Bấp bênh phim Việt
Nói về con số doanh thu để có thể hòa vốn hoặc có lời đối với Móng vuốt, bộ phim sinh tồn hiếm hoi của Việt Nam, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng đây là việc khó đoán. Và đó cũng là câu trả lời chung của hầu hết các nhà sản xuất phim Việt hiện nay khi thị trường phim lên xuống rất khó đoán, trừ vài trường hợp cá biệt.
Khán giả giao lưu cùng đoàn phim Lật mặt 7, một dấu ấn tích cực của điện ảnh Việt thời gian qua. Ảnh: VĂN TUẤN |
Bức tranh đối lập
Móng vuốt ra rạp từ ngày 7-6 sau khoảng 3 năm chuẩn bị, công bố khởi động dự án và tuyển chọn diễn viên. Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm biên kịch Trần Khánh Hoàng bắt đầu ấp ủ kịch bản vào năm 2015, quá trình ấy đã kéo dài 10 năm. Không chỉ đạo diễn Lê Thanh Sơn, hầu hết các nhà làm phim Việt khi được hỏi về bài toán doanh thu đều trả lời kiểu nước đôi.
Không ít người cho rằng thị trường điện ảnh Việt hiện tại, ngoài hai cái tên Trấn Thành và Lý Hải ra phim nào thắng phim đó, không ai dám nói mạnh. Đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, con số doanh thu bản thân anh và ê kíp nhắm đến là 300 tỷ đồng. “Không phải là muốn con số đó, mà nghĩa là nếu Móng vuốt có thể chạm đến được, chúng tôi sẽ rất hạnh phúc. Bởi nó là một sự công nhận từ khán giả, hơn là một con số để hòa vốn”, đạo diễn Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Tính từ ngày 31-5 đến 2-6, Lật mặt 7: Một điều ước đã có 6 tuần ra rạp, trong đó 4 tuần đứng ở vị trí số 1 phòng vé. Trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, phim vẫn vững vàng trong tốp 3 phim có doanh thu cao nhất. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam, phim có thêm hơn 8,7 tỷ đồng, chỉ đứng sau 2 bộ phim hoạt hình đã có thương hiệu gồm Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu và Garfield: Mèo béo siêu quậy.
Đồng thời, phim dễ dàng vượt qua một số phim mới ra rạp và được kỳ vọng như: Stalker: Tội ác hoàn hảo, Furiosa: Câu chuyện từ Max điên, Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ hay Ngôi đền kỳ quái 4. Đặc biệt, tính đến sáng 7-6, phim đã vượt qua Nhà bà Nữ để soán ngôi tốp phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại (hơn 469 tỷ đồng so với hơn 459 tỷ đồng, tính đến lúc này).
Móng vuốt là phim sinh tồn quái thú đầu tiên của điện ảnh Việt. Ảnh: ĐPCC |
Tính đến đầu tháng 6, thị trường đã có 12 phim Việt ra mắt, bao gồm cả các phim chiếu trong mùa phim Tết 2024. Ngoài Mai, Lật mặt 7 và Gặp lại chị bầu thắng lớn về doanh thu, chỉ có Đào, phở và piano đạt điểm hòa vốn. Số lượng phim còn lại đều chấp nhận cảnh từ lỗ nặng đến rất nặng. Án mạng lầu 4 - phim Việt mới nhất ra rạp hôm 17-5 đã chấp nhận rời rạp chiếu với doanh thu chỉ đạt gần 2 tỷ đồng. Trước đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, với doanh thu hiện tại, việc hòa vốn xem như cũng thất bại. Mặc dù vậy, đây vẫn chưa phải phim lỗ nặng nhất trong năm 2024. Đóa hoa mong manh rời rạp Việt với doanh thu vỏn vẹn 430 triệu đồng. Ba phim Trà, Sáng đèn và B4S: Trước giờ yêu cũng chỉ lần lượt đạt 1,6; 3,4 và 3,8 tỷ đồng. Cái giá của hạnh phúc dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng cũng chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng - con số chưa đủ để hòa vốn.
