.

"Cái đìa" vùng châu thổ Cửu Long

Cập nhật: 13:42, 01/06/2024 (GMT+7)

Có đi về các miền quê vùng châu thổ Cửu Long vào những ngày tháng mùa khô kiệt, mới thấy ở đâu có cái đìa thì thiệt là quý.

“Đìa” là một phương ngữ Nam bộ, được hiểu như một vùng đất trũng thấp, rộng khoảng nửa công đất tới chừng một héc ta đất, rộng hơn thì cỡ một héc ta đến vài chục héc ta; nước sâu hơn thì chuyển tên gọi thành “bàu”, “búng”, lớn hơn nữa thì thành “láng”, “lung”…

Thường cái đìa ít được đặt tên, còn từ bàu, búng, láng, lung… thì có cái tên đi kèm như Bàu Sấu, Búng Bình Thiên, Láng Sen, Lung Ngọc Hoàng. “Đìa” chỉ gắn với tên vật phẩm, cây con phổ biến, như đìa cá, đìa sen, đìa rau muống…

Có một số lưu dân, khi đến miền châu thổ lập nhà định cư, người ta chọn một miếng đất bằng phẳng, có thể gần nguồn nước, nhưng vẫn đào một cái “ao vuông”, nhưng là hình chữ nhật, quăng đất lên một bên làm nền cao ráo cho cái nhà.

Cái ao vuông được giữ như là nơi chứa nước sử dụng cho sinh hoạt gia đình, đôi khi để thả cá, rộng cá, một số người gọi là cái đìa bên nhà, dùng cách gọi này không đúng lắm. Cái đìa này là đìa nhân tạo, chứ không phải là đìa tự nhiên.

Đìa chứa nước cả về mùa mưa lụt và mùa khô nóng. Tất nhiên, mùa mưa thì đìa đầy ăm ắp nước, còn mùa khô thì chỉ còn lé đé như một vũng nước ở giữa. Cả hai mùa, nước trong đìa cũng không sâu lắm, mùa nước nổi có thể ngang cần cổ một người lớn, còn mùa khô chỉ chừng dưới đầu gối, trên mắt cá của một đứa trẻ vùng quê.

Đặc biệt, chung quanh đìa thì không khí mát dịu hơn so với các nơi xa đìa. Còn nói về đặc điểm sinh thái miền sông nước, đìa có vai trò tự nhiên là chứa nước mùa lũ, tạm trữ cung cấp nước cho mùa khô. Nước trong đìa, có thể là nước ngọt phù sa, nước chua phèn nhẹ, nước lợ với độ mặn thấp, có lúc là nước bùn bã hữu cơ màu nâu đen.

Nước trong đìa có thể là nước tù đọng, chỉ nhận nước trời vào mùa mưa, hoặc trao đổi với sông rạch theo nhịp thủy triều. Đôi khi, tính chất nước trong đìa thay đổi theo mùa.

Cuối mùa mưa, đủ các loại cá lớn nhỏ, cua ốc, tôm, ếch nhái, rùa rắn, cả các loài chim chóc… tập trung dày đặc trong đìa hoặc quanh đìa như một điểm hội tụ, gặp gỡ, tìm thức ăn hoặc ẩn mình.

Chung quanh đìa là nhiều loại thực vật thủy sinh hoặc loài cây ưa nước phát triển, phần lớn là các loại rau dại có thể dùng làm thức ăn cho người và động vật khác.

Tất cả như một phần trong chu trình sống của sinh vật quanh đìa, tạo nên một không gian của vùng đất ngập nước nhỏ và vừa, có tính đa dạng sinh học cao hơn các nơi khác.

Ngày xưa, các cụ lão nông còn kể họ bắt gặp hình ảnh con trăn vắt mình ở hai gốc cây tràm, tát nước trong đìa để bắt cá, cảnh con cọp đồng bằng tìm cá ở đìa để ăn hoặc rình bắt mấy con heo rừng, khỉ rừng đến uống nước ở mé đìa vào mùa khô.

Thỉnh thoảng, họ bắt gặp con cá sấu ẩn mình dưới đìa, lưng nhô lên như một khúc cây khô, rình bắt mồi. Xuyên suốt chuỗi thức ăn quanh cái đìa là sự hiện diện của con người trong suốt quá trình khai phá miệt châu thổ, với đầy đủ hoạt động săn, bắt, hái, lượm quanh cái đìa.

Về ngôn ngữ, dân gian liên quan đến “bắt cá trong đìa” nếu nghe qua, ai tinh ý sẽ đoán được cái đìa nằm ở vùng nào. Nếu là vùng trên, nước ngọt dồi dào, người dân “tát đìa bắt cá”. Còn nếu ở vùng dưới, nước ngọt khan hiếm, chỉ còn giữ một ít trong đìa, thì người dân “chụp đìa bắt cá”, khi đó người ta dùng cái nôm đan bằng tre để chụp cá, hoặc “kéo lưới bắt cá” để không làm hao hụt nguồn nước ngọt quý báu trong đìa.

Nước ngọt trong đìa là nguồn sống cung cấp cho người dân vào mùa khô. Vào những năm gần đây, cái đìa vẫn có đầy đủ ý nghĩa cho các vùng bị khô hạn. Nước trong đìa được cộng đồng mặc định là của chung, ai cũng có thể đến lấy nước để xài. Người dân múc nước trong đìa về lóng phèn cho trong hơn để sử dụng nấu cơm, nấu nước.

Một số người chịu khó cải tạo cái đìa bằng cách đào sâu hơn một góc đìa, nơi thuận tiện lên xuống, làm một cầu thang cây đơn giản để xuống lấy nước, tắm táp, chuẩn bị thức ăn, làm bếp. Trẻ con có thể xuống đìa tập bơi. Nơi đào sâu này có thể thả thêm một ít chà cây để cá tụ tập.

Chung quanh đìa, trên bờ ai siêng thì họ trồng thêm các loại rau, rau thơm các loại, một ít bạc hà, đậu rồng, mồng tơi, cây chanh, cây ớt, cây cà chua…, còn trên mặt nước họ thả các loại rau nổi như rau muống, rau nhút…

Dưới lớp bùn ở đáy đìa, có người trồng sen, trồng súng để nước sạch và trong hơn. Các loại cây này dễ trồng, không cần bón phân, tưới gì nhiều, trồng để có thức ăn dài dài về sau. Như vậy, muốn có một nồi lẩu cá thập cẩm thì chung quanh cái đìa có thể cung cấp gần đủ nguyên liệu cho món ăn dân dã này.

Sẵn đây bàn chút văn chương dân gian, người miền Nam có thành ngữ “Lãng như cái đìa”. Nhưng theo một số ông thầy già trong làng thì cho rằng câu đúng là “Lạng như cái đìa” hay “Cạn như cái đìa”. Lạng và cạn để nói tính chất của những kẻ giống cái đìa không sâu, nông (cạn), ít nước, độ dốc nhỏ (lạng), người dân quê đọc trại thành “lãng”.

Tuy nhiên, cũng có người giải thích câu “lãng như cái đìa” cũng không sai, câu này để chỉ những người… lãng xẹt, hiểu biết cạn xợt, hời hợt, lời lẽ không sâu sắc, nghe thiệt là… lãng nhách!!!

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.