.
NGHỀ CHẠM KHẮC GỖ:

Yêu nghề sẽ giữ được nghề

Cập nhật: 13:22, 15/12/2023 (GMT+7)

Nghề chạm khắc gỗ (có nơi gọi là điêu khắc gỗ) là một nghề có truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam, những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nghề chạm khắc gỗ đã có hơn mấy chục năm qua, nghề có lúc thịnh, lúc suy, nhưng vẫn được các thế hệ nghệ nhân tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ.

THỔI HỒN CHO GỖ

Cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 5 km, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo được biết đến là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật chạm khắc gỗ. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi đến đầu xóm, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng đục đẽo lách cách trên gỗ, cộng với tiếng máy cưa xoèn xoẹt, âm vang khắp ngõ xóm. Hiện trên địa bàn ấp Lương Phú B có khoảng 20 hộ tham gia làm nghề chạm khắc gỗ.

Từ những khối gỗ xù xì, không hình dáng, song qua chiếc dùi và qua bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo của người thợ lành nghề, những sản phẩm chạm khắc gỗ tại xã Lương Hòa Lạc ngày càng phong phú và đặc sắc hơn. Các nghệ nhân đã tạo hình nên những đường nét, hình dáng hoa văn trang trí tinh xảo như: Long, lân, quy, phụng; tùng, cúc, trúc, mai…

Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, xem các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình.
Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, xem các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình.

Vui vẻ kể về nghề, các nghệ nhân nơi đây rất tự hào vì sản phẩm chạm khắc gỗ của họ có mặt khắp nơi và được nhiều người biết đến mấy chục năm qua. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm những công đoạn như: Chọn gỗ, phác thảo bố cục tạo hình, đục thô và cuối cùng là chạm tinh. Mỗi công đoạn đều có những vai trò riêng, trong đó, bước tạo hình được xem là công đoạn khó nhất, tạo nên nét đặc trưng riêng của mỗi sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Nghệ nhân Phan Văn Dũng đã có hơn 30 năm làm nghề chạm khắc gỗ cho biết:  “Lúc nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học đến lớp 7 tôi nghỉ học và xin đi học nghề. Tôi theo học nghề chạm khắc gỗ của chú Nguyễn Văn Tám ở gần nhà. Gần 5 năm, tôi mới thạo nghề và theo nghề, làm nghề cho đến tận hôm nay. Với những sản phẩm nhiều họa tiết như những bộ trường kỷ, phải chạm mất cả tháng mới xong”.

ĐAM MÊ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Cần mẫn và kiên trì chinh phục khách hàng bằng sự tận tâm, đảm bảo chất lượng trong từng sản phẩm cho tới dịch vụ bán hàng, đó là cách mà những nghệ nhân chạm khắc gỗ ở xã Lương Hòa Lạc xây dựng nên uy tín và thành công của một thương hiệu như ngày hôm nay. Nghệ nhân Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Để có thể đồng hành cùng với khách hàng, chúng tôi luôn cố gắng đặt tình cảm, tâm huyết của người làm nghề với hy vọng mỗi tác phẩm đều làm hài lòng khách hàng. Chúng tôi rất yêu quý nghề của mình vì nó sáng tạo ra cái đẹp cho đời, cho người”.

Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, coi các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình (3)
Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, coi các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình.

Với những người nghệ nhân tại đây, việc làm nghề không chỉ đơn thuần là một công việc để kiếm sống mà họ còn tìm được niềm vui, đam mê gắn bó với nó. Anh Phan Phúc Thịnh, là cháu của nghệ nhân Phạm văn Dũng, dù chỉ mới 20 tuổi, nhưng anh Thịnh đã thạo nghề và là người thợ chạm khắc gỗ giỏi. Anh Thịnh chia sẻ: “Ngay từ lúc còn nhỏ, được thấy các ông, các chú làm nghề, em thích lắm, thế là theo học rồi đam mê lúc nào không hay. Niềm vui chính là được thả cái tâm, cái ý của mình vào sản phẩm. Mình làm bằng cái tâm và hết khả năng của mình, kiên trì, nếu không ưng thì sửa lại cho đến khi được mới thôi”.

Nói về nghề của mình, các anh tâm sự: “Nghề này nói “khó không khó, nói dễ không dễ”, người có năng khiếu sẽ học nhanh hơn, còn người “tay ngang”, quan trọng nhất là phải kiên trì. Chỉ khi kiên trì, người học mới không chán, học từ các bước cơ bản đến nâng cao, làm lần đầu chưa được thì tiếp tục làm lần nữa. Cứ như vậy, khi có ý tưởng sẽ có nhiều sáng tạo, thực hiện nhiều mẫu mã, đường nét chạm khắc trên gỗ tinh xảo hơn”.

KHÔNG ĐỂ NGHỀ MAI MỘT…

Nghề chạm khắc gỗ ở xã Lương Hòa Lạc đã có từ lâu, tuy nhiên, hiện nay nghề chạm khắc gỗ nơi đây đang hoạt động cầm chừng, do nhiều nguyên nhân. Theo nghệ nhân Phan Văn Dũng, để giữ gìn khôi phục và phát triển là nghề truyền thống chạm khắc gỗ, trăn trở lớn nhất của những nghệ nhân nơi đây là đào tạo lớp kế thừa để truyền nghề và cần những điểm tập trung trưng bày sản phẩm kết nối giao thương, nguồn nguyên liệu, mở các lớp tập huấn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm… Từ đó sẽ giúp mở mang tư duy về sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở các lớp đào tạo nhằm nâng cao tay nghề; đồng  thời chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo phát triển nghề ngay cả khi vẫn đang hoạt động chứ đừng để khi nghề đã mai một rồi mới quan tâm, thì lúc đó đã quá muộn.

Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, coi các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình (2)
Các nghệ nhân tỉ mỉ chạm khắc trong từng công đoạn, coi các sản phẩm như đứa con tinh thần của mình.

Để hòa nhập xu thế phát triển, những nghệ nhân nơi đây đã chủ động có nhiều giải pháp giữ nghề và phát triển nghề. Các hộ sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Tích cực tìm tòi và ứng dụng những công cụ hiện đại vào quy trình sản xuất nhằm tăng cường độ chính xác cũng như tiến độ làm việc. Tuy nhiên, những khâu chế tác và tạo hình vẫn được đảm bảo chế tác hoàn toàn bằng tay người thợ lành nghề để đảm bảo giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề điêu khắc gỗ, các nghệ nhân cũng rất chú trọng đến khâu đào tạo và truyền nghề cho lớp thợ trẻ.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.