỹ thuật Gia Định. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tạm gác lại công việc sáng tác văn để trở về quê hương tham gia cách mạng với vị trí là cán bộ thông tin của xã Tân Hiệp. Sau Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông tự nguyện hiến hầu hết nhà và đất cho chính quyền.
Năm 1954, NV Đoàn Giỏi được tập kết ra miền Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trong những năm tháng sống và làm việc ở miền Bắc, ông có điều kiện để chuyên tâm sự nghiệp viết văn của mình. Hầu hết tác phẩm của ông viết về con người và mảnh đất Nam bộ.
Thời kỳ này, ông có những tác phẩm nổi tiếng, phản ánh cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng của nhân dân Nam bộ như: “Cây đước Cà Mau”, “Ngọn tầm vông”, “Cá bống mú”, “Hoa hướng dương”, “Trần Văn Ơn”, “Rừng đêm xào xạc”. Đặc biệt, tác phẩm “Đất rừng phương Nam” được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, NV Đoàn Giỏi trở về miền Nam và sống ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Vẫn chủ đề về Nam bộ, ông sáng tác quyển “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày” viết về Bác Tôn Đức Thắng, “Từ đất Tiền Giang” viết về cán bộ cách mạng lão thành Nguyễn Thị Thập…
Bên cạnh đó, ông hoàn thành việc sưu tập một khối lượng lớn tư liệu để chuẩn bị viết quyển “Núi cả cây ngàn”, nói về thuở hồng hoang và những trang sử thi của vùng đất mới phương Nam. Thế nhưng, một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến, ông đã ra đi vào đầu tháng 4-1989 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 64 tuổi.
TỪ TÁC PHẨM ĐỘC ĐÁO DÀNH CHO THIẾU NHI
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam không giấu được nỗi xúc động khi nhắc đến NV Đoàn Giỏi. Là người may mắn tiếp xúc với tác giả “Đất rừng phương Nam” nhiều lần, nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại nhiều kỷ niệm nhưng ông cũng không quên khẳng định tài năng, cốt cách của NV Đoàn Giỏi: “Người ta nói rằng những NV thực sự tài năng là những NV có khả năng bước qua đề tài, thể loại và đơn đặt hàng. Đoàn Giỏi chính là một NV như thế.
“Đất phương Nam” (năm 1997) - bộ phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. |
“Đất rừng phương Nam” làm thay đổi một nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng thì bị gò bó, trói buộc cả đề tài và cảm xúc. Nhưng tác phẩm này lại vượt qua những ràng buộc đó, Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam.
“Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn và Đoàn Giỏi là một trong những NV để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các thế hệ bạn đọc ở nước ta. Ông là ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.
Khác hẳn với hình dung của nhiều người, “Đất rừng phương Nam” hoàn toàn là một tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng. Năm 1957, sau khi tập kết ra miền Bắc và làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, NV Đoàn Giỏi nhận được đơn đặt hàng từ NV Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đề nghị viết một cuốn sách cho thiếu nhi giới thiệu quan cảnh, thiên nhiên và con người Nam bộ. Loay hoay 3 tháng mãi không xong, nhưng có lẽ khi cảm xúc ùa về cùng với nỗi nhớ quê hương, NV Đoàn Giỏi đã bắt đầu “phóng bút” và hoàn thành tác phẩm trong 1 tháng.
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” chính là tác phẩm nổi bật nhất trong quá trình sáng tác của NV Đoàn Giỏi. Bởi, bối cảnh câu chuyện rất đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ. Với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông mênh mông, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn, NV Đoàn Giỏi như gửi trọn nỗi nhớ quê hương vào tác phẩm của mình. “Đất rừng phương Nam” đã mang đến cho người đọc nhiều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ.
Nội dung câu chuyện cũng vậy, NV Đoàn Giỏi chỉ xoay quanh ở vùng đất Nam bộ. Ông mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu đất rừng phương Nam. Nơi đó, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
ĐẾN BỘ PHIM KÝ ỨC CỦA NHIỀU NGƯỜI
Năm 1997, từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim “Đất phương Nam” dài 11 tập, Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn. Không dừng lại ở sự đón nhận của khán giả Việt Nam, bộ phim “Đất phương Nam” đã “xuất khẩu” sang Mỹ và được đông đảo khán giả ở Mỹ đón nhận.
Bộ phim kể về câu chuyện đầy trái ngang của cậu bé An, do nghịch cảnh mất mẹ ngay khi còn bé nên An phải lưu lạc khắp nơi để tìm lại cha ruột của mình. Khi xuôi về phương Nam, An đã gặp những cảnh đời ngang trái, những khó khăn, vất vả tột cùng của người nông dân dưới ách áp bức thống trị của bọn thực dân Pháp.
Tuy phải trôi nổi khắp nơi nhưng may mắn là An luôn gặp được những người dân có tấm lòng nhân ái, yêu thương chan hòa. Đấy chính là nguồn động lực to lớn để An vượt qua khó khăn, thử thách. Ngoài An, hình ảnh của cậu bé Cò cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả bởi sự tinh nghịch, thích khám phá những điều mới lạ và cậu cũng rất tốt bụng với người bạn cùng lứa của mình.
Khác với những bộ phim truyền hình hiện đại ngày nay, “Đất phương Nam” lột tả chân thật cuộc sống cùng cực của nông dân Việt Nam trong thời kì bị thực dân Pháp đô hộ. Bộ phim đã chạm đến trái tim của khán giả xem đài vì những câu chuyện mà An chứng kiến, những giọt nước mắt đã rơi và những trái tim yêu thương đã hòa chung nhịp đập.
Cho đến tận bây giờ, hình ảnh bé An lém lỉnh, hồn nhiên vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khán giả, trong lòng người hâm mộ.
HÀ ANH (tổng hợp)