.

Tập trung quản lý lễ hội đầu xuân

Cập nhật: 15:29, 17/02/2024 (GMT+7)

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ VH-TT-DL đã phối hợp với địa phương, bộ ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 theo đúng quy định của pháp luật, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, nghĩa tình, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

a
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy

Phóng viên: Sau Tết Nguyên đán, nhiều nơi trong cả nước tổ chức hàng loạt lễ hội. Bộ VH-TT-DL có biện pháp quản lý ra sao để các lễ hội diễn ra đúng quy định của pháp luật và phù hợp với phong tục, tập quán địa phương?

Bà TRỊNH THỊ THỦY: Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ra văn bản gửi sở VH-TT-DL, sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu khẩn trương tham mưu, tổ chức triển khai nhiều nội dung liên quan.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của nhân dân và du khách trong quản lý và tổ chức lễ hội. Yêu cầu ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…

Ở các địa phương cũng ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024, phân công các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân đảm bảo yêu cầu, quy mô, nội dung, hình thức đón Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người dân trong các hoạt động vui Xuân, đón Tết Nguyên đán.

Câu chuyện về đốt hàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường đã được nhắc nhở nhiều năm nay, song tình trạng này dường như chưa có nhiều tiến triển tích cực?

Đối với tập tục lâu đời là đốt hàng mã, việc đẩy lùi, loại bỏ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều biến tướng, hàng tỷ đồng bị đốt thành tro mỗi năm thì việc phải hạn chế, dần dần tiến đến loại bỏ tục đốt hàng mã là rất cần thiết.

Nhiều năm qua, Bộ VH-TT-DL đã ban hành nhiều công văn gửi các địa phương để hướng dẫn, tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt hàng mã. Tại một số “điểm nóng” như đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Bảo Hà (Lào Cai), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An)…

Bộ VH-TT-DL luôn lưu ý các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội phải có giải pháp tuyên truyền, hạn chế việc người dân đốt hàng mã tràn lan, gây lãng phí.

a
Hàng ngàn du khách dự khai hội chùa Hương Tích ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Theo bà, giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh trật tự, an toàn xã hội?

Hàng năm, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì và chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ, sở VH-TT-DL, sở VH-TT các địa phương phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó tập trung ở những di tích, lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông người.

Đối với một số vấn đề còn tồn tại đây đó ở một số lễ hội như dâng sao giải hạn, khấn thuê, đốt hàng mã không đúng quy định, Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hướng dẫn cơ sở thờ tự Phật giáo không để việc tổ chức dâng sao, giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tại buổi họp giao ban đầu xuân, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận song toàn ngành không được lơ là, tập trung vào công tác quản lý lễ hội đầu xuân. “Mùa lễ hội còn kéo dài, đặc biệt trong tháng Giêng, vì vậy trong thời gian tới, các cục, vụ chức năng cần tập trung chấn chỉnh, quản lý lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, không được để xảy ra sai phạm. Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa có các giải pháp kịp thời, bám sát cơ sở để chủ động nắm bắt tình hình, thực trạng các lễ hội; nếu có bất cập, vấn đề phát sinh nhanh chóng báo cáo lãnh đạo bộ để chấn chỉnh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về du lịch, Bộ VH-TT-DL yêu cầu tăng cường quản lý điểm đến và thực hiện tốt hơn nữa nội dung quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo vấn đề tăng tốc du lịch, hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao, nhất là mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.