.

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao Huy hiệu Đảng đến nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Cập nhật: 21:52, 14/03/2024 (GMT+7)

Chiều 14-3, Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM tổ chức Lễ trao Huy hiệu 70 năm và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến đồng chí Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang), trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đến đồng chí Lê Văn Gắt (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) đợt 19-5-2024, tại nhà riêng ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc trao Huy hiệu Đảng đến hai đồng chí Lê Giang và Lư Nhất Vũ tại nhà riêng ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự và trao Huy hiệu Đảng có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Lễ trao Huy hiệu Đảng diễn ra trong không khí ấm cúng và đầy ý nghĩa khi lãnh đạo TPHCM, tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM và Hội Nhà văn TPHCM ân cần thăm hỏi, gửi lời chúc mừng đến hai đồng chí Lê Giang và Lư Nhất Vũ.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương trao Huy hiệu 70 năm và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến đồng chí Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang) và trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đến đồng chí Lê Văn Gắt (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên xúc động điểm lại cuộc đời cách mạng và sự nghiệp của hai đồng chí.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao Huy hiệu 70 năm và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến đồng chí Lê Giang. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây là trường hợp đặc biệt vì trao Huy hiệu Đảng cho hai đảng viên đã gắn bó bên nhau suốt 50 năm qua. Cả hai đồng chí cùng vượt qua bao thử thách, cùng viết nên câu chuyện tình tuyệt diệu về tình đồng chí, nghĩa vợ chồng, tình thủy chung, son sắt; cùng chung lẽ sống, lý tưởng. Hai tâm hồn đồng điệu cùng là nghệ sĩ đầy tâm huyết, tận tụy, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà.

Sau khi nghỉ hưu, điều đặc biệt ở hai đảng viên Lê Giang và Lưu Nhất Vũ là đã cùng nhau trong một hành trình vô cùng ý nghĩa. Đó là đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm, sưu tầm dân ca và làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ, Biên niên sử âm nhạc: Hành khúc giải phóng; cùng nhau viết nên những ca khúc để đời như Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất phương Nam

a
Nhà thơ Lê Giang xúc động và cảm ơn Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hai đồng chí đã tặng thư viện riêng của gia đình gồm sách, tài liệu dân ca sưu tầm hơn 40 năm cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM. Thư viện này gồm các tác phẩm về công trình sưu khảo, chuyên khảo dân ca Nam bộ và Việt Nam, tài liệu nghiên cứu lý luận âm nhạc, băng đĩa ca nhạc, phim tài liệu, bút tích tác phẩm...

Cuộc đời nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là tấm gương sáng về nhân cách sống, bổn phận làm người, đạo đức cách mạng, là đảng viên cộng sản kiên trung, là cán bộ lãnh đạo, quản lý mẫu mực, với cuộc sống giản dị, trong sáng, chan chứa tình yêu thương và trách nhiệm. Hai đồng chí là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, được đồng chí, đồng đội, đồng bào kính phục, yêu quý, xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ học tập, noi theo.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao Huy hiệu Đảng đến đồng chí Lư Nhất Vũ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc hai đồng chí thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Đồng thời cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các cấp ở Bình Dương và TPHCM đã thường xuyên quan tâm, chăm lo chính sách cho hai đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng mong muốn, cấp ủy, chính quyền các cấp của hai địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa để hai đồng chí và gia đình yên tâm trong cuộc sống, cống hiến cho Đảng, đất nước, sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ân cần thăm hỏi, chúc mừng hai đồng chí Lê Giang và Lư Nhất Vũ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ xúc động khi hai vợ chồng cùng nhận Huy hiệu Đảng, đây là ngày đáng ghi nhớ của một đời người. Nhạc sĩ đọc lại hai câu thơ của đồng chí Lê Giang: "Đời cho ta được nâng niu/nâng niu cho đời ta được". Đồng chí cũng bày tỏ xúc động khi là người phổ nhạc rất nhiều bài thơ nổi tiếng của đồng chí Lê Giang.