Cùng với Móng vuốt, một số dự án phim đã lên kế hoạch ra mắt trong thời gian tới được chờ đợi như: Ngày xưa có một chuyện tình, Linh miêu, Cô dâu hào môn, Nhà gia tiên, Làm giàu với ma… Tuy nhiên, nếu nhiều dự án có kế hoạch truyền thông bài bản và dài hơi, thì cũng có không ít phim Việt chơi chiêu “đánh úp” khi công bố ra rạp rất gần thời điểm khởi chiếu. Một trong những lý do quan trọng là do vấn đề kinh phí. Để có một chiến lược truyền thông (PR) bài bản, ngân sách nhiều khi lên đến hàng chục tỷ đồng. Và dĩ nhiên, hiệu quả thu hút khán giả cũng trở thành một vấn đề mang tính “cầu may”.
Phim ngoại lấn sân
Theo chuyên gia Paul Dergarabedian của Comscore (một công ty phân tích và đo lường truyền thông toàn cầu có trụ sở tại Mỹ), năm nay doanh thu mùa phim hè ở Hollywood có thể tiếp tục sụt giảm 800 triệu USD so với năm 2023 (4,1 tỷ USD) bởi ảnh hưởng của hai cuộc đình công khiến việc sản xuất phải tạm dừng và làm tắc nghẽn kênh phát hành phim mới. Thông thường, mùa phim hè (từ tháng 5 đến hết tháng 8) chiếm khoảng 40% phòng vé nội địa Bắc Mỹ.
Trước đó, tại hội thảo “Điện ảnh TPHCM: Tầm nhìn và chiến lược phát triển” trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế TPHCM (HIFF) 2024, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc BHD, nhận định, mặc dù thị trường điện ảnh Việt có tốc độ tăng trưởng cao, song điểm yếu là phát triển nóng nên chi phí sản xuất, chi phí vận hành rạp cao. “Đặc biệt, sau dịch Covid-19, lợi nhuận từ thị trường điện ảnh đang quá thấp, thậm chí là khó có lợi nhuận. Nếu không phát triển bền vững, sau giai đoạn phát triển nóng sẽ khó phát triển hơn nữa”, bà Bích Hạnh nhấn mạnh. |
Tuy nhiên, chuyên gia Dergarabedian vẫn nhấn mạnh: “Ngay cả với sự suy giảm doanh thu hàng năm không thể tránh khỏi, mùa hè 2024 vẫn nên được đánh giá dựa trên chất lượng và giá trị của trải nghiệm xem phim hơn là số tiền phòng vé thu về”. Có một thực tế, doanh thu ở thị trường quốc tế và Việt Nam không hẳn lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Trường hợp của Quật mộ trùng ma, phía nhà phát hành từng chia sẻ họ đặt mục tiêu chưa đến 100 tỷ đồng, nhưng cuối cùng con số thu về tăng hơn gấp đôi.
Do đó, tính rộng ra các phim đã lên lịch phát hành từ nay đến hết năm 2024 với nhiều tựa phim chất lượng: Inside Out 2, A Quiet Place: Day One, Despicable Me 4, Twisters, Deadpool & Wolverine, Beetlejuice Beetlejuice, Joker: Folie à Deux, Gladiator 2, Moana 2, Wicked (part 1), The Lord of the Rings: The War of the Rohirrim, Mufasa: The Lion King, Sonic the Hedgehog 3... vẫn hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh hấp dẫn với phim Việt. Đó là lý do các chuyên gia phòng vé cả quốc tế lẫn trong nước đều cho rằng hè 2024 sẽ ghi nhận sức nóng khi khán giả sẽ đổ đến các rạp và cơ hội cho phim Việt sẽ rất lớn khi đã có nhiều phim vượt xa phim ngoại. Vấn đề chỉ còn là liệu chất lượng phim nội hè này sẽ đủ sức thuyết phục khán giả hay không?
(Theo www.sggp.org.vn)