Soạn giả Đoàn Vũ Tuấn: 37 năm đam mê với nhạc tài tử
Soạn giả Đoàn Vũ Tuấn tâm sự: “Ba tôi và tất cả 5 anh em trong nhà đều yêu thích nhạc tài tử, vọng cổ và cải lương, không những thích nghe mà còn biết ca nữa. Nhưng tất cả dừng lại ở “giọng ca, tiếng đờn kiểu cây nhà lá vườn”, chỉ có một mình tôi là theo nghề”.
Vì quá đam mê môn nghệ thuật này, năm 14 tuổi, soạn giả Vũ Tuấn theo ông Mười Mù cùng quê xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo để học ca và đờn, nhưng chất giọng không hay, ngón đờn không mượt mà.
Rồi một ngày anh chuyển sang tập sáng tác vọng cổ với một số bài bản nhỏ, những bài anh sáng tác với nội dung ca ngợi quê hương nên được đội văn nghệ xã nhà sử dụng trong những lần hội diễn và có giải thưởng. Đó là nguồn cổ vũ, khuyến khích anh đeo đuổi nghiệp sáng tác tài tử, vọng cổ, cải lương đến tận bây giờ.
Tuổi 16 với những bài bản đầu tay, nghe anh chị hát, nghe mọi người khen… đó là niềm cổ vũ lớn nhất để anh học hỏi kiến thức về bài bản của loại hình nhạc dân tộc độc đáo Nam bộ này. Anh không qua trường lớp chính quy mà tự mày mò trên báo, đài. Thời điểm đó, tài liệu về bộ môn này khó tìm, nhưng anh không bỏ cuộc, khi được tiếp cận những anh chị trong nghề, anh khơi gợi, tìm hiểu, học hỏi…, cứ vậy mà góp nhặt lại làm vốn riêng cho nghiệp sáng tác của mình.
Năm 1987, bài Cung đàn đất khách của anh được nghệ sĩ Trần Kim Lợi hát trên Đài tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh; bài Thương về miền Tây trong cơn nước lũ do nghệ sĩ Bích Phượng ca. Những thành quả bước đầu là nền tảng để anh “bật lên”, say mê viết và không ngừng học hỏi và cũng từ đó mà việc sáng tác vọng cổ, bài bản tài tử của anh mở ra trang mới. Anh háo hức sáng tác gởi cho nhà đài những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các anh hùng, liệt sĩ, người mẹ, ca ngợi quê hương và những sự kiện lớn của đất nước như: Ngày giải phóng miền Nam 30-4, Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ… để nhắc nhở người nghe hướng về cội nguồn với lòng tôn kính.
Bài ca vọng cổ, bài bản tài tử được anh sáng tác rất nhiều, có 130 bài đã phát trên các Đài Phát thanh - Truyền hình của các tỉnh ở miền Nam, tiêu biểu như: Giọt nắng tình quê, Hào khí Sông Tiền, Tình biển, Khúc ca xuân, Xuân quê tình mẹ, Xuân đất mẹ, “Tình anh lính đảo, Ngày vui tháng tư… được rất nhiều nghệ sĩ trình bày như: Thanh Kim Huệ, Bích Phượng, Trọng Phúc, Như Quỳnh, Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh…
Soạn giả Đoàn Vũ Tuấn có 3 tuồng cải lương có thời lượng khoảng 80-90 phút mà anh tâm đắc nhất là: Hào khí Thủ Khoa Huân, Đâu là sự thật, Căn nhà của mẹ. Nhiều sáng tác của anh được hãng phim Tây Đô, VTV Cần Thơ, các đài HTV phát sóng; tác phẩm của anh cũng nhiều lần xuất hiện trong các chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Nghệ sĩ tri âm”, thí sinh các cuộc thi “Bông lúa vàng”, “Chuông vàng vọng cổ” cũng đã chọn bài hát, trích đoạn cải lương của anh để thi diễn thành công.
Với Vũ Tuấn, sáng tác vọng cổ, tài tử cải lương là một niềm đam mê nên anh luôn miệt mài học hỏi, vì vậy vốn hiểu biết về bài bản của anh cũng thuộc “soạn giả tốp đầu” của lực lượng sáng tác của tỉnh Tiền Giang. Vũ Tuấn tâm tư: “Tôi không có học trò, tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức hiểu biết của mình cho những ai cần.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến những câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương hát giao lưu và trò chuyện với những bạn trong nghề, những ai cần thì tôi trao đổi kinh nghiệm của mình. Với tôi, được các bạn trẻ tìm hiểu về bộ môn mình yêu thích là tôi vui mừng lắm, bởi tôi nghĩ rằng nhạc tài tử, cải lương vẫn còn sống trong lòng giới trẻ Nam bộ”.
Sáng tác bài hay đã khó, viết theo lồng bản của nhạc cổ truyền càng không dễ, bởi yêu cầu người viết phải có vốn ca từ đẹp, kiến thức về bài bản sâu rộng. Càng đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta mới thấy bài bản trong lĩnh vực nhạc dân tộc của Việt Nam là một kho tàng rộng lớn.
Những bậc tiền bối như soạn giả Châu Thanh (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang) cũng có lần trải lòng: “Nhạc dân tộc của mình có bản sắc riêng và vô giá. Mỗi khi phát hiện một nhân tố trẻ yêu thích nhạc tài tử, vọng cổ, cải lương, những cây bút có tuổi như chúng tôi rất vui mừng. Mong bộ môn nghệ thuật này không bị mai một trong đời sống hiện nay”.
Ở thời công nghệ hiện đại, rất nhiều phương tiện giải trí, rất nhiều lĩnh vực để mọi người quan tâm, cho nên những khi ngồi lại với nhau, người ôm cây đờn thùng nắn nót, người trải lòng ngân khúc Nam xuân ngày càng ít đi. Thế nên, người có nghề và yêu nghề như Đoàn Vũ Tuấn rất cần được trân trọng, khuyến khích sáng tác, cũng như truyền lại kiến thức cho thế hệ tương lai.
NGỌC LỆ