.

Năm Thìn nhìn về "Cồn Rồng"

Cập nhật: 10:00, 21/02/2024 (GMT+7)

Là một trong “tứ linh” nổi tiếng trên sông Tiền, ngày nay với thế mạnh dịch vụ và du lịch, cồn Tân Long (Cồn Rồng) với tên gọi là phường Tân Long thuộc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã vươn mình phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

KÝ ỨC “CỒN RỒNG”

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, “Cồn Rồng” bắt đầu nổi lên từ năm 1788, có hình dáng con rồng, nên khi Nguyễn Ánh đi qua đây đã đặt tên là Long Châu, dân gian hay gọi là “Cồn Rồng”.

Phường Tân Long nhìn từ phía TP. Mỹ Tho.
Phường Tân Long nhìn từ phía TP. Mỹ Tho.

Năm 1792, Nguyễn Ánh cho xây thành Trấn Định, đối diện cù lao vừa mới hình thành. Theo sách Gia Định thành thông chí chép lại: “Cù lao này ở ngay trước trấn, làm cái án gần cửa trấn. Khi trước cửa sông Mỹ Tho sâu rộng, có cặm 7 miệng đáy, thuyền buôn qua lại phải đậu nghỉ ở đây để hóng mát xem trăng, đợi nước thuận mới đi lên hoặc xuống.

Từ năm Mậu Thân 1788 trở lại đây, phù sa bồi lấp ngày càng cao lớn, hình thế như con rồng nằm, vì vậy Thế tổ Cao hoàng đế mới ban cho tên là Long Châu. Cù lao dài gần 2 dặm, che kín trấn sở, ngăn chặn sóng dữ, nghiễm nhiên là chỗ danh thắng. Nhà địa lý nói: Cửa sông mà có cồn cát nổi lên cao, đất ấy ắt sẽ thịnh vượng”.

Trong những năm 40 của thế kỷ XX, thấy “Cồn Rồng” vẫn còn hoang vu, đầy cỏ lau, nên thực dân Pháp đã chọn cồn là nơi cách ly những người bệnh phong từ các tỉnh Nam kỳ về ở và cho xây phía cuối cồn bệnh viện để quản lý và chữa trị. Năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, người Nhật đưa những người bệnh phong về Trại phong Quy Hòa (nay là tỉnh Bình Định), “Cồn Rồng” lại bị bỏ hoang từ đó.

Những năm sau đó, một số người dân nghèo không có đất đai ở đất liền bắt đầu ra “Cồn Rồng” để sinh sống và lập thành một làng sống bằng nghề đánh bắt, chài lưới, trồng cây ăn trái… Nhờ thiên nhiên, tạo hóa ưu ái ban tặng dần dần cư dân đến đây định cư, sinh sống ngày càng đông đúc. “Cồn Rồng” có diện mạo mới từ năm 2005 khi không còn là một xã vùng ven nữa, mà trở thành một phường trực thuộc TP. Mỹ Tho có 803 hộ dân và là một phường trọng điểm của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với tên gọi Tân Long như hôm nay.

PHƯỜNG TÂN LONG VƯƠN MÌNH

Nằm giữa bốn bề sông nước mênh mông, phường Tân Long được bao bọc xung quanh là những rặng cây thủy liễu (còn gọi là cây bần) và vườn cây ăn trái với nhà cửa san sát. Bến phà Tân Long được đầu tư bài bản ở đường Trưng Trắc (TP. Mỹ Tho) hoạt động thường xuyên, được xem là mắt xích giao thương đi lại quan trọng của người dân phường Tân Long. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn phường đã được bê tông hóa giúp việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Vinh 85 tuổi, lập nghiệp ở phường Tân Long vào những ngày đầu mới thành lập, phấn khởi cho biết: “Trước đây, có ai nghĩ rằng “Cồn Rồng” nằm giữa sông Tiền lại có bộ mặt khang trang như hôm nay. Đặc biệt, hệ thống bờ kè đã giúp người dân yên tâm, không còn nơm nớp lo sợ cảnh sạt lở vào mùa mưa bão”.

Chủ tịch UBND phường Tân Long Lai Thanh Thủy cho biết: Ngành nghề chính của người dân trên địa bàn phường chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt hải sản, đóng sửa ghe tàu; dịch vụ du lịch, vận chuyển hàng hóa...

Hiện kinh tế phường phát triển với nhiều cơ sở sản xuất và dịch vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Số hộ nghèo, cận nghèo của phường hiện đã được kéo giảm chỉ còn 12 hộ đang được các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ ổn định cuộc sống.

Phường Tân Long có 25 phương tiện đánh bắt thủy hải sản với sản lượng đánh bắt trong năm 2023 đạt 13.725 tấn; cả phường có 135 bè cá nuôi trên sông (chủ yếu là cá điêu hồng), sản lượng thu hoạch trong năm 2023 đạt 4.300 tấn cá… Giá trị khai thác hải sản và nuôi thủy sản năm 2023 của phường hơn 432,4 tỷ đồng. Hiện nay, phường có khoảng 45,32 ha trồng cây ăn trái nhãn, dừa, bưởi...

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của phường trong năm 2023 đạt 433,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phường còn một số hộ kinh doanh dịch vụ tiêu dùng xã hội, bán lẻ hàng hóa với tổng mức bán lẻ hàng hóa, kinh doanh dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 đạt 152,3 tỷ đồng.

Trong năm 2023, UBND phường Tân Long đã vận động nhân dân xây dựng, sơn sửa nhà ở, hàng rào… tạo mỹ quan trên địa bàn phường khang trang sạch đẹp, góp phần cùng TP. Mỹ Tho chỉnh trang đô thị văn minh, sạch đẹp.

Về những dự định trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân phường Tân Long tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào phát huy thế mạnh thương mại, dịch vụ là chủ yếu. Nằm trong cụm du lịch cồn “tứ linh” trên sông Tiền, phường Tân Long cũng là nơi khách du lịch trong và ngoài nước thích đến tham quan.

Nhờ vậy, cả phường có hơn 100 hộ liên kết với các công ty du lịch để tham gia vận chuyển khách du lịch bằng đò, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một bộ phận người dân trong phường.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân phường Tân Long ngày càng được nâng cao. Không dừng lại ở đó, phường còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng môi trường an toàn, xanh - sạch - đẹp và thoáng mát.

Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Ngoài ra, người dân phường Tân Long cũng quan tâm tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn cũng được tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Phường Tân Long đang vươn mình phát triển từng ngày. Tin rằng, với những chính sách đầu tư, phát triển trong tương lai không xa, phường Tân Long sẽ có nhiều đột phá hơn nữa, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

V.PHƯƠNG

.
.
.