Cô Nguyễn Thị Hồng Sen hết lòng vì phụ nữ nghèo
Hơn 20 năm gắn bó với công tác phụ nữ, cô Nguyễn Thị Hồng Sen, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Lương Phú B (Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo) luôn đi đầu trong mọi công tác được giao, nhất là trong phong trào phụ nữ giúp nhau xóa nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Năm 2001, cô Sen đã mạnh dạn đứng ra thành lập tổ đan lát, lục bình, nhằm tạo nhiều việc làm hơn cho chị em phụ nữ nghèo trong xã với quy mô và số lượng chị em tham gia ngày càng nhiều. Cô Hồng Sen chia sẻ: “Công việc này khá đơn giản, chị em có thể nhận hàng về nhà đan trong những lúc rảnh rỗi. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua bàn tay khéo léo của các chị em đã trở nên có giá trị, là sản phẩm giúp chị em có việc làm có thêm thu nhập”.
Cô Hai Hồng Sen (thứ 4 từ trái qua, đeo kính) đang hướng dẫn chị em đan lát. |
Từ nguồn nguyên liệu đến đầu ra cô Sen đều đứng ra lo hết. Một ngày các chị vừa làm việc nhà vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi để đan từ 3-4 tấm nệm ghế bằng lục bình, thu nhập từ 50-60 ngàn đồng.
Kế bên tổ đan lát là tổ may giày với hơn 50 chị em đang nhận hàng về nhà làm. Tiếng nói cười vui vẻ của các chị em làm cho vùng quê trở nên nhộn nhịp, rộn ràng. Tuy không đứng trực tiếp quản lý tổ may giày, nhưng cô Sen luôn quan tâm, chia sẻ với hội viên của mình. Ngoài ra, cô còn mạnh dạn đề xuất Hội cấp trên hỗ trợ từ các nguồn vốn khác nhau cho nhiều chị em trong và ngoài hội mượn, vay với lãi suất thấp.
Cô Sen còn là tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng với 44 thành viên với số vốn trên 600 triệu đồng. Nhờ đồng vốn này mà nhiều chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ, cải thiện cuộc sống gia đình. Bên cạnh, cô Sen còn kiêm luôn tổ trưởng cụm tài chính quy mô từ nguồn quỹ giúp chị em phát triển kinh tế với 83 hội viên, số vốn lên tới 500 triệu đồng.
Chính nhờ sự nhiệt tình, hết lòng vì phụ nữ mà ngày càng có nhiều chị em phụ nữ ở trong ấp tình nguyện vào hội. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, ấp Lương Phú C cho biết: “Vợ chồng chị trước đây chủ yếu là đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Từ khi cô Sen mở tổ đan lát chị đã được cô Sen hướng dẫn rồi cho nhận hàng về nhà làm, mỗi ngày chị thu nhập từ 60-70 ngàn đồng. Tuy thu nhập không cao nhưng được cái mình có thể vừa chăm sóc gia đình vừa làm, với lại công việc này cũng không mấy vất vả”.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Xuyến, ấp Lương Phú C cũng đang chờ nhận hàng về nhà làm, chị chia sẻ: “Mỗi ngày kiếm thêm vài chục ngàn cũng đủ tiền đi chợ, mà mình có thời gian rảnh chăm sóc con cái học hành. Ở nhà chị còn nuôi thêm vài con heo, con bò. Công việc đan lát hay may giày đều phù hợp với chị em phụ nữ, từ khi có 2 tổ này chị em trong ấp, trong xã ai cũng mừng, nhất là cô Sen luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ cùng mọi người, nên chị em rất yên tâm làm việc”.
Không chỉ là một cán bộ hội giỏi, cô Sen còn là một người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Mọi công việc trong nhà cô đều chu toàn để các con yên tâm công tác, học tập. Các con của cô được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Nhiều năm liền gia đình cô đạt danh hiệu gia đình văn hoá, bản thân cô được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen, huy chương vì sự phát triển phụ nữ.
Gần đến tuổi 60, nhưng cô Sen vẫn rất nhiệt tình, và tâm huyết với công tác phụ nữ, nhất là chăm lo cho phụ nữ nghèo. Cô Sen phấn khởi: “Còn sức khỏe thì còn làm. Làm được việc gì có ích cho mọi người là cô thấy vui lắm”. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi tuần 3-4 buổi cô đều xuống Trung tâm dạy nghề huyện Chợ Gạo để dạy nghề cho mọi người. Ở nhà cũng vậy, ai muốn tới học nghề cô Sen đều tận tình hướng dẫn mà không đòi hỏi tiền công.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc khẳng định: “Với tính tình hiền lành, vui vẻ, cô Sen không chỉ được các chị em trong ấp, trong xã yêu quý mà tất cả mọi người đều nể phục. Tuy đã lớn tuổi nhưng trong cô lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời, tất cả các phong trào trong xã cô đều tham gia rồi về tuyên truyền cho hội viên của mình.
Cô đến từng nhà vận động xây dựng hố xí hợp vệ sinh hay tham gia tổ tư vấn hòa giải của xã. Chính vì vậy cô Sen đã góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã, cũng như thoát nghèo cho chị em phụ nữ. Cô Sen được mọi người gọi với cái tên trìu mến là “Cô Hai Hồng Sen”.
P. MAI