.

Thăm ngôi chùa 3 lần được sắc tứ

Cập nhật: 10:12, 09/05/2024 (GMT+7)

Chùa Hội Thọ, tọa lạc tại ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những ngôi già lam độc đáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ngôi cổ tự này không chỉ lưu giữ nhiều hiện vật quý giá của gần 3 thế kỷ trước, mà còn là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa của dân tộc trên đất phương Nam.

3 LẦN ĐÓN NHẬN SẮC TỨ

Chùa Hội Thọ được xem là “hậu thân” của chùa Sắc tứ Thiên Trường (hay Sắc tứ Phổ Quang, Sắc tứ Kim Chương) xứ Gia Định vào thời Nguyễn. Kim Chương tự là ngôi chùa trải qua hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định.

 Chùa Hội Thọ ngày nay.
Chùa Hội Thọ ngày nay.

Theo sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức, chùa Kim Chương nằm ở phía Tây - Nam thành Gia Định, được xây dựng vào năm 1755. Chùa do Đạt Bản hòa thượng xây dựng và được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho tấm biển đề là “Sắc tứ Kim Chương tự”. Khi Hòa thượng Đạt Bản mất, chùa được truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt.

Năm Ất Mùi (1775), Mục vương Nguyễn Phúc Dương chạy vào Nam, Lý Tài rước về chùa Kim Chương tôn lên làm Tân Chính vương thì chùa được sắc tứ lần thứ 2 là Phổ Quang Thiên Sơn Tự. Đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Gia Long 12, Thần võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng vâng theo di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu chùa và chỉnh lý những kinh tạng, trống chuông cho thêm vẻ trang nghiêm. Từ đó, chùa được sắc tứ lần thứ 3 đổi thành Thiên Trường Tự.

Đầu năm 1858, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu mở rộng phạm vi chiếm đóng. Quân Pháp chiếm các ngôi chùa cổ để thiết lập cái gọi là “phòng tuyến chùa chiền” để chống lại các cuộc tấn công của quân ta. Giặc chiếm hầu hết các chùa làm đồn, rồi sau đó phá hủy.

Trước thế cuộc đó, năm 1859, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, chùa Sắc tứ Thiên Trường bị Pháp lấn chiếm nên Hòa thượng Minh Giác - Kỳ Phương (1791 - 1884) bấy giờ đang làm trụ trì đã cho dời chùa về hậu cứ xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè.

Lúc đó, vùng này còn hoang vu hẻo lánh và gần cơ sở đồn điền chống giặc, dân ở thành phố chạy tản cư về đây khẩn đất rất đông nên Hòa thượng Minh Giác đã theo chân đồng bào và nghĩa quân về đây cất chùa và lấy tên là chùa Hội Thọ.

NƠI HỘI TỤ NHỮNG CHÍ SĨ CÁCH MẠNG

Hòa thượng Thiệu Long (1844 - 1937) và người em là ngài Yết - ma Quảng Tục (1855 - 1942), đều là đệ tử của Hòa thượng Minh Giác. Đây là những nhà sư yêu nước, nên khoảng từ năm 1920 đến năm 1925 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thường đến chùa Hội Thọ để đàm đạo với 2 vị cao tăng này.

Đầu năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm vùng Mỹ Tho - Định Tường, ngôi chùa Hội Thọ lại nằm gần quốc lộ, sợ rơi vào tay giặc làm đồn bót nên ông Nguyễn Văn Lai là cán bộ lãnh đạo vùng Mỹ Thiện và là thân tộc của Hòa thượng Thiệu Long đã khuyên trụ trì chùa nên “Tiêu thổ kháng chiến” (dỡ chùa, rút vào bưng biền lo cuộc kháng chiến). Chùa Hội Thọ nguy nga, bấy giờ được gom lại thành một cái am nhỏ tại vị trí chùa hiện tại ở ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè.

“Ba lần sắc tứ thuở khai sinh,
Về lại đất quê bởi chiến chinh,
Hội Thọ chuyển mình trong lửa đạn,
Phật pháp hòa trong lý duyên sinh”.

Sau ngày đất nước giải phóng, dân cư trở lại phục hóa đất đai. Năm 1982, môn đồ pháp quyến của Hòa thượng Thiệu Long và phật tử gần xa chung tay xây dựng lại ngôi chùa Hội Thọ để có nơi thờ cúng Phật và sinh hoạt tín ngưỡng.

Đến năm 2008, Đại đức Thích Lệ Ngộ, trụ trì tiến hành khởi công xây dựng mới ngôi Chánh điện chùa Hội Thọ với kiến trúc thượng lầu hạ hiên bằng chất liệu bê tông trên phần đất hơn 500 m2, mái đúc dán ngói, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men, các đầu đao mái chùa được trang trí hoa văn rồng lượn rất đẹp như hiện nay.

LƯU GIỮ DI VẬT QUÝ

Hiện tại, chùa Hội Thọ còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa lịch sử và lịch sử Phật giáo rất có giá trị.

Với bề dày lịch sử, chùa Hội Thọ đã để lại nhiều tư liệu quý báu về lịch sử văn hóa và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tập hợp các di tượng ở đây có 2 loại tượng làm bằng đất sét và tượng gỗ được chế tác từ hơn 2 thế kỷ trước.

Trên bàn thờ hậu tổ được trang trí biển đại tự “Tổ Ấn Trùng Quang” và ảnh tổ khai sơn đề chữ “Kim Chương sắc tứ đại lão hòa thượng”, 2 bên trang trí đôi liễn bằng 2 mảnh thân cây tre gai hình chữ “S”.
Trên bàn thờ hậu tổ được trang trí biển đại tự “Tổ Ấn Trùng Quang” và ảnh tổ khai sơn đề chữ “Kim Chương sắc tứ đại lão hòa thượng”, 2 bên trang trí đôi liễn bằng 2 mảnh thân cây tre gai hình chữ “S”.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nói: “Tượng đất sét hiện chùa Hội Thọ còn lưu giữ là 1 pho tượng A Di Đà bằng đất sét cao 55 cm được tạo tác bằng kỹ thuật đắp tượng rỗng khá kỳ công từ kiểu thức lẫn đường nét hoa văn trang trí.

Tuy hiện nay tượng không còn lành lặn, nhưng những gì còn lại cho thấy tượng được tạo tác bằng kỹ pháp chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc về quy phạm đồ tượng học Phật giáo. Chính ở chất liệu và kỹ pháp tạo hình của tượng nên đây là di tượng có giá trị lịch sử mỹ thuật thuộc loại quý hiếm cần được bảo tồn.

Tượng gỗ ở đây hiện còn tượng Phật Thích Ca sơ sinh; Địa tạng Vương Bồ tát; Bộ tượng Thập điện Minh vương; Bồ Đề Đạt Ma và Tiêu Diện Đại sĩ. Nhìn chung, đa phần các tượng gỗ này được tạo tác do các thợ điêu khắc gỗ có tay nghề cao, đạt được trình độ chuyên nghiệp.

Điều này thể hiện rõ ở thế dáng trang nghiêm, biểu thị oai nghi của các loại tọa thức. Mặt khác, trình độ tạo tác cũng thể hiện ở việc xử lý nhân diện tượng có chú ý đến những khác biệt về tuổi tác, phong thái trong mỗi tượng của bộ Thập điện Minh vương”...

Chùa Hội Thọ là ngôi chùa đầu tiên ở Tiền Giang được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận là “Việt Nam linh thiên cổ tự”; đồng thời, được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014.

THỦY HÀ

.
.
.