Lợi, hại khi tìm "một nửa" qua livestream
Khó khăn trong hành trình tìm kiếm “một nửa”, nhiều người độc thân tham gia livestream ghép đôi trên TikTok. Có không ít bạn trẻ hóa thành “ông mai bà mối” online khi hình thức này được nhiều người hưởng ứng.
Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024 (dựa theo khảo sát trên nhóm người từ 16-64 tuổi xem mọi loại nội dung video qua internet mỗi tuần), livestream có tỷ lệ người xem mỗi tuần là 35%, chỉ đứng sau video âm nhạc. Với cộng đồng xem livestream rộng lớn, bên cạnh những ứng dụng hẹn hò, việc tham gia livestream ghép đôi trên TikTok là cách để người độc thân tìm “một nửa” đời mình, trở thành xu hướng mới trong 2-3 năm trở lại đây.
Hình thức livestream ghép đôi phổ biến nhất hiện nay là ngoài chủ phòng, số lượng người tham gia ghép đôi trong một phiên livestream tối đa là 8 người, 7 nam - 1 nữ hoặc 7 nữ - 1 nam. Khi yêu cầu tham gia được chủ phòng duyệt, khách mời được kết nối với một người mà bản thân thấy thiện cảm trong 7 người sẵn có để ghép đôi và có 5-10 phút trò chuyện làm quen. Nếu cả hai thấy phù hợp, họ sẽ xuống phiên livestream để nhắn tin tìm hiểu, ngược lại khách mời sẽ rời đi, những người còn lại tiếp tục đợi bạn ghép tiếp theo.
Lan Hà (21 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang), chủ một kênh livestream ghép đôi chia sẻ: “Chương trình này có thể kết nối cho những bạn ở xa nhìn thấy nhau và trò chuyện. Do khoảng cách địa lý, có nhiều bạn gốc Việt ở nước ngoài tìm đến hình thức mai mối này để có bạn làm quen khi về nước”. Cũng theo Lan Hà, đối tượng tham gia ghép đôi đa phần là người lao động tự do, bố đơn thân, mẹ đơn thân và người Việt đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, trong độ tuổi từ 27- 45.
Trao đổi về hiện tượng này, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Dưới sự can thiệp của công nghệ, không gian livestream có thể làm ảo (giả) từ phần nghe, nhìn đến cả thông tin. Và dĩ nhiên, thông tin ảo thì cũng dễ dẫn đến hệ lụy như lừa tiền, lừa tình”. Ông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ thêm, hiện đang xuất hiện tình trạng nhiều bạn trẻ quá lệ thuộc vào mạng xã hội, nhầm tưởng rằng có thể dễ dàng gặp gỡ, hẹn hò, quan tâm nhau bằng những cú click chuột.
Thực tế, sự kết nối dễ dàng trong môi trường “ảo” sẽ tạo ra những mối quan hệ không có chiều sâu, không lành mạnh, dễ đến nhưng cũng dễ đi. Từ đó, nhiều người trẻ bị cô đơn, trầm cảm, mất dần những mối quan hệ thật ngoài đời. “Livestream ghép đôi trên TikTok là điều tất yếu, đi theo xu hướng vận động phát triển của môi trường truyền thông xã hội. Tuy nhiên, người trẻ nên nhìn nhận mặt lợi, mặt hại trước hết là để tự bảo vệ mình, tránh khỏi những mối quan hệ không lành mạnh trên môi trường trực tuyến”, Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Theo sggp.org.vn