Giữ được không chợ nổi Cái Bè?
Chợ nổi trở thành “đặc sản” riêng biệt, chỉ có ở vùng đất phù sa Chín Rồng và chợ nổi Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một trong những chợ nổi có tiếng ở miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay, chợ nổi Cái Bè không còn tấp nập như xưa, ghe, thuyền thưa thớt, thương hồ bỏ chợ, du khách đến cũng không còn háo hức… Những dấu hiệu cho thấy chợ nổi Cái Bè đang “chìm” dần.
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ…
Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: H. LÊ |
Chợ nổi Cái Bè nằm ở ngã 3 sông, nơi tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè. Chợ được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII, trên Vàm Cái Bè, tại đoạn dọc theo cù lao Tân Phong dài cả cây số. Do nhiều ghe, thuyền “hàng quán”, “hàng hóa” trong vùng lân cận, tụ hội về đây trao đổi nông sản và nhiều mặt hàng khác, dần trở thành khu chợ nổi.
Song song đó, bà con sống ven sông cũng trang bị ghe, xuồng để buôn bán các mặt hàng chủ yếu là nông sản, cho đến vải vóc, thủy hải sản, đồ gia dụng, đồ ăn uống… để phục vụ người dân và khách du lịch, khiến chợ nổi trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Chợ nổi Cái Bè chính là minh chứng sinh động nhất cho nét văn hóa đặc sắc của vùng đất phương Nam, là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền đất nước.
Theo nhiều cụ cao niên sinh sống gần khu vực chợ nổi Cái Bè, vào thập niên 1980, 1990, thương hồ đi ghe, thuyền ken đặc khúc sông Cái Bè, tràn ra cả sông Tiền neo đậu để bán buôn đủ thứ mặt hàng. Vào thời cực thịnh, từ 4 giờ sáng, chợ nổi Cái Bè có đến 500 - 600 ghe, thuyền lớn nhỏ tập trung về đây làm huyên náo cả một vùng, với các hoạt động giao thương sôi nổi. Nhưng hiện nay dọc theo khúc sông khu vực chợ nổi Cái Bè dài hơn 2 cây số chỉ có khoảng 20 ghe, thuyền của các thương hồ neo đậu buôn bán - đây là khúc sông hơn 10 năm trước cực kỳ sầm uất.
Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: H.LÊ |
Ông Võ Văn Mười, người gắn bó hàng chục năm với chợ nổi Cái Bè cho biết: “Mới đầu, tôi bán hủ tiếu cho thương hồ và thương lái ở chợ nổi Cái Bè. Mỗi ngày bán cả trăm tô là chuyện thường. Sau năm 2000, chợ nổi bắt đầu ít ghe, thuyền hơn trước, tôi chuyển qua bán cà phê, nước đá. Nhưng khoảng 6 năm trở lại đây thì hết đường buôn bán trên chợ nổi Cái Bè, bởi thương hồ giảm mà thương lái cũng không còn bao nhiêu. Tôi chuyển qua chạy đò chở khách, chở hàng kiếm sống”.
Còn trong ký ức của ông Lâm Văn Xài, 75 tuổi, thì chợ nổi Cái Bè ngày trước như một trung tâm thương mại trên sông. “Đủ thứ hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Dưới sông ghe, thuyền đông nghẹt, có thể leo từ thuyền này qua thuyền kia để đi từ bên này sông qua bên kia sông. Tuy nhiên, giờ đây, chỉ còn vài ghe, thuyền của những thương hồ quen cuộc sống “ghe là nhà, sông là đất” vẫn còn “neo” lại với chợ nổi Cái Bè. Thực tế này cũng là do sự phát triển của xã hội, đường bộ đã được kết nối nên có lẽ sứ mệnh của chợ nổi cũng dần khép lại…”, ông Xài hoài niệm trong luyến tiếc.
Còn với khách du lịch thì không khỏi hụt hẫng khi đến với chợ nổi Cái Bè, bởi không gian mua bán trên chợ nổi hiện nay khá vắng vẻ, đìu hiu với vài chiếc ghe nông sản neo đậu buôn bán. Anh Nguyễn Trung Thanh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, qua các phương tiện truyền thông, anh hình dung chợ nổi Cái Bè sầm uất với nhiều mặt hàng, có thể tham quan, check-in và tận mắt chứng kiến nét giao thương sông nước độc đáo của người Nam bộ, có thể trải nghiệm cảm giác lắc lư trên xuồng… Tuy nhiên, chợ nổi Cái Bè không còn như hình ảnh tư liệu mà anh đã xem.
GIỮ NÉT VĂN HÓA MIỀN SÔNG NƯỚC
Cuộc sống phát triển, từ sau năm 1990, hệ thống đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng ngày càng hoàn thiện, phủ kín khắp từ tỉnh, huyện đến xã, ấp nên giao thông thủy giảm hẳn. Việc vận tải hành khách, hàng hóa bằng tàu thuyền dần được thay thế bằng xe tải, xe khách với khối lượng lớn, tốc độ cao, khoảng cách xa và cơ động.
