Phim Việt hóa: Khó càng thêm khó
Quyết định Việt hóa một bộ phim đã khá thành công về phương diện giải thưởng quốc tế cùng mức đầu tư kinh phí thấp, nhưng cuối cùng Án mạng lầu 4 vẫn chịu cảnh thất thu phòng vé.
7 năm chưa cưới sẽ chia tay nhận nhiều sự so sánh với phiên bản gốc đã quá thành công. Ảnh: ĐPCC |
Tưởng dễ mà khó
Theo tiết lộ của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, Án mạng lầu 4 được làm lại (remake) từ bộ phim của Iran - Melbourne. Tác phẩm này từng dự thi nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế và gặt hái không ít thành công. Anh có cơ duyên được xem bộ phim này tại LHP quốc tế Hà Nội 2014. Thông qua những mối quen biết, anh liên hệ với đạo diễn phim, trao đổi và có được bản quyền chuyển thể bộ phim tại Việt Nam.
Trước khi phim trình chiếu, dù không tiết lộ con số chính xác, nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn tỏ ra tự tin bởi với kinh phí thấp, có thể tối ưu hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi nhà sản xuất công bố teaser poster (những hình ảnh hoặc clip quảng cáo đầu tiên của một bộ phim sắp ra mắt) và trailer (đoạn phim quảng cáo cho một bộ phim), phim cũng nhận được khá nhiều phản hồi tốt. Tuy nhiên, sau khi khởi chiếu chính thức từ ngày 17-5, thì phim không được đánh giá cao và chấp nhận rời rạp vào cuối tuần qua với doanh thu chỉ khoảng 2 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam.
Trên màn ảnh nhỏ, từ ngày 6-6, những tập đầu tiên của 7 năm chưa cưới sẽ chia tay - tác phẩm Việt hóa từ phim Hàn Secret Love (2013) cũng lên sóng. Đáng chú ý, người đứng sau bộ phim lần này là đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh (người từng rất thành công với một tác phẩm remake trước đó là Gạo nếp gạo tẻ). Chia sẻ lý do Việt hóa tác phẩm này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Secret Love có câu chuyện không mới nhưng cách xây dựng nhân vật có nhiều điểm thú vị. Bản remake đã có nhiều thay đổi để phù hợp với Việt Nam và thời đại, song vẫn giữ trọn thông điệp tốt đẹp về sự hy sinh trong tình yêu”. Qua 2 tập phát sóng đầu, tính trên toàn bộ các nền tảng trực tuyến, phim hiện thu hút 20 triệu lượt xem.
Có một điểm không thể phủ nhận, phim remake được hưởng lợi không chỉ về mặt truyền thông, mà chất lượng kịch bản cũng đã được bảo chứng - là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh bài toán thiếu kịch bản vẫn đang nan giải với phim Việt. Nhưng, remake cũng là “con dao hai lưỡi” bởi dễ bị khán giả so sánh. Trường hợp của 7 năm chưa cưới sẽ chia tay, ngoại hình và diễn xuất của dàn diễn viên gây tranh cãi từ khi phim chưa lên sóng. Trong khi nhiều ý kiến khen ngợi sự tiến bộ của nữ chính thì nam chính bản Việt bị đánh giá “thấy hơi gồng”.
Một điểm đáng chú ý khác, trong điều kiện kinh phí eo hẹp hiện nay, nhiều phim remake không thể được đầu tư với ngân sách cao như bản gốc. Như trường hợp của Hậu duệ mặt trời bản Việt, dù nhà sản xuất đã rất nỗ lực nhưng tương quan về mặt bối cảnh, kỹ xảo vẫn cho thấy sự chênh lệch lớn với bản gốc. Tương tự, Bác sĩ Lof - Bác sĩ hạnh phúc (remake Good Doctor của Hàn Quốc) đã phải cài cắm nhiều quảng cáo của một nhãn hàng sữa vào phim, dẫn đến không ít chỉ trích.
Không thể “dựa hơi”
Không thể phủ nhận, khi làm phim remake, đạo diễn và ê kíp đều cố gắng để truyền tải tinh thần, chất Việt Nam vào bộ phim. “Quá trình chuyển thể phải thay đổi khá nhiều, do ở bản gốc Iran là quốc gia Hồi giáo nên cách xử lý bộ phim phải đi theo chiều hướng khác, phù hợp với Việt Nam”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ. Còn với 7 năm chưa cưới sẽ chia tay, đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: “Bản remake có sự chỉnh sửa lớn để phù hợp với văn hóa, xã hội, thậm chí phải thay đổi cả sơ đồ nhân vật”.
Trên thực tế, những năm gần đây không có nhiều phim điện ảnh Việt được remake, tiêu biểu có thể kể đến: Chiếm đoạt (remake phim truyền hình Babysitter, đài KBS Hàn Quốc), Nghề siêu dễ (Extreme job, Hàn Quốc), Chìa khóa trăm tỷ (The key of life, Nhật Bản)… Trong số đó, có những phim thành công về phòng vé, nhưng không ít phim thất bại thảm hại. Đặc biệt, vì nhiều lý do, trong đó có cả nỗi sợ “bị soi” nên nhiều nhà làm phim còn cố tình giấu nhẹm chuyện remake cho đến khi bị khán giả phát hiện và truy hỏi.
Dòng phim remake đang có dấu hiệu chững lại, đó được xem là một tín hiệu vui, bởi điều này chứng tỏ nhiều nhà làm phim trong nước đang nỗ lực tự xây dựng kịch bản mang đậm bản sắc riêng. Đây được xem là hướng đi mang tính bền vững trong xu thế khán giả ngày càng chuộng các tác phẩm mang tính bản địa với câu chuyện gần gũi, dễ tạo đồng cảm. Đó cũng chính là chìa khóa thành công của Lý Hải, Trấn Thành. Thời gian qua và sắp tới, một số phim được chuyển thể từ sách đáng chú ý có: Ngày xưa có một chuyện tình và Kính vạn hoa (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), Kẻ ăn hồn và Tết ở làng địa ngục (truyện dài của nhà văn Thảo Trang), Khế ước bán dâu (truyện vừa của nhà văn Thục Linh). Trong khi đó, Quỷ cẩu hay sắp tới là Linh miêu, Con Cám được lấy từ những chất liệu dân gian đã quen thuộc với khán giả.
Theo sggp.org.vn