Sân khấu cải lương: Tìm đâu kịch bản hay
50 năm qua, sân khấu cải lương truyền thống vẫn luôn đồng hành với sự phát triển chung của xã hội. Nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc đã đi vào lòng khán giả mộ điệu, bền bỉ sức sống với thời gian. Tuy nhiên, khi nhìn vào điểm son, dấu ấn của các kịch bản sân khấu xưa, người làm nghệ thuật không khỏi lo lắng khi nhiều kịch bản sân khấu hiện nay bị đánh giá thiếu đi chất văn học cần có.
Dấu ấn kịch bản văn học
Khoảng 2 thập niên sau năm 1975, sân khấu TPHCM hoạt động sôi nổi với sự góp sức sáng tạo của hàng loạt soạn giả tên tuổi, như: Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An, Loan Thảo, Điêu Huyền, Hoàng Khâm, Ngọc Linh, Nguyễn Phương, Nhị Kiều, Thể Hà Vân, Thế Châu, Minh Tơ, Thanh Tòng, Yên Lang, Nguyên Thảo, Thanh Điền… đã sáng tác và chuyển thể, cho ra đời nhiều kịch bản sân khấu hay, chất lượng, đậm chất văn thơ, dễ đi vào lòng người, như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Bên cầu dệt lụa, Kiều Nguyệt Nga, Bóng tối và ánh sáng, Cây sầu riêng trổ bông, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Trăng lên đỉnh núi, Người ven đô…
Các nghệ sĩ thế hệ tiếp nối của Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ biểu diễn trích đoạn cải lương Câu thơ yên ngựa |
Bên cạnh đó, còn có nhiều soạn giả từ trong chiến khu tập kết ra Bắc đã chung sức sáng tạo, đóng góp cho sân khấu nhiều kịch bản có giá trị về nội dung, tư tưởng, chất văn học cũng như tính thẩm mỹ, như: Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Tâm sự Ngọc Hân, Lời ru của biển, Tiếng sáo đêm trăng, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê Đa, Tô Ánh Nguyệt, Vụ án Mã Ngưu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Giũ áo bụi đời, Hòn vọng phu, Đêm hội Long Trì…
Tiếp đó, một loạt soạn giả mới, tiềm năng cũng đã xuất hiện như: Đăng Minh, Nhứt Nương, Hoàng Song Việt, Anh Kiệt, Lam Tuyền, Hùng Dũng, Tô Thiên Kiều... đã tiếp nối hoạt động sáng tác, giúp thị trường tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương thành phố thêm sôi động, đáp ứng kịp thời nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả, đặc biệt là nhu cầu của các đoàn hát xã hội hóa đang phát triển mạnh trong giai đoạn này. “Nhìn lại thời kỳ này của sân khấu cải lương, có thể nhận định rằng, các kịch bản sân khấu khi đó luôn đậm chất văn học, thể hiện rõ nét ở nội dung thông điệp đầy tính nhân văn và hình tượng nghệ thuật, tạo nên ấn tượng đẹp trong tâm thức khán giả”, TS Đỗ Quốc Dũng, chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc và sân khấu Nam bộ, cho biết.
Thay đổi cách thức sáng tạo
Khoảng cuối những năm 1990, sân khấu cải lương bắt đầu thoái trào. Chịu ảnh hưởng đầu tiên và cũng là nặng nề nhất chính là đội ngũ sáng tác. Phần lớn các sân khấu chỉ diễn kịch bản cũ, hàng loạt kịch bản mới không có nơi sử dụng. Đội ngũ soạn giả sân khấu truyền thống giảm dần theo từng năm. Dần dần, số ít những người còn bám trụ với nghề thường chỉ viết theo đơn đặt hàng là chính. Hệ lụy là hiện nay, phần lớn các vở diễn cải lương đang sáng đèn đều sử dụng các kịch bản chuyển thể từ kịch nói hoặc chọn các kịch bản cũ, ra đời cách nay 30-40 năm, để dàn dựng và diễn theo phong cách mới.
NSND Minh Vương, NSND Bạch Tuyết và NSƯT Phương Hồng Thủy trong trích đoạn cải lương Đời cô Lựu |
NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhìn nhận: “Khoảng 20 năm trở lại đây, nguồn soạn giả viết cho sân khấu cải lương gần như cạn kiệt. Đó mới là nguyên nhân chính khiến sân khấu cải lương dần thưa vắng khán giả, chứ không hẳn chỉ là sự lấn át của các loại hình giải trí mới. Không có những sáng tác mang hơi thở cuộc sống đương đại, không có những bài bản, trích đoạn, bài ca cải lương đi vào đời sống cộng đồng… cải lương làm sao thu hút được khán giả?”.
Vậy làm thế nào để các sáng tác, kịch bản mới đạt chất lượng về nội dung, nghệ thuật, tính thẩm mỹ và chất văn học cần có? Tác giả Võ Tử Uyên cho rằng: “Kịch bản văn học là phải đưa ra được một thông điệp và giải quyết thông điệp đó một cách thuyết phục, bằng số phận các nhân vật, đồng thời đưa được ý đồ đó đến khán giả. Vì thế, kịch bản phải hội đủ các tiêu chí: chủ đề hướng con người đến vẻ đẹp chân thiện mỹ, nội dung chuyển tải thông điệp cần gửi gắm đến khán giả thông qua số phận nhân vật, lời thoại, lời ca lẫn âm nhạc... hội đủ các yếu tố này thì kịch bản mới thực sự là một tác phẩm văn học”.
Tuy nhiên, để có được những kịch bản hay, được công chúng đón nhận không phải dễ dàng. Một vấn đề được đề cập nhiều là nghề biên kịch, soạn giả sân khấu cải lương... không có trường lớp nào đào tạo chính quy, mà người làm nghề phải mày mò tự học. Cũng vì thiếu sự đào tạo chuyên môn, nhiều vấn đề đã phát sinh. Như hiện nay có trào lưu sáng tác, biểu diễn cải lương đề tài lịch sử dân tộc. Nhiều soạn giả trẻ lao vào sáng tác đề tài này với sự nhiệt tình, hồ hởi và có một số sáng tác với ca từ, nội dung đầy tính hiện đại, sáng tạo. Tuy nhiên, do còn non yếu về kiến thức, không ít người đã gặp sai sót khi đặt vấn đề. Có người còn sử dụng các thông tin trên mạng vốn không đảm bảo tính xác thực dẫn đến nội dung kịch bản bị sai lệch theo.
Tác giả Nhứt Nương, con gái của soạn giả Hoa Phượng, chia sẻ: “Ngày xưa, ba tôi thường dạy, không phải cứ viết văn chương bay bướm, lê thê dài dòng, chải chuốt là thành kịch bản văn học. Kịch bản hay là phải diễn đạt được nội tâm, số phận, cuộc đời nhân vật. Bài ca vọng cổ cũng phải viết đúng tình huống, đúng với lịch sử, vị trí, địa vị của nhân vật, viết vừa phải, nhưng làm cho người ta nghe mà thấm vào tâm hồn. Đó mới chính là chất văn học”.
NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ: “Tôi ao ước có thể thực hiện số hóa tác phẩm của các soạn giả nổi tiếng của sân khấu cải lương như Hà Triều, Hoa Phượng, Thể Hà Vân, Kiên Giang, Điêu Huyền, Trần Hà... để không xảy ra tình trạng tam sao thất bổn. Các thế hệ văn nghệ sĩ đi sau muốn học hỏi cũng có nguồn tham khảo thuận lợi, chuẩn xác để có thể tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước. Sắp tới đây, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức vinh danh vai trò của các soạn giả đối với sự phát triển của sân khấu để từ đó khẳng định vai trò, giá trị mà các soạn giả để lại cho đời”. |
Theo sggp.org.vn