Tiền Giang: Tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa
Tỉnh Tiền Giang hiện có 187 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 20 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 165 di tích cấp tỉnh. Trong đó, các di tích gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử - văn hóa đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...
Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc (TX. Cai Lậy) được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2022. Ảnh: VĂN THẢO |
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có 212 lễ hội dân gian, 9 lễ hội cách mạng; trong đó, có 5 lễ hội được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Kỳ Yên đình Vĩnh Bình, Lễ hội Kỳ Yên đình Long Trung và Lễ hội Tứ Kiệt.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm gắn với phát triển du lịch, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Tiền Giang còn là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông, dệt chiếu Long Định… đó là những lợi thế để phát triển du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề, trước hết cần quan tâm tìm kiếm nguồn kinh phí từ Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi đi đến các khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề để đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng như: Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp để nâng tầm trở thành lễ hội có tầm cỡ trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó tổ chức khai thác gắn với phát triển du lịch.
Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành (huyện Chợ Gạo). |
Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng cho địa phương.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hàng du lịch, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và ngược lại. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển du lịch còn rất lớn.
Biểu diễn chèo xuồng tại một kỳ Lễ hội Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè). |
Điều đáng nói, một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc…, song chưa được phát huy một cách đúng mức, để trở thành tài nguyên du lịch.
Để khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức nhiều đoàn khảo sát cũng như đón tiếp, mời gọi các đơn vị du lịch lớn của các tỉnh, thành khảo sát và kết nối tour. Đồng thời, tham gia các sự kiện, lễ hội du lịch để góp phần quảng bá và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch của tỉnh...
HỮU NGHỊ