.

Ký ức đẹp về chiếc điện thoại bàn

Cập nhật: 14:09, 10/04/2024 (GMT+7)

(ABO) Cái thời những năm 2000, cả xóm mình chỉ duy có nhà bác Bảy Cần giữa xóm là có điện thoại bàn. Chiếc điện thoại màu bạc được lót khăn ngay ngắn, đặt trang trọng ở trên kệ tủ nơi góc phòng khách. Kể từ đó, mọi thông tin liên lạc từ những người xa xứ đều chờ bác Bảy phóng lên chiếc xe đạp cà tàng đi kêu người thân của họ tới, mòn mỏi chờ gọi lại để hỏi thăm nhau vài câu, vài thông tin quan trọng, ngắn gọn… rồi tắt vì nói nhiều sẽ tốn tiền.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Tôi cũng vậy, năm đầu đại học ở thành phố, mỗi lần trường có lịch học dày đặc không về quê được, tôi sẽ đi bộ ra trạm điện thoại công cộng gần chỗ trọ, bấm số gọi về cho bác Bảy báo tin cho má hay, hoặc nhờ bác Bảy chạy đi kêu má dùm, tôi thường sẽ đem theo cuốn truyện Đoremon ngồi đọc luôn trong trụ điện thoại, canh độ chừng 20 phút để má ra tới là gọi lại.

Mỗi lần về quê má hay kể, hễ thấy bác Bảy đạp xe quẹo vô sân là má mừng lắm, công việc gì cũng bỏ lại, nhét vội ít tiền trong túi là đi liền vì sợ tôi đợi, và vì lo không biết tôi ở xa nhà có khỏe không, có chuyện gì không... Hành trang của những đứa trẻ xa quê, rời khỏi ba má đi tìm con chữ ngoài quần áo, ít bánh kẹo, tiền,… còn có số điện thoại bàn của một gia đình khá giả nào đó trong xóm, được ghi cẩn thận, nắn nót vào quyển sổ tay, như cách duy nhất để an ủi rằng mình sẽ nghe được giọng người thân dù ở cách xa nhau...

Ngày đó, nhà ai có được chiếc điện thoại bàn thì không chỉ nhà đó mừng mà cả xóm mừng lây. Không mừng sao được, khi những người con rời quê hương cả năm không thể về thăm nhà, giờ đây có thể gọi điện thoại về để nghe được giọng nói, hỏi thăm ba má khỏe không... chỉ nghe được tiếng thôi là cũng vui và an tâm biết bao nhiêu. Nếu nhờ chủ nhà đi kêu thì tính 1.000 đồng, nếu chủ động gọi lại thì 2.000 đồng cho một cuộc gọi. Cứ thế, những năm đầu xóm mình có điện thoại, cũng là một cách kinh doanh có hiệu quả, bởi cả chủ nhà và khách đều vui vì sự tiện lợi của nó.

Ngày đó, giữa Sài Gòn đông đúc ồn ào, những chiều cuối tuần đạp xe đi dạy thêm, tôi hay bắt gặp hình ảnh nhiều người xếp hàng dài trước các bốt điện thoại để chờ tới lượt gọi. Thời đó, ở Sài Gòn bốt điện thoại công cộng cũng chưa được lắp nhiều, vì thế, để được nghe giọng người thân ở quê, để thông báo tình hình học tập,…thì có đứng chờ muốn rã hai cặp giò vẫn thấy vui.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Những ký ức về năm tháng đất nước đang trên đường phát triển, quê nghèo còn nhiều khó khăn đã lùi vào dĩ vãng. Sau thời đại của chiếc điện thoại bàn là đến thời đại của những chiếc điện thoại “cục gạch” như những chiếc Nokia 1200, 1800, LG… là cả một niềm kiêu hãnh của những người sở hữu. Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G đã đưa chúng ta tiến dần đến cuộc sống hiện đại bởi công nghệ chỉ bằng vài thao tác chạm…

Giờ đây, ở đâu trên mọi miền đất nước, kể cả vượt đại dương sang bên kia châu lục, mỗi ngày, mỗi giờ, chỉ cần nhớ nhau, nhấc điện thoại gọi một cuộc “video call” thì có thể nói chuyện hàng giờ, nhìn thấy nhau rõ ràng, chân thực, có thể nhìn thấy người thân mình ốm đau, vui, buồn ra sao... Điện thoại di động giờ đã trở thành một mặt hàng vô cùng phổ biến và thiết yếu, chỉ cần bỏ ra một số tiền không quá lớn là đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh lúc nào cũng kè kè bên cạnh, thật vô cùng tiện lợi.

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G và Bộ này cũng đang đặt mục tiêu giảm dần số thuê bao này, để đến tháng 9-2024, sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới.

Mạng 2G là công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2. Đây là thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Sự ra đời và phổ biến của các công nghệ mạng di động thế hệ mới đã khiến mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế.

Thông tin này khiến cho một bộ phận người dân đang sử dụng điện thoại “cục gạch” cảm thấy hoang mang. Dĩ nhiên, vẫn còn một số người dân đang sở hữu những chiếc điện thoại "cục gạch" chỉ hỗ trợ mạng 2G với các tính năng cơ bản như gọi điện hay nhắn tin. Nhóm người dùng này chủ yếu sống ở những khu vực nông thôn, miền núi xa xôi… hoặc những người cao tuổi không muốn chuyển sang smartphone vì ngại phức tạp, khó sử dụng…

Tuy nhiên, việc tắt sóng 2G là xu thế tất yếu, không chỉ tại Việt Nam mà tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giúp phát triển các công nghệ mạng mới và thực hiện quá trình chuyển đổi số, giúp cho mọi người dân đều được tiếp cận với công nghệ hiện đại, cuộc sống sẽ ngày càng thuận tiện và đơn giản hơn.

Một chút kỷ niệm dễ thương của những ngày thông tin liên lạc còn khó khăn, bất tiện, của chiếc điện thoại bàn, trạm điện thoại công cộng… Những ngày chạy bàn, làm gia sư, phát tờ rơi… của những cô, cậu sinh viên quê nghèo để kiếm thêm chút ít tiền dành để cuối tuần gọi về quê cho ba má mãi là ký ức đẹp, để những ai đã từng trải qua cảm thấy trân quý cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại mà chúng ta được thụ hưởng hôm nay.

TƯỜNG QUÂN

.
.
.