Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ của Huỳnh Thị Quỳnh Nga
Gần đây, thơ của Huỳnh Thị Quỳnh Nga (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) xuất hiện trên văn đàn trong nước ngày càng nhiều. Thơ của chị có sự đột phá, tạo nên nghệ thuật diễn ngôn thơ riêng đúng như nhà thơ Võ Tấn Cường nhận xét: “Thơ của Quỳnh Nga không mạnh về ý tứ nhưng lại thường độc đáo, lạ về sự liên tưởng, khơi gợi trí tưởng tượng và tạo được sự chuyển dịch, thăng hoa về cảm xúc, thẩm mỹ đối với người đọc”.
Các nhà thơ chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga tại buổi tọa đàm. |
Với hai tập thơ “Cắt dọc mùi hương” và “Nguyên bản xanh”, độc giả dễ nhận ra thơ của Quỳnh Nga thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên với cuộc đời.
Có lần nhà thơ tâm sự: “Thơ như người bạn đặc biệt, không nói lời nào nhưng đủ hiểu mình nghĩ gì. Thơ là nơi tôi có thể gửi đi những thông điệp, những bí mật của cảm xúc cùng những khám phá mới tầng sâu của cảm thức”.
Nhà thơ nhận biết sự biến chuyển tinh tế của vạn vật để rồi diễn tả xác thực các trạng thái tâm trạng của cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình:
“Một hôm em qua
Trời xanh xanh thế
Hồn tôi như mây
Về đó cơn say
Hồn tôi như mưa
Như nắng em đùa
Phố nghiêng phố nghiêng
Áo người như lụa”.
Nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Thiên nhiên trong bài “Ru trên đồi hoa vàng” lại mang vẻ đẹp hiền hòa, tĩnh lặng, đem đến cảm giác thanh bình với trời xanh, mây rộng, gió lộng hòa vào tiếng ru à ơi. Tất cả đã hòa quyện cùng nhau tạo nên khung cảnh thiên nhiên khiến con người không khỏi xao xuyến.
“Trời à ơi xanh
Mây à ơi rộng
Nghe chiều gió lộng
Qua triền sông anh”.
Những câu thơ gợi lên sự êm dịu, bình yên, ngọt ngào dễ cho người đọc liên tưởng tình mẫu tử qua khung cảnh người mẹ đưa nôi cùng những lời ru ầu ơ và câu chuyện cổ tích diệu kỳ, nuôi dưỡng tâm hồn, gợi ra từ những gì thân thuộc nhất gắn với không gian tuổi thơ của mỗi một con người.
Qua những hình ảnh thơ giàu cảm xúc và suy tư sâu lắng, chúng ta có thể thấy rõ đặc trưng của thơ Quỳnh Nga. Đó là sự hòa quyện và kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và khung cảnh thiên nhiên.
Thiên nhiên trong thơ trữ tình Quỳnh Nga đẹp, chân thực tự nhiên, những gam màu sặc sỡ và sinh động đến lạ thường.
Có hoàng hôn màu hổ phách
Và bình minh màu mận đỏ hiên nhà
Có niềm xanh từ lá
Trong các mùa trong năm, mùa thu được nhà thơ chọn làm điểm nhấn để cảm nhận thời khắc giao mùa. Nếu mùa xuân là của sự sống, cây đâm chồi nảy lộc; mùa hạ là mùa của hoa thơm trái ngọt; mùa đông là mưa dầm gió bấc thì mùa thu là mùa rụng đầy gió xanh.
Nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga (còn có bút danh là Hoàng Song Quỳnh), sinh năm 1978, quê quán xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Chị hiện là nhân viên kế toán của một trường mầm non ở TP. Mỹ Tho. Trong tháng 7 vừa qua, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi tọa đàm về tác phẩm của nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Buổi tọa đàm có 8 tham luận của các nhà thơ như: Lê Ái Siêm, Trương Trọng Nghĩa, Võ Tấn Cường, Nguyễn Thanh Hải, Vương Huy, Minh Đức… cùng nhiều ý kiến phát biểu của những bạn đọc, bạn viết. Nội dung chính tập trung đánh giá về giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật qua 2 tập thơ đã xuất bản của Huỳnh Thị Quỳnh Nga là “Cắt dọc mùi hương” và “Nguyên bản xanh”. Đây cũng là dịp giao lưu, gặp gỡ giữa nhà thơ và người yêu thơ để cùng trao đổi về các vấn đề liên quan đến đặc trưng của thơ và công việc sáng tác thơ của nhà thơ. |
Bài thơ “Nghe mùa thu rụng đầy gió xanh” đã mang giây phút giao mùa sang thu chạm đến sự rung động của người đọc. Dấu hiệu chuyển mùa của nhà thơ là các mùi cỏ, mùi sen, mùi trăng, mùi quả chín, vừa mộc mạc, vừa quen thuộc:
“Nghe dấu cỏ thơm hương
Mùi sen. Mùi trăng trong vườn khuya
Và mùi quả chín
Trên chiếc đĩa tôi cầm
Trên tường vàng...”.