Xúc động nhận Huy hiệu Đảng, đảng viên Lê Giang chia sẻ, dù chân yếu, hay đau nhưng bản thân phải để đầu óc, tâm trí luôn tỉnh táo, không bị đau. Phải giữ cái đầu mạnh hơn cái chân của mình để tiếp tục sống, cống hiến cho đời.

Nhân buổi lễ ấm cúng và đầy ý nghĩa, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cũng tổ chức chuyển giao hồ sơ đảng viên của đồng chí Trần Thị Kim và đồng chí Lê Văn Gắt về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương theo quy định của Điều lệ Đảng.

Nhà thơ Lê Giang sinh ngày 8-2-1930 tại xã Thạnh Phú, nay thuộc TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1945 và đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 1949.

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí công tác tại quê nhà. Sau Hiệp định Genève (1954), đồng chí tập kết ra Bắc. Đồng chí từng là Trưởng Khoa bệnh viện miền Nam tại Thanh Hóa và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Năm 1964, đồng chí trở lại miền Nam công tác, giữ chức vụ Thường vụ Đảng ủy, Phó Văn phòng, Quyền Chánh Văn phòng Ban Dân y miền Nam. Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến cứu nước, đồng chí chuyển sang công tác lĩnh vực văn học nghệ thuật, là biên tập viên chính của Tiểu ban Văn nghệ miền Nam.

a
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ký tặng sách đến Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí công tác tại Báo Văn nghệ Giải phóng và Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đến năm 1990 nghỉ hưu. Sau đó, đồng chí tiếp tục làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

Hơn 50 năm hoạt động không ngừng nghỉ, nhà thơ Lê Giang là tác giả của hàng chục tác phẩm với nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật nổi tiếng. Đến nay xuất bản nhiều tập thơ như Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong; cùng với nhiều bút ký và biên khảo như Tìm ngọc ở quê mình, Bộ hành với ca dao, 250 điệu Lý quê hương; Tìm hiểu dân ca Nam bộ; Dân ca người Việt ở Nam bộ…

Đặc biệt, nhiều bài thơ trữ tình của Lê Giang luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ, trong đó có nhiều bài được phổ nhạc hoặc do Lê Giang viết lời như: Em vẫn đợi anh về (Hoàng Hiệp), Tiếng sáo (Phạm Minh Tuấn), Chiều xuống Đa Nhim (Xuân Hồng), Ngày mai anh lên đườngThành phố tình yêu (Thanh Trúc), Mẹ cho con câu hát quê mùa (Lư Nhất Vũ).

a
Lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm trước nhà đồng chí Lư Nhất Vũ ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13-5-1936 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1953, khi đứng trước ngôi mộ của một đồng chí du kích vừa mới hy sinh, chàng trai trẻ Lư Nhất Vũ đã làm bài thơ Mồ chiến sĩ. Sau đó, theo tiếng gọi của non sông, đồng chí đã tham gia cách mạng khi còn rất trẻ và đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 1976.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí trải qua những thăng trầm. Sau Hiệp định Genève (1954), đồng chí tập kết ra Bắc tham gia Thanh niên xung phong; sau đó tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và công tác ở Đoàn ca múa miền Nam.

Đến năm 1970, đồng chí được phân công trở về miền Nam công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí được phân công về công tác ở Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TPHCM) với các cương vị là Phân viện Trưởng Phân viện Âm nhạc tại TPHCM, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TPHCM, Đảng ủy viên Khối cơ sở Bộ Văn hóa Thông tin.

Quá trình hoạt động văn học nghệ thuật, đồng chí Lư Nhất Vũ là tác giả của hơn 20 tác phẩm nổi tiếng như: Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Đất phương Nam, Sáng ra công trường, Gửi bạn Algérie, Chiếc khăn rằn, Tưởng nhớ Trần Văn Ơn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Khúc hát người đi khai hoang.

Công lao của đồng chí Lư Nhất Vũ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận, đánh giá cao; được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 và nhiều giải thưởng huân chương, huy chương khác. Trong đó có Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh; Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.