Gánh hát Đồng Nữ Ban:Hăng say biểu diễn trước sự cản phá của quân thù
Cuối năm 1927, Kỳ ủy Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) tỉnh Mỹ Tho chỉ đạo cho Chi bộ VNTNCMĐCH xã Vĩnh Kim thành lập một gánh hát cải lương.
Sau khi tập hợp các diễn viên, gánh hát được thành lập, lấy tên là Đồng Nữ Ban, nhằm mục đích làm nơi tập hợp, khơi dậy quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp trên sân khấu, chống lại sự cấm đoán tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của chế độ thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho nhân dân và vận động tài chính cho cách mạng.
Gánh hát Đồng Nữ Ban. |
Một số đảng viên được đưa vào gánh hát Đồng Nữ Ban để lãnh đạo chính trị và tư tưởng như: Cô Trần Ngọc Viện (Ba Viện) rất được đồng chí Tôn Đức Thắng tin cậy, giao làm bầu gánh kiêm thầy tuồng; anh Trần Văn Hòe (Ba Hòe) phụ trách quản lý; Trần Văn Giai (Ba Giai) phụ trách chính trị tư tưởng; Trần Văn Trương phụ trách an ninh trật tự; Nguyễn Tri Khương, Trần Thị Ớt, Trần Thị Trác, Trần Thị Tước, Hà Thị Lan (Sương) cũng tham gia lãnh đạo, cùng các cô, các chị tiến bộ ra nhập gánh hát: Trần Thị Lai, Trần Thị Lợi, Trần Thị Cẩm, Trần Thị Cưu, Trần Thị Nhàn…
Gánh hát còn được nhiều nhân sĩ, trí thức tiến bộ yêu chuộng tự do hỗ trợ về tài chính và tinh thần như: Nhân sĩ Mai Bạch Ngọc; Nhà báo Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá; Bác sĩ Nhã, Năm Khương…
Do diễn viên toàn là nữ, còn rất trẻ (từ 17 - 21 tuổi), có những chị vừa rời ghế nhà trường, chưa từng biết ca hát hay tập tuồng và có chị do ảnh hưởng của sự thị phi phong kiến “xướng ca vô loại” nên đôi khi cũng còn tâm trạng dè dặt, lo âu…
Song nhờ sự lãnh đạo tư tưởng kịp thời của tổ chức Đảng, nên mỗi diễn viên tự xác định được đây là nhiệm vụ cách mạng, học ca hát là để phục vụ cách mạng. Được thông suốt về mặt tư tưởng, vai trò, trách nhiệm của mình, mỗi người đều tích cực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, với tinh thần “Đảng giao nhiệm vụ nào phải hoàn thành nhiệm vụ ấy”.
Sau 6 tháng miệt mài tập luyện, vở Giọt lệ chung tình (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà) được ra mắt khán giả. Võ Đông Sơ và Triệu Dõng là những nghĩa binh, tụ tập những người yêu nước cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Bạch Thu Hà là hạng khuê môn đài các, cũng đồng tình với hành động của chồng. Khi chồng hy sinh cho chính nghĩa thì Bạch Thu Hà quyết giữ vẹn lòng chung thủy với chồng, với những người yêu nước.
Đây là một vở tuồng mang tính chất chính trị cao, nên việc xin phép nhà cầm quyền Pháp để biểu diễn là cực kỳ khó khăn, phải dùng nhiều hình thức đấu tranh và được các nhà trí thức tiến bộ yêu nước ủng hộ mới được đưa ra biểu diễn, là thắng lợi bước đầu rất quan trọng.
Điều bất ngờ khi ra mắt công chúng lần đầu tiên tại xã nhà (Vĩnh Kim) đã được bà con hưởng ứng nhiệt liệt và ủng hộ cho gánh hát 270 đồng, là số tiền khá lớn lúc bấy giờ, để gánh hát tiếp tục hoạt động và ủng hộ cách mạng, đã động viên, khích lệ các thành viên trong gánh hát tiếp tục hăng say luyện tập các vở tuồng tiếp theo.
Lần thứ hai, gánh hát biểu diễn tại xã Bình Trưng, đồng bào mua vé ủng hộ lên đến 300 đồng. Mặc dù thu được kết quả mỹ mãn, nhưng gánh hát cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là sự phá hoại của địch. Chúng tổ chức cho bọn côn đồ xấp đá trên đường nhằm làm cản trở sự di chuyển của đoàn xe hay giả làm ma nhát phụ nữ để giựt tiền. Đồng chí Trần Văn Hòe đã đích thân tổ chức tuần tra, canh gác ngăn sự phá hoại của chúng.