Với mùa thu, nhà thơ còn được thể hiện qua những cảm nhận tinh tế và thái độ ngợi ca qua hai câu thơ đầu trong bài “Hãy nói với mùa thu”.
“Tôi bắt đầu nói với mùa Thu
Rằng tháng Chín hoa cúc vàng như đốm nắng”
Mùa thu cũng là thời khắc hoa cúc khởi mùa khoe sắc. Phải chăng, hương sắc mùa thu ẩn vào những đóa cúc khiến bao người xuyến xao, mê đắm? “Hoa cúc vàng” được tác giả so sánh “như đốm nắng”, phải chăng tác giả là người yêu hoa mới cảm nhận được sắc nắng mùa thu đã đọng lại trên những cánh hoa cúc để lại dấu ấn khó phai trong lòng.
Cả 2 bài thơ về mùa thu dường như tác giả đã mở rộng mọi giác quan để cảm nhận và nắm bắt tất cả vẻ đẹp mà thiên nhiên tạo hóa ban tặng. Nhà thơ phác họa những bức tranh thiên nhiên vào mùa thu không chỉ tái hiện vẻ đẹp vốn có của đất trời, mà còn gửi gắm những suy tư, nuối tiếc và day dứt nhất ở hình ảnh:
“Dẫu biết em đâu có đợi
Mà chiều lênh láng mùa Thu
Tôi hiểu điều giá như
Đừng để em đi
Rời tay thuở đó”.
Thiên nhiên trải ra trước mắt tác giả bao la, tràn đầy âm thanh, màu sắc rồi thêm vào đó là sự xuất hiện bóng dáng con người suy tư, chiêm nghiệm về con người, cuộc sống. Dường như chỉ có thiên nhiên mới cảm thông và thấu hiểu được nỗi niềm tác giả như là một người bạn chân chính; dường như chỉ có thiên nhiên mới xứng đáng được nhà thơ phô bày tâm sự của mình.
Ta đã thấy, đã bắt gặp tình yêu trong trẻo, thuần khiết của nhà thơ đằng sau cảnh sắc thiên nhiên bởi thiên nhiên trong thơ Quỳnh Nga không bao giờ là thiên nhiên thuần túy. Nó còn là khung cảnh của tâm trạng con người ở vùng Tây Nguyên vắng lặng giữa đêm mưa nghe rõ “thác đổ”, “mưa thở”, tạo ra nơi ký thác cái tôi trữ tình của tác giả.
“Đêm nay bên em
Nghe triền thác đổ
Nghe cơn mưa thở
Rơi hạt nồng nàn”.
(Đà Lạt tôi và em)
Tác giả mượn khung cảnh Đà Lạt để ao ước về một hạnh phúc đơn sơ, trong căn phòng ấm áp bên người bạn gái. Bởi theo tác giả, thiên nhiên là hiện thực trong sạch, là đối tượng lý tưởng, người bạn dịu dàng tình tứ để gửi gắm, bày tỏ những cảm xúc trữ tình.
Các tác phẩm của Quỳnh Nga nói chung, hai tập thơ “Cắt dọc mùi hương” và “Nguyên bản xanh” nói riêng ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ. Đó cũng là biểu hiện của một con người biết gạt bỏ những ưu tư, phiền muộn của đời thường để hòa điệu cùng với sự vận động của thiên nhiên.
Do đó, thơ của Quỳnh Nga tác động đến người đọc vừa bằng sự nhận thức cuộc sống, vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc, suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và tưởng tượng phong phú, vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu.
LÊ QUANG HUY