.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử

Cập nhật: 13:54, 13/12/2023 (GMT+7)

Năm 2023 là tròn 10 năm đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh, thành vùng Nam bộ đã đề ra nhiều giải pháp duy trì, phát huy giá trị di sản văn hóa này, tiếp tục khẳng định sức sống văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy giao lưu văn hóa với thế giới.

LAN TỎA PHONG TRÀO ĐCTT

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang năm 2022.
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang năm 2022.

Theo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu nghệ thuật, ĐCTT là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo ra đời vào cuối thế kỷ XIX ở Nam bộ bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và dân ca Nam bộ, mang dấu ấn của thời cha ông ta mở cõi đất phương Nam.

Trải qua hơn 100 năm định hình và phát triển, di sản ĐCTT được nhiều thế hệ nghệ nhân dày công vun đắp, sáng tạo ra nhiều trình thức hòa tấu, nhiều dạng thức sinh hoạt, sáng tác và cải biên hàng trăm làn điệu, biên soạn vô số lời ca mới thấm đậm tình người, tình đất phương Nam… Tất cả góp phần giúp cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này khẳng định vị thế và sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. 

Đặc biệt vào ngày 5-12-2013, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này cho thấy, thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này, chứng tỏ sức sống văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy giao lưu văn hóa với thế giới.

Từ khi được UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã chú trọng bảo vệ, gìn giữ và phát huy nghệ thuật này với nhiều chủ trương, chính sách thiết thực.

Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) rất quan tâm đẩy mạnh việc gìn giữ và phát huy ĐCTT bằng nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Trong đó, Sở VHTT&DL chủ trì tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang” giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025.

Đề án đã có nhiều hoạt động góp phần giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT độc đáo của tỉnh Tiền Giang nói riêng và văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ, văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa.

Theo đó, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức biểu diễn ĐCTT tại Rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho) vào tối thứ sáu hằng tuần, thu hút nhiều nghệ nhân, tài tử đờn - tài tử ca ở khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh tham gia biểu diễn, phục vụ công chúng mộ điệu đến dự xem, tham gia biểu diễn giao lưu, tạo nên không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh.

Đồng thời, tạo thành nơi để các tài tử đờn - tài tử ca rèn luyện kỹ năng, học tập kinh nghiệm nghề nghiệp, góp phần nâng chất phong trào ĐCTT, phục vụ cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh.

Từ hoạt động này, Sở VHTT&DL đã phát hiện nhiều nhân tố mới và mời các tài tử giỏi nghề tham gia biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của tỉnh; tham gia các hội thi, liên hoan ĐCTT cấp khu vực đạt nhiều giải thưởng.

Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Liên hoan Sân khấu không chuyên tại Rạp hát Thầy Năm Tú, thu hút trên 100 tài tử ở nhiều địa phương trong tỉnh tham gia biểu diễn các bài bản tài tử phục vụ công chúng, kích thích được phong trào, tạo được dư luận tốt.

Đồng thời, tổ chức Tọa đàm “ĐCTT phục vụ du lịch” với sự tham gia của gần 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý văn hóa có hoạt động du lịch, nghệ nhân, tài tử đang hoạt động ĐCTT phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh...

Ngoài ra, Sở VHTT&DL tổ chức nhiều lớp tập huấn ĐCTT ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, với trên 300 học viên dự học. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều buổi Liên hoan ĐCTT nông dân tỉnh Tiền Giang với chủ đề “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới” thu hút đông đảo nông dân tham gia biểu diễn các loại hình ĐCTT, vọng cổ…

Trưởng Phòng Quản lý văn hóa - Sở VHTT&DL tỉnh Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ khi có Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang”, phong trào ĐCTT của tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển, với số lượng các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ĐCTT trên địa bàn tỉnh tăng lên và duy trì sinh hoạt đều đặn, góp phần giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật này.

Đến nay, qua thống kê của Sở VHTT&DL, toàn tỉnh có trên 120 CLB, đội, nhóm ĐCTT, với trên 2.000 người thường xuyên tham gia hoạt động ĐCTT ở 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY

Những năm qua, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (TTVHNT - trực thuộc Sở VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT tại tỉnh nhà. Theo đó, các diễn viên, nghệ sĩ của TTVHNT tỉnh tích cực tập luyện, tổ chức biểu diễn nhiều chương trình tại Rạp hát Thầy Năm Tú.

Cụ thể năm 2022, TTVHNT tỉnh chủ trì tổ chức Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang, một trong những hoạt động tiêu biểu được TTVHNT tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm mang nghệ thuật ĐCTT tiếp cận gần hơn với công chúng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nuôi dưỡng tâm hồn của các tài tử đờn - tài tử ca, truyền nguồn cảm hứng đối với thế hệ trẻ; qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trong đời sống hiện đại.

Kỷ niệm 10 năm nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, TTVHNT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật của ĐCTT trong đời sống tinh thần tại Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung. Theo đó, TTVHNT tỉnh tổ chức Cuộc thi Ảnh thời sự - nghệ thuật với chủ đề ĐCTT trong đời sống tinh thần của người dân Tiền Giang; Triển lãm Ảnh nghệ thuật ĐCTT; giao lưu ĐCTT…

Giám đốc TTVHNT tỉnh Tiền Giang Lê Thanh Lan cho biết, thông qua các hoạt động trên nhằm tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật của ĐCTT trong đời sống tinh thần tại Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung. Đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT thông qua những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghệ nhân phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh. Qua đó, góp phần chung tay gìn giữ, phát huy giá trị ĐCTT - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thực tiễn đã chứng minh, dù xã hội hiện đại có nhiều loại hình giải trí đa dạng, nhiều màu sắc, nhưng nghệ thuật ĐCTT vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng, nhất là giới mộ điệu. Tuy nhiên, để tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể - ĐCTT, tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng Nam bộ nói chung vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trong đó, cần tạo thêm nguồn lực mới, sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của nhà nước và toàn xã hội để loại hình nghệ thuật này được bảo tồn, phát triển theo đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống song song với sự phát triển của xã hội, góp phần khẳng định sức mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

GIA TUỆ

.
.
.