Trong lần biểu diễn tiếp theo tại rạp hát Thầy Năm Tú ở thị xã Mỹ Tho, được quần chúng nhân dân hân hoan đón nhận và hết lòng ủng hộ, nhưng địch cũng tìm mọi cách phá hoại. Chúng dùng thủ đoạn bỉ ổi bằng cách cho người xông vào phòng hóa trang chọc ghẹo và đe dọa diễn viên. Trước tình hình đó, cô Ba Viện đã kêu gọi quần chúng đấu tranh gây áp lực, buộc chúng phải rút đi.
Tại Bến Tre, sự phá rối của địch còn táo bạo hơn. Khi ghe gánh hát vừa cập bến, bằng thủ đoạn thô thiển, địch cho bọn côn đồ không mặc quần áo giả đi tắm, lảng vảng trước mũi ghe chọc ghẹo, làm chị em diễn viên hoảng sợ và thẹn thùng phải chui vào ghe tránh mặt. Chúng bị đội tự vệ gánh hát can thiệp và quần chúng đấu tranh buộc phải rút lui.
Đến gần buổi biểu diễn, chúng tổ chức những thành phần bất hảo ném đá vào rạp hát và cướp giựt nhằm cản trở đêm biểu diễn. Trước tình hình đó, cô Ba Viện đến gặp tên quận trưởng đấu tranh, đòi tên quận trưởng phải can thiệp cho gánh hát được khai diễn.
Trước sự phản kháng mãnh liệt, buộc tên quận trưởng phải ra lệnh tăng cường trật tự bảo đảm cho buổi diễn được thành công.
Khi đến biểu diễn tại Bến Cát (Thủ Dầu Một), thái độ của địch càng ngoan cố hơn. Đoàn ghe gánh hát vừa cập bến, chúng hăm dọa không cho dọn lên rạp. Chúng dùng bọn mã tà, mật thám ngăn cản, bắt bớ không cho bán vé.
Trước áp lực của địch, gánh hát một mặt đấu tranh, một mặt cử cô Ba Viện về Sài Gòn báo cáo lại với bác Tôn Đức Thắng và đề nghị nhân, sĩ, trí thức tiến bộ như Bác sĩ Nhã, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá… cử một đoàn gồm 16 người đi trên 4 ô tô (có cả mật thám cảm tình của ta) đến tận nơi can thiệp và bảo vệ cho gánh hát diễn xong mới trở về Sài Gòn.
Một điều hết sức thán phục về tinh thần trách nhiệm của chị Năm Quế. Trước khi chương trình biểu diễn sắp bắt đầu (tại Rạch Giá), chị Năm Quế bị cảm nặng, trong khi vai diễn này không ai có thể thay thế được. Chị đã gượng dậy, cố gắng biểu diễn. Sau khi hạ màn là lúc chị đuối sức, phải cho xe cấp cứu đưa về quê hương và chị đã trút hơi thở cuối cùng trong sự thương tiếc vô cùng của gia đình, đồng nghiệp cùng bà con hàng xóm.
Tại thủ Đức, gánh hát bị chính quyền địch cấm biểu diễn đêm đầu, nhưng với sự đấu tranh đầy lý lẽ, thuyết phục, buộc chúng phải cho biểu diễn trong sự hân hoan chào đón của khán giả. Buổi diễn vừa xong, thấy tình hình bất ổn do lính và cò có ý định bao vây lục soát, tổ chức gánh hát đã ra lệnh cất giấu tất cả giấy tờ, tài liệu bí mật.
Quả nhiên, một vài giờ sau bị chúng bao vây đòi lục soát. Đồng chí Ớt và toàn thể gánh hát đấu tranh không cho chúng lục soát. Hai đồng chí Hòe và Lưu bị chúng bắt giải về bót cảnh sát, với lý do gánh hát Đồng Nữ Ban làm chánh trị, tuyên truyền, xách động quần chúng phá rối trật tự trị an.
Lúc này, toàn thể gánh hát dùng thế hợp pháp đấu tranh và nhờ nhóm trí thức tiến bộ can thiệp thả 2 đồng chí bị bắt nhưng không được. Do vậy tổ chức Đảng cho gánh hát tạm thời ngưng hoạt động, các diễn viên phân tán đề phòng địch tiếp tục bắt giam.
Sau khi hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, các diễn viên, nhạc sĩ của gánh hát tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường cũng như trong nhà lao của đế quốc như: Đồng chí Trần Văn Giai, Trần Văn Trương, Trần Văn Hòe…
Tuy chỉ tồn tại và hoạt động biểu diễn trong một thời gian ngắn (năm 1927 - 1929), nhưng tập thể lãnh đạo và nhạc sĩ, diễn viên gánh hát Đồng Nữ Ban đã vượt mọi gian nguy để mang lời ca, tiếng hát phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX.
NGUYỄN MẠNH THẮNG
* Bài viết sử dụng hồi ký của cô Trần Thị Lớ, lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang