Thứ Ba, 19/06/2012, 09:40 (GMT+7)
.

Tiễn biệt anh Ba Quảng, chú Sáu Kỳ

Trung tuần tháng 6, nhận liên tục 2 tin dữ: Anh Ba Quảng (Dương Văn Quảng) và chú Sáu Kỳ (Nguyễn Trường Kỳ, tên thật Nguyễn Ngọc Các) đã ra đi.

Cả 2 người đều cùng cương vị (trước và sau) là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Cả 2 người cùng quê Cái Bè; anh Ba Quảng quê ở Đông Hòa Hiệp, chú Sáu Kỳ quê ở Hậu Mỹ Phú.

Cả hai đều xuất thân trong gia đình khá giả, có truyền thống cách mạng. Quê hương Cái Bè của 2 người đều là quê hương cách mạng, là căn cứ địa, là vùng giải phóng rộng lớn, nơi gắn với các địa danh từ đánh Tây tới đánh Mỹ.

Với các anh lãnh đạo tỉnh và với riêng hai vị Phó Chủ tịch vừa ra đi thì tôi là người xa lạ vì tôi là dân Bắc “rặc”. Tôi vượt Trường Sơn vào Nam là Đại đội trưởng hỏa lực pháo binh, đi cùng Tiểu đoàn 261 Giron.

Từ cuối năm 1963, tôi tới Hậu Mỹ Phú, khi đó Trường Kỳ còn rất thư sinh, gia đình Trường Kỳ đã từng cưu mang đơn vị chúng tôi. Trường Kỳ là “hạt giống đỏ” có văn hóa, hiền lành, dễ thương lại đẹp trai… nên được các anh, các chú thương yêu, dìu dắt.

Trường Kỳ công tác trong môi trường cấp ủy (trong chiến tranh) và văn phòng ủy ban (trong hòa bình). Trong cả hai môi trường ấy, Trường Kỳ được mọi người tin yêu và sống xứng đáng với sự tin yêu của mọi người. Đặc biệt là các chú, các anh lãnh đạo như: Chín Công, Sáu Bình, Chín Hải, Ba Niềm…

Đó là những người luôn quan tâm dìu dắt, bồi dưỡng Trường Kỳ trưởng thành nhanh chóng trong công tác. Trường Kỳ đã không phụ lòng các đồng chí lãnh đạo trong vai trò cán bộ tham mưu của văn phòng cấp ủy. Trong hòa bình, xây dựng, Sáu Kỳ chuyển qua văn phòng ủy ban và sau đó làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Sáu Kỳ là thế hệ lớp sau, tại chỗ.

Với anh Ba Quảng là lớp trước, người thương binh tàn nhưng không phế. Anh Ba đi tập kết nhưng quyết tâm học tập, công tác, tích lũy kinh nghiệm. Với lòng yêu quê hương thiết tha, trong lĩnh vực kinh tế, kế hoạch, đầu tư… anh Ba giữ trọng trách là Phó Chủ tịch và sau là Trưởng Ban Kinh tế - Kế hoạch - Đầu tư Tỉnh ủy đến khi nghỉ hưu.

Cả hai người cùng tham mưu đắc lực cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Thường trực UBND tỉnh. Đứng đầu là các đồng chí Chín Hải, Ba Niềm, Sáu Bình… Trong giai đoạn này, Tiền Giang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp với hệ thống kinh mương, trạm bơm, hạ tầng giao thông, thủy sản, văn hóa - xã hội…

Đó là những chuyển động lớn xoay quanh thực hiện 5 chương trình kinh tế có mục tiêu trên đất Tiền Giang. Phải chăng đó là lớp cán bộ “thế hệ vàng” theo lời Bác, một lòng xây dựng quê hương, không vụ lợi, quên mình vì lợi ích của nhân dân.

Trong công tác, trong sinh hoạt, các anh đều tỏ rõ khiêm tốn, giản dị, hết lòng thương yêu đồng đội, nhân dân. Các anh luôn ham học hỏi, biết đấu tranh giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ đi đôi với duy trì kỷ cương, nêu cao phê bình và tự phê bình để rèn luyện.

Lần lượt tiễn anh Ba Quảng và chú Sáu Kỳ về nơi an nghỉ cuối cùng trong cái nắng sớm ngày hè chói chang, cảnh buồn lan tỏa… Quê mẹ đượm buồn đón nhận tin buồn của hai người con khiến tôi chạnh lòng:

“Cái Bè hôm nay tỏa lệ sầu
Gió buồn không thổi lá về đâu?!
Thương ai nước mắt hai dòng lệ
Hè buồn phượng đỏ chẳng tung bay”.

Khi đã nghỉ hưu, chúng tôi thường nhắc chuyện ở Cái Bè với những ký ức yêu thương để vui tuổi già và chúng tôi tâm đầu ý hợp, mặc dù tôi kém anh Ba 7 tuổi và hơn chú Sáu 7 tuổi. Với hai con người này ở quê hương là đất ông cha, không rườm rà, giữ trọn thanh liêm. Riêng với Sáu Kỳ rất đa cảm, thương người.

Trong cương vị Phó Chủ tịch văn xã, Sáu Kỳ đã trực tiếp giải quyết nhiều vướng mắc về chính sách xã hội… Sau khi nghỉ hưu lại nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nhân nghèo, Sáu Kỳ đã vận động kinh phí cứu sống bao mảnh đời bất hạnh, bệnh tật hiểm nghèo… Công lao đó chắc người đời còn nhớ mãi. Xin có vần thơ tri ân và tiễn biệt:

“Thương tiếc chú Sáu Kỳ
Chú Sáu ơi! Sao sớm đi rồi
Con người nhân nghĩa mến thương ơi
Suốt đời phấn đấu cho xứ sở
Dân tiếc, bạn thương ở trên đời.”

Sống là làm việc, phục vụ vì lợi ích của dân, của nước. Anh Ba và chú Sáu đã làm được điều vinh quang đó. Cho phép tôi được chia buồn tri ân với anh Ba và chú Sáu:

“Tin buồn dồn dập nỗi đau
Bốn ngày hai vị cùng nhau đi về
Cái Bè quê mẹ nhói đau
Cờ tang rũ. Ôi! Tiếc thương vô vàn”.

SỸ HIỆP
(15-6-2012)

.
.
.