Hương của tết
Khi những cơn gió cuối năm mang theo cái se se lạnh tạo cảm giác man mát và háo hức. Khi đó cũng là lúc đất trời bước vào xuân. Người người, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị để đón Tết với mong muốn một năm mới được an lành, sung túc.
Ở quê tôi, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thế nhưng mai vàng thì nhiều lắm, nhà nào cũng có, mai mọc ngoài vườn, mọc xung quanh nhà, thậm chí có nhà trồng thành hàng rào. Mấy đứa nhỏ trong xóm tôi thích lặt lá mai nhất, vẻ mặt đứa nào cũng hớn hở vì chúng biết tết sắp về.
Bắt đầu qua tháng Chạp, người nguời, nhà nhà đi tảo mộ để chuẩn bị tết cho ông bà, đó cũng là cách để tỏ lòng tôn kính, nhớ ơn tổ tiên. Tảo mộ cũng không bắt buộc ngày nào cụ thể, tùy vào công việc của từng nhà mà sẽ sắp xếp thời gian cho phù hợp nhất. Nhà tôi thì thường tảo mộ vào 25 tháng Chạp. Trước khi làm cỏ và lau chùi mồ mã, ba má tôi thắp nhang và đem bánh ra cúng, rồi bắt đầu công việc tảo mộ.
Trước sân, má tôi phơi một mâm củ kiệu ướp đường cát, má nói làm bây giờ mới kịp ăn tết, làm trễ quá củ kiệu không thấm, sẽ không ngon. Tôi phụ má trộn lên cho đều, hương thơm củ kiệu làm tôi liên tưởng đến món thịt kho hột vịt. Gần tết, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác đều kho một nồi thịt kho ba rọi với nước dừa. hương thơm của nồi thịt thơm lừng, khó tả.
Từ giữa tháng Chạp là lúc những nhành mai trơ trụi lá, ngày xưa, ba tôi nói canh mai nở ngay những ngày tết là cả một nghệ thuật của người trồng mai, phải xem thời tiết, độ trưởng thành của mai, nụ nhỏ hay to, có khi phải tưới nước ấm… Thỉnh thoảng, có những cơn mưa xuân lất phất như rửa đi lớp bụi của ngày thường và tưới mát cho cây đâm chồi nảy lộc, cùng nhau khoe sắc trong những ngày đầu năm mới.
Để chuẩn bị tết, chị tôi đem mùng, mền, chiếu, gối ra giặt cẩn thận ở bờ ao và phơi trên những chiếc sào tre trước sân nhà. Tháng này nước trong ao trong vắt, giặt giũ rất thoải mái. Anh ba khệ nệ vác buồng dừa cứng cạy vào nhà, tôi chạy nhanh lại chặt lấy nước uống, còn cái dừa, tôi và anh ba ngồi cạy ra hết để má làm mức dừa chuẩn bị cúng đưa Ông Táo về Trời.
Ba tôi mang bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên xuống chùi tỉ mỉ, tôi ngồi bên ba học ba cách chùi bộ lư đèn sao cho sáng bóng mà không bị mòn, bị xước. Trên bàn thờ được mẹ lau chùi sạch sẽ, mẹ lấy bát hương xuống, lấy chân nhang cho vào một chiếc thau nhôm chỉ chừa lại ba chân nhang ở giữa bát hương. Sau đó, mẹ đặt bát hương lên bàn thờ lại, chân nhang thì mẹ để đến ngày 23 tháng Chạp sẽ đốt đi để tiễn Ông Táo về Trời, bắt đầu vận hành một năm mới.
Những ngày cuối năm, chợ quê bắt đầu đông đúc hẳn lên. Người ta hay nói nhìn vào chợ tết là biết năm đó cuộc sống dân ta như thế nào. Vì vậy, càng cận tết thì chợ càng đông, chợ tấp nập cho đến tận đêm giao thừa. Người mua nếp, đậu, trứng, người mua trái cây, vài chậu hoa, vật dụng trang trí nhà cửa và đồ để cúng ngày 28 tết - ngày rước ông bà.
Mấy anh chị tôi lập gia đình ở xa cũng tề tựu về nhà để phụ ba má dọn dẹp và ăn tết. Ngoài đường, những đứa con đi làm ăn xa dần trở về quê để đón tết bên gia đình mình, cảnh quê rộn rã hẳn lên, tiếng chào hỏi nói cười vang khắp xóm. Thi sĩ Nguyễn Bính ngày xưa cũng từng ấm lòng khi nhìn thấy cảnh sum vầy trong những ngày tết qua bài “Thơ xuân”
“Pháo nổ đâu đây,
khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi,
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét
chẳng phai.”
Thời khắc cuối năm sao mà tôi cảm thấy thiêng liêng quá! Ông bà, cha mẹ, cẩn trọng soạn mâm cúng giao thừa. Ba kêu tôi múc nước cho mấy lu nước cho đầy, không được để cạn nước. Mâm ngũ quả cũng được ba thận trọng đặt lên bàn thờ. Trên ti vi, những bài nhạc xuân vang khắp muôn nơi, những âm thanh lạ mà quen, như từ ngàn xưa đọng lại trong tâm thức của người Việt.
Hương thơm từ nhang trầm hương, hương bánh tét vừa được vớt ra từ nồi bánh mà anh chị em tôi ngồi canh từ đầu hôm tới giờ, bay tỏa khắp nhà. Tôi tự hỏi, cũng là mùi hương hằng ngày mình hay ngửi thấy, nhưng sao hôm nay lại cảm thấy vô cùng thiêng liêng và xúc động, hay đó là do hương của tết…
VÕ TRUNG HẢI