Cơ hội khi công nghiệp biểu diễn khởi sắc
Cập nhật: 09:37, 24/12/2024 (GMT+7)
Năm 2024 là một năm bứt phá của thị trường giải trí trong nước ở các lĩnh vực âm nhạc, gameshow, thời trang... với việc ra đời ngày càng nhiều show diễn mang bản sắc Việt Nam, định hình văn hóa thần tượng một cách văn minh, đồng thời lập những kỷ lục về số lượng khán giả - những điều mà trước kia thường chỉ thấy khi có mặt nghệ sĩ quốc tế. Ngành công nghiệp biểu diễn đang đứng trước cơ hội mang về nguồn doanh thu lớn cũng như góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa quốc gia.
Sân khấu chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tháng 12 tại Hưng Yên. |
Thời gian qua, các show truyền hình thực tế về âm nhạc như “Ca sĩ giấu mặt”, “Bài hát của chúng ta”, “Rap Việt”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”... liên tục phủ sóng không chỉ truyền hình mà cả trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, thu hút đông đảo khán giả theo dõi và yêu thích. Đáng chú ý, một số show thành công đến mức khi tổ chức biểu diễn trực tiếp đã ghi nhận tình trạng cháy vé, bán hết hàng chục nghìn vé chỉ sau vài giờ. Có thể kể đến concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” với mỗi buổi diễn khoảng 20-25.000 khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10, và có khoảng 30-31.000 khán giả tại Hà Nội vào tháng 12.
Đây là những con số được đánh giá là chưa từng có tiền lệ đối với nghệ sĩ trong nước và sánh ngang với nhiều show của nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới khi lưu diễn. Về giá trị kinh tế, với giá vé dao động từ vài trăm nghìn cho tới gần chục triệu đồng, các đơn vị sản xuất có thể thu về hàng trăm tỷ đồng, tạo động lực cho các nhà đầu tư khác.
Bên cạnh đó, giá trị của mỗi chương trình không chỉ dừng lại ở việc giải trí. Nhiều tiết mục của show “Anh trai vượt ngàn chông gai” như: Áo mùa đông, Trống cơm, Bao tiền một mớ bình yên, Nếu một mai tôi bay lên trời… được dàn dựng công phu, sáng tạo đã chạm đến trái tim hàng triệu người xem, khơi dậy lòng tự hào trước những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn của dân tộc. Ngoài âm thanh, vũ đạo thì sân khấu, phục trang, đạo cụ cũng được đầu tư hoành tráng, kết hợp truyền thống và hiện đại, đáp ứng thị hiếu khán giả cả phần “nghe” lẫn phần “xem” và “trải nghiệm”.
Trong không khí sôi động ấy, không chỉ các concert lớn của nghệ sĩ nổi tiếng mà các chương trình biểu diễn nhỏ (mini show) của gương mặt mới, ca sĩ indie (độc lập) cũng ngày càng thu hút khán giả, nhất là thế hệ trẻ. Một số sự kiện quy tụ nhiều loại hình biểu diễn, tương tác và trở thành lễ hội âm nhạc độc đáo, mang hơi thở của đời sống và nghệ thuật đương đại, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HOZO, GENfest, Hay Glamping)...
Văn hóa thần tượng thường được giới trẻ gọi là “đu idol”, trước kia thường gắn với những hành động thái quá, tiêu cực dành cho thần tượng ngoại quốc, giờ đây trở thành một kiểu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong lĩnh vực giải trí. Người hâm mộ có nhiều cách thể hiện tình cảm đối với nghệ sĩ mình yêu thích như: Đi xem concert, trả phí nghe nhạc trên các nền tảng số có bản quyền, mua vật phẩm liên quan, mua quảng cáo trên phương tiện công cộng...
Theo các chuyên gia văn hóa-truyền thông, sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng khán giả hâm mộ âm nhạc Việt cho thấy xu hướng thưởng thức mới khi ngày càng nhiều người tìm đến các hình thức giải trí hiện đại và hình thành thói quen tiêu dùng cho sở thích - yếu tố quan trọng của nền công nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã tạo dựng được lâu nay.
Đồng thời, cũng phản ánh sự thay đổi tư duy của các nhà sản xuất âm nhạc, tổ chức sự kiện và sự phối hợp chặt chẽ với thế hệ nghệ sĩ mới đa tài. Khi các màn trình diễn được nâng tầm, đầu tư chỉn chu, khán giả sẽ không còn dễ dãi, thỏa hiệp với những chương trình chất lượng thấp. Không chỉ có vậy, sự nở rộ các show diễn giải trí và lễ hội âm nhạc còn góp thêm sản phẩm độc đáo hấp dẫn du khách, thúc đẩy du lịch cùng phát triển. Các sự kiện này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mà còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác có tiềm năng phát triển văn hóa-du lịch, chẳng hạn như: Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...
Đó là những tín hiệu tích cực cho một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, song cũng đặt ra một số vấn đề về phát triển bền vững. Dễ thấy hiện nay phần lớn chương trình đang tập trung vào đối tượng khán giả trẻ và thích bắt “trend” (xu hướng) chứ chưa đa dạng độ tuổi, các hiệu ứng mới chỉ dừng ở hình thức, chưa đào sâu các giá trị văn hóa dân tộc. Kết hợp các xu thế giải trí toàn cầu với bản sắc văn hóa Việt Nam cần được coi là hướng đi lâu dài để xây dựng các chương trình biểu diễn chất lượng cao, đa dạng hóa với nhiều thể loại khác nhau từ dân gian, cổ điển đến đương đại để phục vụ phong phú đối tượng khán giả, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.
Mặt khác, bên cạnh các sự kiện thành công, thời gian qua vẫn có nhiều show bị hủy bỏ hoặc diễn ra sơ sài, nhiều “sạn”, gây thất vọng, tạo nên các trải nghiệm tiêu cực với khán giả. Chẳng hạn như một chuỗi chương trình âm nhạc dành cho giới trẻ tháng 4/2024 đã buộc phải dừng nửa chừng do giông lốc, tuy là sự cố do thời tiết, nhưng ban tổ chức không có bất kỳ phương án sơ tán hay hỗ trợ khán giả nào. Vài chương trình khác, dù quảng cáo rầm rộ với nhiều tên tuổi nghệ sĩ trong nước và quốc tế, song đột ngột hủy vào phút chót mà không có lý do rõ ràng, chậm trễ bồi thường tiền vé cho khán giả…
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ, nghệ thuật biểu diễn (gồm âm nhạc, múa, xiếc…) là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nói riêng không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sĩ, cùng việc “chịu chi” của khán giả mà còn phải được đầu tư và quản lý chuyên nghiệp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần thiết có sự hỗ trợ về tài chính, từ những ưu đãi thuế cho đến thiết bị, gói hỗ trợ phát triển nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn.
Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ tự do sáng tạo mà còn khuyến khích sự hợp tác công tư, một cánh cửa mở để các đối tác cùng nhau gây dựng nền công nghiệp biểu diễn đậm chất Việt Nam. Một yếu tố không thể thiếu nữa là bản quyền - quyền lợi của người sáng tạo nghệ thuật cần được bảo vệ để mỗi sản phẩm nghệ thuật đều được tôn trọng, mỗi sáng tạo đều được đền đáp xứng đáng. Điều này không chỉ bảo vệ các nghệ sĩ mà còn xây dựng lòng tin cho các đối tác quốc tế, một tín hiệu mạnh mẽ rằng Việt Nam nghiêm túc với nghệ thuật và sáng tạo.
Bên cạnh đó, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, người từng tham gia sản xuất nhiều chương trình giải trí cho rằng, để duy trì sức hút của các concert cần đầu tư dài hạn vào xây dựng hình ảnh, phong cách âm nhạc của nghệ sĩ, để họ không chỉ tỏa sáng qua một show mà còn chinh phục khán giả trong thời gian dài. Đối với du lịch âm nhạc, các đơn vị lữ hành đều mong muốn sự bắt tay chặt chẽ hơn với nhà tổ chức sự kiện âm nhạc bởi trên thực tế tình trạng thiếu thông tin, bị động về thời gian, thiếu sản phẩm dịch vụ kết hợp… vẫn thường xuyên xảy ra, khiến hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.
Tóm lại, cần nhìn nhận các chương trình biểu diễn như sản phẩm trong một hệ sinh thái chuyên nghiệp và phong phú, từ du lịch, thời trang, mỹ phẩm, quảng cáo, công nghệ… Từ đó, để vươn lên sánh vai với các quốc gia có công nghiệp biểu diễn phát triển trong khu vực và trên thế giới, cần huy động các lực lượng xã hội trên nguyên tắc khuyến khích đầu tư, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia vào chu trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Làm được điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho kinh tế và thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... cũng như thu hút được đầu tư, giúp Việt Nam bắt nhịp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
(Theo nhandan.vn)