Đặc biệt việc di chuyển của người dân từ nơi này qua nơi khác bằng xe máy đã thay cho ghe, thuyền. Hơn nữa, khi mạng Internet, điện thoại di động phủ kín, việc mua hàng online và giao hàng tận nơi trở thành chuyện thường ngày. Thực tế cho thấy, hầu hết thương hồ bỏ sông nước lên bờ làm ăn, dẫn đến nền kinh tế sông nước, trong đó có chợ nổi ở miền Tây Nam bộ nói chung và chợ nổi Cái Bè mang đặc tính tự cung, tự cấp, tự nhiên về cơ bản đã hoàn thành vai trò lịch sử.
Chợ nổi Cái Bè hiện nay có ít ghe, thuyền đến giao thương, buôn bán. Ảnh: H. NGHỊ |
Trước nguy cơ “chìm” dần chợ nổi Cái Bè - một sản phẩm du lịch độc đáo, một nét văn hóa đặc sắc miền sông nước, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều hội thảo cấp tỉnh và cấp huyện, mời các chuyên gia đến tư vấn, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Vào năm 2017, ngành chức năng huyện Cái Bè cũng đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, ngành chức năng huyện Cái Bè cũng đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” với sự tham dự của các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động du lịch và đại diện bà con buôn bán trên chợ nổi Cái Bè.
Theo đó, chợ nổi Cái Bè sẽ giữ nguyên hiện trạng, nhưng có sự sắp xếp, quản lý, bố trí lại để đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông thủy; vùng nước quy hoạch có chiều dài 400 m đến 500 m, từ vàm Cái Bè đến kinh 28; đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 đến 150 chiếc và tiếp nhận 200 đến 300 ghe, thuyền neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 đến 60 tấn. UBND huyện Cái Bè sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng phụ trợ như: Nhà vệ sinh công cộng, đèn chiếu sáng, cầu bến kết hợp với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, điện, nước… để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thương hồ đến mua bán kinh doanh.
Mặc dù có Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, nhưng đến nay chợ nổi này vẫn ngày càng mai một. Do đó, vào giữa năm 2023, UBND huyện Cái Bè đã tổ chức buổi gặp gỡ với lãnh đạo các ngành huyện, lãnh đạo UBND xã Đông Hòa Hiệp và thị trấn Cái Bè để đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Bè” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND huyện Cái Bè phê duyệt theo Quyết định 5035 ngày 4-7-2017.
Các đại biểu tham gia buổi gặp gỡ có nhiều ý kiến xoay quanh, như: Sản phẩm, dịch vụ du lịch tại khu vực chợ nổi Cái Bè chưa đa dạng và phong phú, chủ yếu buôn bán các mặt hàng nông sản rau, củ các loại nên không đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch. Số lượng ghe, thuyền buôn bán trên chợ nổi truyền thống ngày càng giảm sút.
Do hiện nay, các thương lái đến trực tiếp thỏa thuận giá cả với nhà vườn và tự chuyên chở đi bằng phương tiện đường bộ, nguồn thu từ mua bán nông sản thất thường… nên việc kinh doanh buôn bán của thương hồ trên chợ nổi Cái Bè tiếp tục khó khăn, từ đó một số thương hồ có điều kiện đã chuyển nghề. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chợ nổi Cái Bè thưa thớt và thương hồ bỏ chợ.
Trước thực trạng hiện nay của chợ nổi Cái Bè, đại biểu tham gia buổi gặp gỡ cho rằng, Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” theo quy luật phát triển của xã hội không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay nên đề xuất không tiếp tục thực hiện đề án trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đánh giá khách quan việc triển khai cũng như kết quả thực hiện đề án, đề xuất UBND huyện Cái Bè tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, các ban, ngành huyện có liên quan, UBND thị trấn Cái Bè, xã Đông Hòa Hiệp phối hợp tổ chức đánh giá đề án trên lĩnh vực ngành cũng như của địa phương; chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến khảo sát các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các điểm du lịch, các nhà cổ… trên địa bàn huyện về kết quả thực hiện đề án trước khi đưa ra quyết định không tiếp tục thực hiện đề án.
Ở một góc nhìn khác, tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 diễn ra tại TP. Cần Tho vào khoảng cuối tháng 11-2022, đã có nhận định xác đáng, là tình trạng tour du lịch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều na ná giống nhau như đi thuyền, lên cù lao xem làm kẹo, bánh tráng thủ công, vào vườn ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử… Khi sản phẩm du lịch nghèo nàn, việc khôi phục đặc sản chợ nổi là nên và cần, nhưng phải theo hướng khác biệt với cái cũ và độc đáo hơn. Một trong số đó là cần tính đến xây dựng chợ nổi phục vụ cho du khách.
Hiện nay, ở miền Tây có 6 chợ nổi, bao gồm: Ngã Bảy - tỉnh Hậu Giang, Ngã Năm - tỉnh Sóc Trăng, Long Xuyên - tỉnh An Giang, Trà Ôn - tỉnh Vĩnh Long, Cái Răng - TP. Cần Thơ và Cái Bè - tỉnh Tiền Giang, nếu được đầu tư đúng mức, có chiến lược phát triển đúng hướng và đặc biệt là tìm ra những điểm độc đáo mang tính bản địa, các chợ nổi này sẽ lại trở thành nơi hút khách du lịch trong và ngoài nước.
PHƯƠNG NGHI