Hạnh phúc của người tật nguyền biết tìm sự sẻ chia
Mười hai năm trước, họ đã đến với nhau bằng một đám cưới đơn sơ. Trong ngày cưới, nhìn cô dâu lành lặn bên người chồng tật nguyền, có người ái ngại… Nhưng mái ấm hiện tại của anh chị đã chứng minh rằng: Nếu biết cùng nhau vun đắp, giữ gìn thì hạnh phúc đong đầy.
Vợ chồng anh Lê Văn Vũ với công việc mưu sinh hàng ngày và hạnh phúc bên 2 đứa con ngoan. |
Anh Lê Văn Vũ (sinh năm 1975) là con trai đầu trong gia đình nghèo có đến 7 chị em ở ấp Mỹ Phú (Mỹ Long, Cai Lậy). Năm lên hai tuổi, một cơn sốt ác tính đã khiến đôi chân anh mất khả năng vận động.
Những năm tháng tuổi thơ, bạn bè trong xóm chạy nhảy, vui đùa thì anh Vũ phải khó nhọc tập di chuyển bằng tay và đầu gối trên nền đất lồi lõm đến nỗi khuỷu tay, chân rướm máu, chai sần.
Khi bạn bè đồng trang lứa cắp sách đến trường, tiếp xúc với bao điều mới lạ thì anh chỉ biết quẩn quanh ở khoảng sân nhỏ trước nhà, làm bạn cùng mảnh vườn, con rạch.
Những lúc ấy, dù chạnh lòng nhưng anh vẫn tin rằng tương lai sẽ mở ra, con đường bằng phẳng hơn nếu không ngừng cố gắng. Anh còn đôi tay khỏe mạnh có thể trông em, chẻ củi, nấu cơm cho ba mẹ đi làm đồng.
Lớn hơn một chút, anh tập bơi, chèo xuồng để giăng câu, kéo lưới. Đến tuổi trưởng thành, anh theo người mẹ tảo tần xuôi ngược theo con nước bán vài thứ hàng tạp hóa. Có “duyên” mua bán, những chuyến hàng cũng đủ để anh phụ giúp ba mẹ xoay xở chi phí sinh hoạt. Đến lúc trưởng thành, anh mơ về một mái ấm với tiếng cười trong trẻo của con trẻ nhưng khi nghĩ đến khiếm khuyết của bản thân và hoàn cảnh nghèo khó của gia đình mà ngậm ngùi.
Bước ngoặt cuộc đời của anh Lê Văn Vũ là trong những lần rong ruổi bán hàng ở miệt đồng xã Thạnh An (Thạnh Hóa, Long An), có một cô gái đã đem lòng cảm mến anh bởi nghị lực vượt khó. Đó là chị Lê Thị Tiên, cùng hoàn cảnh gia đình nghèo khó, quanh năm phải đi giặm lúa, nhổ cỏ, đan đệm mưu sinh.
Những lần vô tình chạm mặt, sự chân chất, siêng năng lao động của chàng trai tật nguyền đã gieo vào lòng chị Tiên cảm xúc khó tả. Còn anh Vũ, ấn tượng đầu tiên về chị là sự vui vẻ, nhiệt tình. Ở tuổi ngoài ba mươi, vài ba mối mai đến dạm ngõ nhưng chị Tiên vẫn chưa ưng bụng cho đến khi gặp anh. Tình yêu cứ thế lớn dần sau những chuyến ngược xuôi bán hàng của anh Vũ.
Ngày chị quyết định lấy anh, gia đình phản đối quyết liệt. Sau gần nửa năm đấu tranh với rào cản gia đình và định kiến xã hội, tình yêu đẹp và cảm động của anh chị đã kết thúc có hậu bằng một đám cưới đơn sơ vào đầu năm 2000.
12 năm qua, trong căn nhà vách lá bình yên bên con rạch nhỏ ở ấp Mỹ Phú, gia đình vẫn còn nghèo nhưng tình yêu thương thì luôn đong đầy. Năm 2002, anh chị đón con gái đầu lòng trong niềm vui trọn vẹn, họ đặt tên con là Diễm Phúc. Hai năm sau, bé Diễm Hương tiếp tục chào đời trong cảnh nhà đầm ấm.
Hiện nay, dù vất vả hơn khi hai con ngày một lớn nhưng vợ chồng anh Vũ vẫn luôn hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Ròng rã suốt 3 ngày, hai vợ chồng mới hoàn thành một chiếc đệm với giá bán 90.000 đồng, trừ đi chi phí mua bàng, tiền công chuyên chở, thu nhập chỉ vỏn vẹn 30.000 đồng. Thời gian còn lại, anh chèo xuồng chài lưới, vét ao nuôi cá; còn chị trồng rau, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập trên mảnh đất 1,5 công.
Từng trải qua tuổi thơ nghèo khó, không biết chữ nên dù hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, anh chị vẫn động viên hai con cố gắng học. Để con có quyển tập, cây viết, tấm áo lành lặn cho năm học mới, vợ chồng anh Vũ phải dành dụm từ khoản thu nhập ít ỏi cuối năm học trước.
Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, nhiều năm liền Diễm Phúc và Diễm Hương luôn là học sinh khá, giỏi. Anh bộc bạch: “Đời mình không biết chữ, bị thua sút quá rồi. Bây giờ phải cố nuôi các con học hành, có chữ nghĩa mới có thể vươn lên!”.
Với người dân ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long, gia đình anh Vũ và chị Tiên được xây dựng từ tình yêu trong sáng, chân thành, siêng năng lao động của họ vẫn vững bền giữa cuộc đời đầy chông gai khiến người khác tin những điều tốt đẹp sẽ luôn hiện hữu trong cuộc sống.
Mong ước lớn nhất của vợ chồng anh Vũ là sức khỏe ổn định để lao động, dành dụm sửa sang lại mái nhà lành lặn. Xa hơn, vợ chồng anh mong có một số vốn để mỗi đợt mua thêm vài đôi bàng đan đệm quyết lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn.
TRƯỜNG GIANG