Chủ động đối phó với triều cường bảo vệ SX và đời sống nhân dân
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày sắp tới khả năng xảy ra triều cường là rất lớn. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường đối với vườn cây ăn trái, nhà cửa… huyện Cái Bè đã có nhiều biện pháp để chủ động đối phó.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) huyện Cái Bè, triều cường tại huyện Cái Bè vào ngày 20-10 là 2,26 m, cao hơn đỉnh triều năm 2011 là 11 cm, thấp hơn đỉnh triều năm 2000 là 8 cm. Mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của đợt triều cường này gây ra: trên 3.000 căn nhà bị ngập, 1.000 ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng và bị ngập, 25 đoạn đê bao bị tràn, 24 đập bị bể.
Đến nay, ngành Nông nghiệp huyện cùng nhân dân đã khắc phục các điểm tràn đê, xử lý các điểm xoáy đáy, sụp mố… với tổng kinh phí 692 triệu đồng. UBND các xã Nam Quốc lộ IA vận động nhân dân gia cố đê bao chống triều cường với tổng chiều dài trên 50 km, khắc phục 14 đập và xử lý 210 điểm sạt lở nhỏ. Ban Chỉ huy PCLB-GNTT các xã và thị trấn Cái Bè còn tổ chức lực lượng và huy động nhân dân gia cố các đoạn đê còn thấp.
Cán bộ Phòng NN và PTNT khảo sát tình hình lũ ở xã Hậu Mỹ Bắc B. |
Bên cạnh đó, việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-GNTT địa phương và kiểm tra công tác chủ động đối phó với triều cường được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Trước diễn biến phức tạp của triều cường trong những ngày tới, Phòng NN và PNNT huyện đã tăng cường kiểm tra ở các xã đầu nguồn của huyện.
Tại xã Hậu Mỹ Bắc A, chế độ trực của Ban Chỉ huy PCLB-GNTT của xã được duy trì 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo xử lý tình huống xảy ra và thường xuyên thông báo tình hình lũ, bão để nhân dân đề phòng. Các chi bộ, ban quản lý ấp đã có kế hoạch phân công đảng viên, tổ NDTQ và các đoàn thể ấp tổ chức triển khai công tác PCLB-GNTT ra dân.
Công tác trọng tâm cần thực hiện gồm gia cố đê bao các khu vực đất thấp, các khu vực sản xuất cá giống; vận động 5 ghe máy đăng ký cứu hộ ở mỗi ấp khi có lũ, bão xảy ra và chấp hành nghiêm lệnh điều động của Ban chỉ huy PCLB-GNTT…
Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước diễn biến phức tạp của triều cường, UBND xã tập trung vào các công tác trọng tâm đã được đề ra trong kế hoạch PCLB-GNTT năm 2013. Trong đó, chính quyền xã chú trọng đến công tác bảo vệ các ô đê bao trước áp lực nước của triều cường, cụ thể là chủ động các máy bơm điện tại các ô đê bao của ấp Hậu Phú 1, 2 và 3 để sẵn sàng bơm nước, tránh nguy cơ bị ngập diện tích vườn và nhà cửa.
Đối với các ô đê bao lửng, sau khi thu hoạch lúa hoàn tất vào tháng 8 đã được xả nước vào để lấy phù sa vào ruộng, phục vụ cho vụ lúa sắp gieo sạ trong thời gian tới. Ông Dũng cũng cho biết thêm, vào mùa lũ năm nay, trong xã có 100 hộ dân tận dụng 100 ha mặt nước lũ để nuôi cá trôi (một loại cá tương tự cá linh). Thương lái từ TP. Hồ Chí Minh xuống mua trung bình mỗi ngày khoảng 1,5 tấn với giá từ 30-32 ngàn đồng/kg, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Trồng màu trong ô đê bao. |
Tại xã Hậu Mỹ Bắc B, xã đầu nguồn của huyện, giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An thường xuyên bị ảnh hưởng lũ nên công tác PCLB-GNTT luôn được huyện và xã đặc biệt quan tâm. Toàn xã có 4 tuyến đê xung yếu ở các ấp Mỹ Thuận, Mỹ Trung, Hậu Qưới, bờ đông kinh Chà từ mương lộ 865 đến kinh Ngàn Nhất và 11 ô đê bao. Nhằm đối phó với khả năng đỉnh triều cường cao trong những ngày tới, UBND xã đã khảo sát trên địa bàn xã với 16 đoạn sạt lở, có tổng chiều dài 380 m để khắc phục kịp thời. Cán bộ nông nghiệp xã thường xuyên theo dõi đỉnh nước ở chợ Hai Hạt, trạm nước xã Hậu Mỹ Bắc B và thông báo diễn biến mực nước hàng ngày để nhân dân chủ động đối phó.
Ông Võ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chủ động đối phó với khả năng đỉnh triều cường cao có thể xảy ra, xã đã bổ sung hoàn chỉnh phương án PCLB-GNTT với phương châm “4 tại chỗ”. Xã đã thành lập và củng cố 1 trung đội xung kích gồm 28 người trực tại trụ sở UBND xã và thành lập 3 tiểu đội xung kích ở 3 ấp nhằm hỗ trợ nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra. Đài Truyền thanh xã thường xuyên thông báo diễn biến triều cường để người dân chủ động tự bảo vệ tài sản cùng tính mạng khi có thiên tai xảy ra.
Cán bộ Phòng NN&PTNT kiểm tra hệ thống cống đập. |
Ông Lê Văn Nhanh, trưởng ấp Mỹ Trung trong lúc hướng dẫn đoàn đi khảo sát cống đập ở cầu Hai Hạt cho biết:
Ban quản lý ấp thường xuyên kiểm tra mực nước ở các con kinh cũng như độ an toàn của các cống đập trong ấp để kịp thời báo cáo về thường trực Ban Chỉ huy PCLB-GNTT của xã để có biện pháp ứng phó khi có tình huống vỡ đập xảy ra.
Nhờ tổ chức tốt việc gia cố các cống đập, các ô đê bao nên tình hình sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Trong các ô đê bao của ấp Mỹ Thuận và Hậu Qưới vào những ngày này vẫn có những diện tích trồng màu xanh tươi như dưa hấu, bầu bí và mướp…; còn diện tích ngoài ô bao và ở những ô đê bao “lửng” thì được người dân xả cho nước tràn vào để lấy phù sa cho vụ mùa sắp tới.
Được biết, nhằm đối phó với đợt triều cường sắp tới Ban Chỉ huy PCLB-GNTT của huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB-GNTT các xã và thị trấn Cái Bè tổ chức lực lượng và nhân dân gia cố các đoạn đê còn thấp nhằm bảo vệ tốt các ô đê bao không bị ảnh hưởng ngập vườn cây ăn trái và nhà dân.
UBND huyện xem xét hỗ trợ kinh phí cho các xã và thị trấn Cái Bè nhằm huy động lực lượng, mua sắm dụng cụ… khắc phục các đoạn ngập sâu, sửa chữa các cửa cống nhằm bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.
HỮU CHÍ