.

Đầu tư cho phim ảnh: Muôn nẻo đường khó!

Cập nhật: 11:34, 17/11/2023 (GMT+7)

Ở lĩnh vực phim ảnh nói chung, câu chuyện đầu tư tương xứng để có những tác phẩm chất lượng được đặt ra từ nhiều năm qua. Ai cũng hiểu, tiền không quyết định tất cả, nhưng nếu không có tiền, nhà làm phim vẫn mãi rơi vào vòng xoáy của chuyện “liệu cơm gắp mắm” và loay hoay vì đầu ra.

Khó khăn đầu vào

Tại buổi họp báo giới thiệu dự án điện ảnh Người mặt trời, đạo diễn Timothy Linh Bùi hé lộ, bộ phim này nếu được thực hiện tại Mỹ, kinh phí sản xuất có thể lên đến hàng chục triệu USD. Anh cũng cho biết, ở Việt Nam tiền đầu tư cho một bộ phim dù có cao đến đâu nhưng vẫn rất nhỏ so với các nước khác. Do đó, trong quá trình sản xuất, ê kíp luôn phải nỗ lực tối ưu hóa số tiền mình có để kể được câu chuyện mong muốn.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, làm thế nào để thu hút nhà đầu tư rót tiền cho các dự án điện ảnh gặp muôn vàn khó khăn. Những “ông lớn” ngoài ngành trước đây từng hứng thú đầu tư vào phim ảnh, hiện đều khá rụt rè. Bản thân các nhà đầu tư lâu năm trong ngành cũng có những tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Chính vì khó khăn, bài toán làm thế nào để “liệu cơm gắp mắm” đặt ra không ít thách thức cho các đoàn phim. Vốn nổi tiếng là người “bạo chi”, nhưng đến Người vợ cuối cùng, đạo diễn Victor Vũ phải thừa nhận, vì muốn mọi thứ an toàn cho các đối tác và nhà đầu tư nên anh đặt ra mục tiêu vừa phải thực hiện bộ phim chất lượng, đồng thời giữ đúng lịch quay như dự kiến.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, ông Phan Thanh Việt - Phó Tổng Giám đốc SK Pictures, đơn vị vừa phối hợp với HTV ra mắt khung phim Việt đặc sắc (19 giờ 30 từ thứ hai đến thứ tư trên HTV7), cũng thừa nhận, quyết định đầu tư này thực sự rất mạo hiểm.

“Có tiền cũng chưa chắc có phim hay. Nhưng nếu không có tiền chắc chắn không có phim hay. Do đó, muốn có những bộ phim chất lượng, chúng tôi cố gắng tập trung nhiều cho ngân sách tài chính”, ông Phan Thanh Việt cho biết.

Điều này cũng được ông Đặng Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Minh Phim, chia sẻ: “Có những bộ phim chúng tôi sản xuất chỉ hết 2 tỷ đồng, nhưng phải mất 3 năm sau mới thu hồi vốn. Điều này đồng nghĩa muốn bước vào lĩnh vực này phải trường vốn để đầu tư”.

Trăn trở đầu ra

Với phim Việt, nguồn thu chính hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu trong nước. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 số phim ra rạp hàng năm có khả năng từ hòa vốn cho đến thắng. Năm 2023 có khoảng 20 phim ra mắt thì trừ 5 phim xem như thành công khi vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng, những phim còn lại hầu như lỗ nặng. Trong đó, có cả những cái tên vốn đầy hy vọng như Khi ta hai lăm, Biệt đội rất ổn, Fanti, Chạm vào hạnh phúc, LIVE: Phát trực tiếp, Thành phố ngủ gật…

Bộ phim
Bộ phim "Biệt đội rất ổn" chịu cảnh thua lỗ phòng vé. Ảnh: ĐPCC

Ngoài phát hành trong nước, một số phim Việt cũng tìm cơ hội phát hành thương mại ở các thị trường nước ngoài nhưng cũng chủ yếu dành cho kiều bào. Một ngách mở khác đó là đưa phim lên các nền tảng trực tuyến trong nước: Galaxy Play, VieON, DANET, FPT Play… hay nền tảng nước ngoài như Netflix. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn được các nhà làm phim ưa thích, bởi mức giá thường rất thấp.

Đạo diễn TIMOTHY LINH BÙI:

Làm phim tốt sẽ thành công

Bản thân đạo diễn phải có tầm nhìn và quy tụ được các nhân sự giỏi hơn mình rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc phim có thành công về doanh thu phòng vé hay không, bản thân mình không thể điều khiển. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là mình làm một bộ phim tốt, chấp nhận thử thách và cả thất bại để có thể mở đường cho những thể loại phim mới mẻ tại Việt Nam.

Liên quan đến đầu ra cho phim truyền hình, đạo diễn Ngọc Minh tiết lộ một câu chuyện còn thú vị hơn. Ông cho biết, năm 2022, khi sản xuất phim truyền hình tết, có những đài truyền hình, ông bán phim của mình với giá 10 triệu đồng/tập, có khi “rớt” xuống chỉ còn 500.000 đồng/tập nhưng cũng phải bán vì nếu không, qua tết phim không thể chiếu nữa.

“Với nhiều đơn vị, nếu không bán được, chúng tôi còn cho, tặng. Như năm ngoái chúng tôi có chính sách mua 1 phim mới tặng 1 phim cũ, hay như với nhiều đài địa phương ở các tỉnh xa như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu..., chúng tôi tặng luôn cho họ có chương trình lấp sóng”, ông Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những tín hiệu lạc quan. Thành công của nhiều bộ phim trăm tỷ cho thấy khán giả vẫn ưu tiên và ủng hộ phim Việt nếu được thực hiện chỉn chu, nghiêm túc. Nói như ông Thanh Việt, nếu tạo ra những bộ phim chất lượng, đáp ứng nhu cầu khán giả, việc thu hồi vốn là điều có thể, đặc biệt khi phim truyền hình vẫn là món ăn quen thuộc được ưa chuộng.

“Chúng tôi mong sau 6 tháng đến 1 năm là có thể thu hồi được phần nào đó, để quay lại duy trì sản xuất. Tất nhiên, không ai nói trước được về tình hình kinh tế. Nhưng chúng tôi có niềm tin, nếu làm khác biệt, kiên trì sẽ thành công”, ông Việt cho biết.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

.
.
.