.

Trương Trọng Nghĩa, "bay lên từ cánh đồng" quê nhà

Cập nhật: 09:42, 29/04/2024 (GMT+7)

Tại Đại hội đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 vừa diễn ra ngày 24-4, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch sau 10 năm đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch và trở thành “thủ lĩnh văn nghệ” trẻ nhất cả nước hiện nay.

NẶNG TÌNH VỚI RUỘNG ĐỒNG

41 tuổi đời nhưng Trương Trọng Nghĩa đã có 25 năm gắn bó với hoạt động văn học, kể từ ngày tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Tiền Giang khi còn là học sinh lớp 11. Để tham dự những buổi họp mặt định kỳ của câu lạc bộ tổ chức hằng tháng vào ngày chủ nhật, Nghĩa phải đạp xe mấy chục cây số. Những ngày mưa càng vất vả vì phải dắt xe qua đường ruộng lầy lội, nhưng Nghĩa hầu như có mặt đầy đủ trong các buổi sinh hoạt.

Những chuyến đi thực tế tặng quà học sinh nghèo vùng sâu, những buổi giao lưu văn học ngoài tỉnh, cậu học trò đến từ vùng quê vẫn còn rụt rè lắm mỗi khi được mời lên đọc thơ, nhưng luôn có bài đăng đều đặn trên đặc san Văn nghệ trẻ Tiền Giang và sau đó liên tục đoạt giải cao trong Cuộc thi Thơ trẻ năm 2000 (giải Nhì không có giải Nhất), rồi giải Nhất Cuộc thi Thơ trẻ lần thứ II (năm 2006). Thơ Trương Trọng Nghĩa bình dị, hồn hậu, trong trẻo, nhưng cũng ẩn chứa nhiều trăn trở, suy tư, hoài niệm. Đó là tiếng lòng tha thiết của người viết trẻ nặng tình những vấn đề của đời sống nông nghiệp, nông thôn, với mảnh đất quê nhà:

Tôi trở về làng bắt những con cà cuống ngoài đồng
Ngày xưa bữa cơm chiều
Mẹ nướng dầm nước mắm
Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm
Kí ức tuổi thơ…

Ruộng rẫy bây giờ
Không còn những chú cua đồng
Ngày xưa nhiều như rơm rạ
Đêm Đồng bằng nghe lời ru man mác:
“À ơi !…
Về rẫy ăn còng…
Về sông ăn cá về đồng ăn cua...”
[…]
Tôi đi về phía làng
Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…

Bài thơ “Phía sau làng” viết năm 2000 khi Nghĩa còn là học sinh lớp 12 và đoạt giải trong Cuộc thi thơ “Thế kỷ mới, sáng tác mới” do tuần báo Mực Tím tổ chức. Bài thơ thể hiện những cảm xúc, trăn trở, âu lo của một thanh niên trẻ bỏ làng lên phố đứng trước những đổi thay của làng quê - nơi mình sinh ra và lớn lên. “Phía sau làng” là sự tiếc nuối cái đẹp nguyên sơ, chân chất của làng quê đã phôi pha theo thời gian, theo sự biến đổi của cuộc sống. Đó là những “mảnh vỡ” trong tâm hồn con người trước sự đổi thay, những nếp cũ và mới cọ xát nhau trên giá trị mới đang hình thành. Bài thơ từ đó gợi cho độc giả ý thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển. Hơn 20 năm sau, bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình Giáo dục địa phương ở lớp 12, từ năm học 2024 - 2025.

NHIỀU TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI

Sự xuất hiện của Trương Trọng Nghĩa, bên cạnh nhiều cây bút trẻ khác như: Nguyễn Trọng Tấn, Nhật Linh (Phạm Văn Phong), Nguyễn Thị Mộng Thu, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Duy Phúc Huy, Chí Mỹ, Nguyễn Quốc Vũ, Minh Châu… vào những năm đầu thế kỷ XXI cho thấy sự phát triển của một lực lượng viết trẻ hùng hậu ở Tiền Giang, cũng là đội ngũ kế thừa cho hoạt động văn hóa - văn nghệ, báo chí sau này.

Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, cùng với niềm đam mê công nghệ thông tin, sự mày mò tìm tòi học hỏi đã trang bị cho Nghĩa kiến thức đáng kể trong lĩnh vực này, để có thể dễ dàng tìm một việc tốt, trụ lại thành phố. Nhưng Nghĩa đã chọn con đường quay về, làm phóng viên và công tác trị sự cho Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang. Ngày ngày Nghĩa lại đạp xe đi về qua những con đường làng, qua những cánh đồng…

Với vốn liếng vi tính giỏi, Nghĩa đã góp phần quan trọng cải tiến việc in ấn Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang của gần 20 năm trước. Toàn bộ khâu nhập liệu, dàn trang đều được thực hiện tại tòa soạn rồi chuyển file xuống nhà in; vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm kinh phí và bảo đảm tính kịp thời cho các ấn phẩm. Ngoài công việc trị sự ở tòa soạn, Nghĩa còn tham gia quản lý Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ (từng giữ chức vụ Chủ nhiệm câu lạc bộ), tham gia công tác xuất bản các ấn phẩm của Hội và các tác giả ở Tiền Giang.

Công tác ở Hội, thường xuyên tham gia các lớp, trại bồi dưỡng sáng tác, gặp gỡ giao lưu với các nhà văn, nhà thơ càng khơi gợi thêm niềm đam mê sáng tác ở Nghĩa. Năm 2006, tập thơ đầu tiên của cây bút trẻ Trương Trọng Nghĩa được trình làng và Nghĩa được chọn là đại biểu duy nhất đại diện cho tỉnh Tiền Giang dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc liên tiếp ba lần tổ chức VII-2006, VIII-2011 và IX-2016.

Ngoài làm thơ, Nghĩa còn viết văn, viết báo và sáng tác vọng cổ. Ở lĩnh vực nào, Nghĩa cũng gặt hái thành công qua các giải thưởng tiêu biểu: Giải B Cuộc vận động Sáng tác Tập đoàn Cao su Việt Nam năm 2013; giải Ba Cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Tiền Giang năm 2015; giải Nhì Giải Báo chí tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn năm 2014; giải Nhất Cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Tiền Giang năm 2018; giải Tư Cuộc thi Thơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020; giải Nhất Cuộc thi Viết kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức; Giải C Cuộc thi Viết về tiêm chủng do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2023; giải A Trại sáng tác sân khấu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu năm 2023…

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ và những thành tựu đạt được, năm 2008, Nghĩa vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2011 được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2019 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 2014, Nghĩa là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Tiền Giang.

Có lẽ từ khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 1977 và đã trải qua 8 kỳ Đại hội, đây là kỳ đại hội được chờ đợi nhất sau một nhiệm kỳ kéo dài gần 8 năm. Và đây là một đại hội của sự chuyển giao thế hệ với đội ngũ được trẻ hóa với 2/3 thành viên Ban Chấp hành ở độ tuổi 7X, 8X. Với tuổi trẻ nhiều hoài bão sáng tạo, cùng với hơn 20 năm đồng hành, gắn bó với phong trào văn học nghệ thuật địa phương, mong rằng Trương Trọng Nghĩa, nhà thơ sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng, sẽ nỗ lực cùng Ban Chấp hành khóa mới đưa hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng khởi sắc thêm, xứng tầm với mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” Tiền Giang.

THU TRANG

 

.
.
.